Tâm tĩnh thì tuệ sinh
Khi chúng ta tĩnh tâm, bình tĩnh thì chúng ta mới sáng suốt, làm cho trí tuệ được phát sinh. Còn khi tâm chúng ta dao động, không đứng yên thì trí tuệ sẽ mờ tối. Cho nên, trong những lúc chúng ta mất bình tĩnh, phiền não, chúng ta dễ đưa ra những quyết định không đúng đắn.
Thế tục vạn sự trùng trùng, cám dỗ muôn màu muôn vẻ, đâu đâu cũng có, muốn đi cho chính, chuẩn đường chuẩn hướng thì trước tiên chúng ta cần phải thấu hiểu chính mình.
Tâm chúng ta giống như hồ nước vậy. Nếu hồ nước dao động, sóng vỗ cuồn cuộn thì hồ đục ngầu, không thể nhìn thấy cái gì. Còn hồ nước lắng trong thì chúng ta có thể thấy rõ trăng, mây trời, cây cối in bóng trên mặt hồ đó. Chúng ta cần tu tập để tâm có thể lắng trong, làm cho trí tuệ có thể tỏ rạng sáng ngời
Bậc tiên hiền lỗi lạc Vương Dương Minh từng nói, làm người muốn tiến xa thì cần biết tĩnh, muốn tĩnh được lại cần hiểu kiếp nhân sinh.
Tu tĩnh: Nhập tâm cảnh
Vương Dương Minh cho rằng muốn tĩnh lại cần có 2 yếu tố tiên quyết.
Một là: Tức tư lự (Dừng suy nghĩ), đưa cái tâm của mình tiến nhập vào cảnh giới trống rỗng tĩnh lặng. Tạm thời dừng lại những truy cầu.
Hai là: “Tỉnh sát khắc trị” (tự phản tỉnh xem xét bản thân, khắc chế, trị sửa bản thân), tức là lấy tâm làm gương soi, quán chiếu xem xét bản thân.
Con người sinh ra thế gian, chìm đắm trong tư dục, sắc tình danh lợi. Khổng Tử thường giảng pháp chế của người quân tử là “Tự vấn bản thân, hướng nội tu dưỡng”. Điểm mấu chốt trong vấn đề tĩnh tu của Vương Dương Minh cũng là ở chỗ này.
Tâm chúng ta không thể tĩnh lại được phần lớn là bởi suy nghĩ không đủ thanh tịnh. Vậy nên không ngừng soi xét tự chính mình chính là cách tốt nhất để liễu giải nội tâm bản thân.
Ý thành: gây dựng cái tâm ngay chính
Một niệm đầu vừa xuất hiện, lương tri tự nhiên sẽ biết là tốt hay xấu, nếu tốt giữ lại, xấu loại đi, đây chính là thành ý.
Vương Dương Minh cho rằng thành ý cũng tựa như mình thích cái thiện, cái đẹp, ghét cái ác như ghét mùi hôi thối.
Câu nói này nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế để làm được lại không phải việc giản đơn. Ví như chúng ta đều biết tham đồng tiền bất chính là xấu, tuy nhiên có những lúc làm được điều đó lại không dễ gì, sức lôi cuốn quá lớn, người không đủ đức hạnh khó có thể vượt qua.
Một khi không vượt qua được mà tham lấy, nó cũng tựa như thích những điều bất chính. Vì chúng ta thường xuyên không thành ý cho nên nội tâm thường xuyên cảm thấy có tội, tâm bất an và đương nhiên là trí không thể bình hoà, tâm không thanh tịnh lại được.
Tĩnh tại là phúc
Cho dù ở một mình cũng cần chú trọng hành vi của mình. Một người có thể giữ mình được ngay chính khi ở một mình chính là biểu thị người có cảnh giới cao hay không. Nói theo cách của Vương Dương Minh chính là tự quản chính mình.
Có câu rằng: “Tĩnh là phúc”, hết thảy những phiền não trong đời người đều đến từ dục vọng, ham muốn và sự không an phận của con người. Những hấp dẫn của vật chất, danh, lợi, tình khiến người ta không thể thoát ra được. Thời cổ đại, có rất nhiều văn nhân có thể đạt đến cảnh giới “tĩnh tâm như nước”. Lý Bạch uống rượu ngắm trăng, Đào Tiềm cuốc đất trồng hoa cúc…
Trong cuộc đời, rất nhiều người đều mong muốn có thể làm cho tâm linh của mình được yên bình, nhưng rất ít người biết được rằng “tịnh” (thuần khiết) và “tĩnh” (tĩnh lặng) là có quan hệ mật thiết với nhau. Khi tâm linh của một người ở vào thời khắc tĩnh lặng thì trí tuệ của họ khởi tác dụng to lớn. Trái lại, khi tâm của một người là lo âu, bồn chồn thì tuyệt đối không thể sản sinh được trí tuệ.
Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy”, Khổng Tử cũng giảng: “Người trí thích nước, người nhân thích núi”. Có thể thấy, nước có rất nhiều phẩm tính vĩ đại để thế nhân tham ngộ. “Tâm tĩnh như nước” khiến tâm linh liền đạt được sự thuần tịnh cao độ, khiến nhân phẩm sẽ trở nên cao thượng, khiến người tu hành nảy sinh lòng từ bi.
Hằng Tâm