Tâm ý thuần tịnh của người xưa
Tốt xấu khác nhau từ một niệm, thiên đường hay địa ngục chỉ ở 1 ý nghĩ. Sai biệt ở một niệm của con người mà dẫn đến những kết quả khác nhau. Người xưa nói không hề sai: tốt xấu khác nhau chỉ ở một niệm: thiện lành hay xấu ác.
Những câu chuyện dưới đây cho chúng ta thấy rõ hơn về nhận định trên.
1. Câu chuyện về chiếc bình, đậu đen và đậu trắng
Triệu Khang Tĩnh thời Tống vô cùng coi trọng tâm ý thuần tịnh, vứt bỏ ác niệm, nỗ lực học tập và làm người chiểu theo lời dạy của các bậc thánh nhân và hiền sĩ thời xưa. Anh ta đã dùng cách lấy chiếc bình để đựng đậu đen và đậu trắng, từ đó tự kiểm tra và đề cao tâm tính của mình. Cách làm cụ thể như sau:
Anh ta thường hay tự kiểm tra và nhìn lại bản thân mình. Nếu như khởi lên một thiện niệm thì anh ta cho một hạt đậu trắng vào trong bình. Nếu như khởi lên một ác niệm thì anh ta cho một hạt đậu đen vào trong bình.
Khi bắt đầu làm như vậy thì đã có rất nhiều đậu đen trong chiếc bình, anh ta xem xét những chỗ sai của mình và cảm thấy vô cùng hối hận. Về sau, đậu đen dần dần giảm đi và đậu trắng dần dần tăng lên.
Lâu dần, anh ta quên cả hai loại niệm đầu thiện và ác; từ đó tiến nhập vào “không nghĩ về thiện, không nghĩ về ác” dần dần đạt tới cảnh giới “tâm không có tạp niệm, tự nhiên thuần tịnh.”
2. Vệ Trọng Đạt sợ hãi và tỉnh ngộ trước những điều sai sót của mình
Vệ Trọng Đạt thời nhà Tống làm quan ở Viện hàn lâm. Có một lần, anh ta nằm mơ thấy quỷ sứ dẫn linh hồn mình đi đến âm phủ.
Vị phán quan chủ quản nơi âm phủ cho gọi sử quan chuyên quản văn thư mang đến hai loại sổ sách ghi chép việc thiện và việc ác mà anh ta đã làm khi còn ở chốn dương gian. Khi mở ra xem thì cuốn sổ ghi chép việc ác được ghi đầy hết, còn cuốn sổ ghi chép việc thiện chỉ ghi chút xíu.
Phán quan chủ quản lại cho gọi mang đến một cái cân. Cuốn sổ ghi ghép rất nhiều việc ác có trọng lượng rất nhẹ, ngược lại cuốn sổ mỏng ghi chép việc thiện có trọng lượng rất nặng.
Vệ Trọng Đạt hỏi phán quan: “Tôi chưa đến 40 tuổi, cớ sao lại phạm nhiều sai sót và tội ác như vậy?”
Phán quan nói: “Chỉ cần một niệm đầu bất chính thì chính là sai sót và tội ác, đều được ghi chép lại trong án hình. Ví như nhìn thấy phụ nữ đẹp, dấy động niệm xấu thì chính là phạm tội và sẽ bị ghi chép lại.”
Vệ Trọng Đạt lại hỏi: “Trong cuốn sổ ghi việc thiện kia, điều gì được ghi chép lại?”
Phán quan trả lời: “Có một lần hoàng đế muốn xây dựng một công trình lớn, là việc sửa chữa cây cầu đá ở vùng Tam Sơn. Ngươi đã dâng tấu khuyên hoàng đế không nên sửa chữa vì đó là nơi rất ít người qua lại để miễn việc làm nhọc sức dân và hao tốn tài vật. Trong này ghi chép là ngươi đã viết tấu chương.”
Vệ Trọng Đạt nói: “Tuy là tôi đã viết tấu chương nhưng hoàng đế không nghe theo, kết quả là vẫn tiến hành tu sửa cây cầu. Tôi tiến hành khuyên ngăn việc đó nhưng không có phát huy tác dụng. Bản tấu chương này sao lại có thể có lực lượng lớn mạnh như vậy chứ?”
Phán quan nói: “Tuy là hoàng đế không tiếp nhận kiến nghị của ngươi nhưng niệm đầu này của ngươi vô cùng ngay chính, chân thành, mục đích đặt ở việc miễn lao dịch cho nghìn vạn bách tính. Nếu như hoàng đế tiếp nhận ý kiến của ngươi thì công đức của ngươi càng to lớn hơn nữa!
Đáng tiếc là ngươi sinh ra quá nhiều ác niệm nên lực lượng của thiện vì đó mà giảm bớt phân nửa, còn về chức quan của ngươi, vốn là có thể thăng quan làm tể tướng nhưng hiện giờ cũng không còn hi vọng thăng làm tể tướng nữa rồi!”
Vệ Trọng Đạt vô cùng kinh ngạc rồi tỉnh mộng.
Từ đó về sau, anh ta thường dùng câu chuyện này để giáo dục người nhà và con cái mình phải chú ý đoan chính tư tưởng, vứt bỏ tà dâm và các loại ác niệm.
Về sau, quả nhiên Vệ Trọng Đạt chỉ làm đến chức sử bộ thượng thư, chứ không làm đến chức tể tướng.
Vệ Trọng Đạt chỉ mới xuất ra ác niệm chứ chưa làm ra hành động nhưng đã làm tổn hại đến phúc báo đời này. Vệ Trọng Đạt chỉ mới nói ra chứ chưa được hoàng đế tiếp nhận nhưng lực lượng của việc thiện anh ta làm đã chiến thắng hết thảy những việc ác mà anh ta từng làm!
Từ ví dụ này, chúng ta hiểu rằng nếu như thật sự đã làm việc ác hay việc thiện rồi thì lực lượng của thiện và ác đều rất lớn. Có thể nhìn thấy chỗ khởi phát của niệm đầu cũng chính là quyết định giữa phúc và họa.
Làm việc thiện giống như hoa cỏ trong vườn xuân, tuy không thấy sinh trưởng nhưng ngày càng rộng mở; làm việc ác giống như mài dao trên đá, không thấy tổn hại nhưng ngày càng hao mòn và tổn thất.
Bởi vậy mà Lục Tổ Huệ Năng nói: “Hết thảy phúc báo đều không rời khỏi tâm. Kinh Phật cũng giảng: “Cát hung họa phúc đều từ tâm mà ra”.
Người xưa có câu rằng: “Người đang làm, Trời đang nhìn”, nhất cử nhất niệm của thế nhân đều không thoát khỏi ánh mắt của Thần.
Nên mới nói, dù thế nào cũng hãy là người lương thiện, như thế mới đắc được phúc báo. Người lương thiện trên đầu có linh khí, sẽ được Thần linh bảo hộ khỏi tai ương
Nguồn minhhui
Kiên Tấn