Tân Tá Trị là ai mà khiến Gia Cát Lượng thở dài nói: “Mệnh của ta thế là hết rồi”
Chúng ta đã biết Gia Cát Lượng là một quân sư rất nổi tiếng trong thời Tam Quốc, vốn xuất thân là một người áo vải, Lưu Bị đã ba lần đến lều tranh mời ông đầu quân cho Thục Hán. Gia Cát Lượng cảm động trước thành tâm của Lưu Bị nên trung thành theo Lưu Bị.
Tham vọng lớn nhất của Gia Cát Lượng từ khi xuất sơn là thực hiện thống nhất thiên hạ. Nước Thục nằm ở biên thuỳ phía Tây, có thể nói là hội tụ đủ mọi điều kiện thuận lợi về địa lý, dễ phòng thủ, khó bị tấn công.
Nhưng để hoàn thành bá nghiệp thống nhất thiên hạ thì nhất định phải tiến đánh Trung Nguyên, Gia Cát Lượng biết rõ điều này, sau khi Lưu Bị tại Bạch Đế Thành uỷ thác, Gia Cát Lượng đã lần lượt Bắc phạt, nhưng mỗi lần đều sắp thành lại bại, và lần cuối cùng đã diễn ra một cảnh “Xuất sư vị tiệp thân tiên tử” (Xuất quân chưa thắng thân đã chết) bi tráng hào hùng.
Năm 234 sau Công Nguyên (SCN), Gia Cát Lượng tiến hành lần Bắc phạt cuối cùng, trong lần Bắc phạt trước đó, kinh đô của Tào Ngụy đã phái Tào Chân đi nghênh địch, nhưng lần này Tào Chân đã qua đời, nên Tào Duệ phong Tư Mã Ý làm Đại đô đốc. Gia Cát Lượng đến bờ nam sông Vị, đóng doanh trại ở Ngũ Trượng Nguyên, giằng co với Tư Mã Ý.
Mặc dù trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Tư Mã Ý được miêu tả là người có thể đọ sức với Gia Cát Lượng nhưng giữa hai người vẫn có sự chênh lệch. Ngụy Minh đế Tào Duệ thấy Tư Mã Ý có tướng lang cố, lo lắng sẽ ông mưu phản, nên sai Tân Bì cầm hoàng việt để theo dõi và kiểm soát Tư Mã Ý. Mà hoàng việt là một loại rìu đặc biệt được sử dụng bởi các hoàng đế cổ đại, tương tự như Thượng Phương bảo kiếm sau này, thấy nó như thấy Hoàng đế.
Tân Bì, tự là Tá Trị, người Dương Địch Dĩnh Xuyên, là trọng thần của Tào Ngụy thời Tam Quốc. Khi đó, Gia Cát Lượng muốn tốc chiến tốc thắng, để ép Tư Mã Ý ra trận, cuối cùng sai người gửi đồ nữ nhân cho ông ta.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” diễn tả Tư Mã Ý vẫn rất bình tĩnh, nhưng thực ra Tư Mã Ý đã rất tức giận và muốn xuất quân đánh trận quyết định với Gia Cát Lượng. Tướng soái chịu nhục, tam quân hổ thẹn, cho nên lúc ấy hết thảy tướng lĩnh quân Ngụy đều rất phẫn nộ, muốn quyết chiến với quân Thục một trận.
Tuy nhiên, lúc đó Tân Bì đứng lên trong tay cầm hoàng việt ngăn cản Tư Mã Ý, cấm mọi người xuất chiến, vì biết rằng ra trận lúc này quân Ngụy sẽ bị Gia Cát Lượng tiêu diệt. Gia Cát Lượng vốn cho rằng đòn khiêu khích này chắc chắn sẽ khiến Tư Mã Ý xuất binh, nhưng không ngờ quân Ngụỵ vẫn không động tĩnh gì.
Thế là Gia Cát Lượng đã phái người đến doanh trại quân Tào dò la, khi thám tử quay lại nói với Gia Cát Lượng rằng có một ông già thấp lùn trong quân của Tư Mã Ý, người này đã lấy hoàng việt của Ngụy Minh đế phản đối việc Tư Mã Ý xuất binh, Tư Mã Ý không có lựa chọn nào khác đành phải án binh bất động.
Gia Cát Lượng không khỏi sửng sốt, thở dài: “Người này hẳn là Tân Tá Trị, mệnh của ta thế là hết rồi”. Gia Cát Lượng biết rõ Tân Bì nắm giữ hoàng việt đứng trước đại quân, thì ai dám tự tiện xuất binh!
Lúc này, Gia Cát Lượng biết rằng hết cách cứu vãn, có thể nào không đau lòng được, rồi sinh bệnh mà suy nhược, cuối cùng chết tại Ngũ Trượng Nguyên, lý tưởng cả đời hoá thành bọt biển. Gia Cát Lượng chết rồi, Tân Bì cũng coi như lập được đại công, ông theo quân Ngụy hồi triều, Ngụy Minh đế phong ông làm Vệ Uý.
Năm 235 SCN, Tân Bì qua đời, được phong hiệu “Túc Hầu”. Tuy nhiên, Tư Mã Ý có thể nhẫn chịu được việc thường nhân không thể nhẫn, chú định trở thành người chiến thắng cuối cùng, thậm chí trở thành người thắng Ngụy quốc, không chỉ thay thế họ Tào thống trị giang sơn, mà còn lấy được cả thiên hạ.
Theo Ntdvn