Tên đồ tể khiến Hàn Tín “chịu nhục chui háng” có kết cục thế nào?
Nhân vật chính thực sự của Hán Sở tranh hùng không phải là Hạng Vũ và Lưu Bang, mà là một vị đại tướng quân có tài binh pháp và mưu lược không ai sánh bằng.
Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín được biết đến với tài năng dùng binh kiệt xuất, hậu thế đánh giá rằng: “Luận về binh không ai vượt quá Tôn Vũ, còn dùng binh thì không ai vượt qua Hàn Tín”, ông còn được gọi là “Binh Tiên”, “Chiến Thần”.
Lịch sử Trung Hoa rộng lớn và lâu dài, có vô số những nhân vật phong lưu và đã lưu lại rất nhiều cố sự đặc sắc, mà thành ngữ là bức chân dung cô đọng nhất về những nhân vật và cố sự đó. Trong số nhiều nhân vật lịch sử, Hàn Tín, vị danh tướng khai quốc của nhà Hán là người liên quan đến nhiều thành ngữ điển cố nhất. “Khố hạ chi nhục” (chịu nhục chui háng), “độc đang nhất diện” (một mình đảm đương trọng trách một phương), “đa đa ích thiện” (càng nhiều càng tốt)…
Chịu nhục chui háng
Liên quan đến câu chuyện “Chịu nhục chui háng”, Tư Mã Thiên có ghi lại chi tiết trong “Sử ký – Hoài Âm hầu liệt truyện” rằng: “Trong số những người hàng thịt ở Hoài Âm có người trẻ tuổi làm nhục Hàn Tín rằng: ‘Ngươi tuy trông to lớn, mang đao kiếm uy phong, nhưng trong lòng nhút nhát mà thôi’. Hắn làm nhục trước mặt mọi người nói: “Hàn Tín, ngươi dám chết thì đâm ta, không dám chết thì hãy chui háng ta.’ Thế là Hàn Tín nhìn hắn, cúi xuống bò chui qua háng hắn ta, cả chợ đều cười Hàn Tín, cho rằng ông nhát gan”.
Hàn Tín từ chỗ chịu nhục chui háng đến được bái làm đại tướng quân, thống lĩnh quân Hán bí mật tiến đánh Trần Thương, thu phục Quan Trung, chiếm được các nước Ngụy, Đại, Triệu, Yên, Tề, cuối cùng diệt Sở hưng Hán. Nếu như nói rằng ông hèn nhát thì quả thật không đúng.
Tô Đông Pha viết trong “Lưu Hầu Luận” rằng: “Tự cổ, đã ai được gọi là hào kiệt thì tiết tháo ắt phải hơn người, nhẫn được điều người thường không thể nhẫn. Kẻ thất phu khi bị xúc phạm, liền rút kiếm tương đấu, như thế là không đủ dũng. Thiên hạ có những bậc đại dũng, cái chết trước mặt cũng chẳng hoảng sợ, bị đổ oan vô cớ mà không oán, hoài bão của họ lớn lắm, mà chí của họ cao xa lắm.”
Hàn Tín, người có mục tiêu và chí hướng lâu dài, sẽ không vì chuyện nhỏ trước mắt mà hành sự lỗ mãng, đó được gọi là “việc nhỏ không nhẫn ắt loạn đại mưu.” Có thể thấy Hàn Tín là người có tâm đại nhẫn, có thể kiềm chế cảm xúc và hành vi của bản thân.
Anh đồ tể được phong làm trung uý
Sau khi nhà Tây Hán thành lập, Hàn Tín được phong làm “Sở Vương”, đóng đô ở Hạ Phi, quê hương của ông là Hoài Âm, cũng thuộc quyền quản lý của ông. Cậu bé nghèo đi khắp hang cùng ngõ hẻm năm xưa nay đã trở thành bậc đại vương hầu cai quản một phương. Khi Hàn Tín vinh quy cố hương, rất tự nhiên, ông muốn cảm tạ những người có ân đối với ông.
Hán Tín sau khi đến đất phong, trực tiếp ban thưởng nghìn vàng cho phiếu mẫu (bà già làm nghề giặt quần áo) đã thường xuyên giúp đỡ ông. Đây cũng là nguồn gốc câu thành ngữ “bát cơm ngàn vàng” (Nhất phạn thiên kim)
Đối với anh đồ tể, người đã làm nhục ông năm xưa, sách “Tư trị thông giám” ghi lại như sau:
Hàn Tín triệu kiến tên thiếu niên làm nhục mình chui dưới háng, và phong cho làm trung úy, sau đó nói với chư tướng rằng: “Đây cũng là tráng sĩ. Khi làm nhục ta, ta lẽ nào không thể giết hắn chăng? giết hắn cũng vô nghĩa, thế nên đã nhẫn để mà thành tựu như ngày nay”.
Thế nhân đều hết lời khen ngợi cách đối nhân xử thế này của ông.
Công lao to lớn khiến chủ kinh động: Được chim bẻ ná
Hàn Tín có tài học như Thần, có thực lực và uy danh trong thiên hạ, nhưng không có dã tâm cầu danh trục lợi. Khi Sở Hán tương tranh, có người khuyên Hàn Tín rằng: Công lao của ông quá lớn, hoàng đế sau này chắc chắn sẽ nghi kỵ ông, chi bằng tự xưng vương, thiên hạ chia làm 3 phần. Nhưng Hàn Tín nhớ lại ơn tri ngộ của Lưu Bang nên không chịu phản bội.
Năm 202 trước Công nguyên Lưu Bang giành được thiên hạ, năm 196 trước Công nguyên Hàn Tín bị chém đầu. Hàn Tín thốt lên: “Thỏ khôn chết, chó săn nấu; chim bay hết, cung tốt giấu; nước địch phá, mưu thần diệt”. Hàn Tín khi chết mới 33 tuổi.
Chí hướng của Hàn Tín là bình định thiên hạ và chiến đấu vì hạnh phúc của dân chúng trong thiên hạ, chứ không quan tâm ai là chủ nhân thiên hạ. Lựa chọn của ông khiến cho chữ “Tín” trong của tên của ông đạt đến cảnh giới hồng viễn siêu việt khỏi được mất cá nhân, xem nhẹ sinh tử, lấy tín nghĩa làm trọng.
Nguồn SOH
Đường Vân