TẾT NÀY AI XÔNG ĐẤT THÌ HÊN?
Theo quan niệm truyền thống, những việc diễn ra trong ngày đầu tiên sẽ có ảnh hưởng lớn đến các ngày còn lại trong cả năm. Nên để cầu mong những điều tốt lành thì chủ nhà sẽ nhờ người hợp tuổi với mình đến “xông nhà” vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết.
Điều này đã trở thành tục lệ chung ở Việt Nam, nhất là khu vực đồng bằng Bắc Bộ và cũng là cái cớ để con người gần nhau hơn mỗi dịp xuân về. Việc duy trì tục lệ “xông đất” sẽ rất tốt nếu chỉ đơn giản là một tục lệ góp phần làm giàu thêm những sắc thái văn hóa. Nhưng khi nó mang nhiều kỳ vọng, toan tính về may mắn, tiền bạc thì cũng dễ bị lạm dụng trở thành mê tín. Ví dụ, nhiều gia đình đặt nặng vấn đề “xông đất” để kỳ vọng may mắn mà mất đi sự thân tình tự nhiên, ai cũng phải “dòm ý” chủ nhà chứ dám đến chúc Tết sớm, vì nếu chẳng may “xông đất” mà không hợp “tuổi” với chủ nhà hoặc trong năm đó gia chủ bất an thì dễ bị tai tiếng. Hoặc những gia đình dầy công tốn tiền nhờ người hợp tuổi hợp xông đất, nhờ thầy chọn hướng xuất hành, nhưng rồi mọi việc trong năm đó vẫn cứ xấu nên sinh ra mâu thuẫn.
Ngẫm ra, mọi việc trên đời này, dù là may mắn thì cũng phải có sự tương hợp với nhau, cho dù là trời Đông hay trời Tây thì cũng “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Ở phương Tây, người Anh cũng diễn giải việc này khá rõ qua câu ngạn ngữ “hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”.
Người đang gặp vận khí tốt, sống trong môi trường năng lượng tốt thì ắt giàu sang, con người cũng khoáng đạt, thì vô tình hay cố ý người khách đầu tiên “xông đất” cũng sẽ có nhiều đặc tính phù hợp với chủ nhà. Và nó góp phần phản ánh xu hướng phát triển thịnh vượng của gia chủ trong năm mới cho dù có “hợp tuổi” hay không. Đó là lẽ tự nhiên như mây gió gặp nhau.
Còn khi chủ động sắp xếp người hợp tuổi “xông đất” để tìm kiếm may mắn thì cũng cần phải hiểu cho đúng. May mắn không thể đến khi chỉ dựa vào việc xông đất hay xuất hành. Con người hợp nhau vì nhiều lý do, hợp hướng, hợp tuổi chỉ là yếu tố rất phụ mà chỉ khi dư thừa người ta mới tính đến, vì vậy đừng vì phụ mà bỏ chính. Nếu có thể chọn, hãy chọn người khỏe mạnh, đức tài, thànnh đạt để xông nhà xong mới tính đến tuổi, đến mệnh. Trong trường hợp không thể chọn thì hãy cứ để tự nhiên và đón nhận mọi việc theo cách cởi mở nhất. Vì biết đâu người mà khách tưởng là đang vận đen thì năm mới lại thăng quan phát tài vì đã bước sang vận mới, và họ sẽ giúp được nhiều việc từ sự thân tình.
“Nhà có ma thì thầy cúng mới sống khỏe”. Nếu cố cưỡng cầu theo lời “thầy” phải tìm cho bằng được người hợp tuổi đến xông đất mà bỏ qua những yếu tố quan trọng hơn như vận khí, sức khỏe, trí tuệ…thì có khi lại phản tác dụng. Giống như người “xông đất” dù tam hợp thái tuế của năm mới, Can Chi tương sinh hoặc tàng ẩn quý nhân với tuổi chủ nhà, nhưng đang đau ốm, nghèo đói thì gia chủ cũng khó có thể nói trước về sự thịnh vượng trong năm mới.
Việc xuất hành cũng tương tự theo nguyên tắc như thế. Sau thời khắc giao thừa, dù đi đâu, làm việc gì, thì vẫn phải ưu tiên lựa chọn sự phù hợp, thuận lợi chứ không phải hướng. Ví dụ như người ốm thì không nên đi leo núi, quan lớn đừng đi chùa, người ăn xin chẳng nên ra chợ. Con cá phải ra sông, con voi phải lên rừng thì mới phát triển được, ngược lại cá lên bờ voi xuống sông ắt sẽ gặp điều chẳng lành.
Hoàn toàn không có việc người tuổi này đi hướng này thì tốt, đi hướng kia là xấu, hãy cứ chọn hướng nào an toàn và tươi sáng trước. Nếu cố chấp mê tín sẽ lại giống như “đau đẻ chờ sáng trăng”. Không “đúng hướng xuất hành”, không đúng “giờ trăng sáng” thì đành ở nhà chờ chết để cho hợp hay sao? Việc nào cần làm vẫn phải làm, việc nào có thể lựa chọn lúc đó mới lựa chọn.
Tục lệ cũng có tốt, có xấu, cần phải xem xét gạn lọc theo lý lẽ đúng đắn, không nên câu nệ theo những quan niệm cũ. Vì có cách hiểu đúng, có cách hiểu sai, người đời xưa khác người đời nay, và cuộc sống xã hội cũng đã có nhiều thay đổi. Con người lẽ ra phải làm chủ thế giới chứ sao phải sợ bóng sợ hình ma quỷ hay thần thánh một cách mơ hồ.
Lan Hương st