Thiên tai dị tượng sờ sờ, nếu không hối cải đợi chờ nạn to
“Nhất nhân tạo nghiệp, luỵ gia nhân; Quân vương vô Đạo, họa thương sinh”, một người bình thường làm điều xấu, sẽ liên lụy đến cả gia quyến; nhưng thân là bậc đế vương cai trị ở địa vị cao, nếu như nghịch thiên phản đạo, cuồng vọng bạo đồ, ắt sẽ khiến quốc gia đại họa, dân chúng khốn khổ, sinh linh lầm than.
Những bậc minh quân thời xưa đều rất chú trọng tu dưỡng bản thân, hành xử thuận theo Đạo Trời. Họ đều nhận thức được rằng mệnh của chính mình cũng đại biểu như ông Trời tại nhân gian, nếu như không thể hành sự thuận theo ý Trời thì thiên tai dị thường ắt sẽ xuất hiện để cảnh báo con người. Lúc này đế vương nên biết trai giới, tẩy tịnh, lễ bái Thần linh Thiên Địa, hơn nữa cần tự trách phạt cảnh tỉnh bản thân, “Thuận Thiên thời mà ra chính lệnh, xem cát họa mà tự cân nhắc“.
Yêu tà không thể thắng “đức”
Căn cứ theo ghi chép của triều Thương, thời vua Trung Tông Thái Mậu đã xuất hiện một hiện tượng dị thường, dâu (tằm) cùng một loài cây dại cùng nhau mọc giữa điện triều, trong vỏn vẹn một đêm mà lớn đến độ mấy người ôm không xuể. Trung Tông thấy điều chẳng lành, trong lòng vô cùng lo sợ, ông liền hỏi ý kiến của Đại thần Y Trắc.
Y Trắc thưa vua rằng: “Dâu và cây dại hai loại này vốn dĩ mọc nơi hoang dã, theo lý mà xét không nên mọc trong triều. Nay lại thấy chúng ở đây, hơn nữa chỉ sau một đêm đã to lớn nhường này, ắt là yêu quái dị dạng. Tuy nhiên yêu không thể thắng đức. Hiện tại trong triều xuất hiện yêu vật, không hay việc chính sự của quân vương có chỗ nào khiếm khuyết? Người tu dưỡng đạo đức thì có thể thắng được“.
Trung Tông nghe lời khuyên chân thật của Y Trắc xong, liền xem xét lại các việc chính sự của tổ tông, dưỡng thân lễ tiết, sớm lên triều nghiên cứu chính sự, đến tối muộn mới nghỉ ngơi. Quân vương Thái Mậu có tâm đức như vậy, quả nhiên yêu vật không thể thắng nổi. Ba ngày sau, hai cây dại đó đột nhiên chết khô; ba năm sau những người ngoại quốc phương xa vì ái mộ đức nghĩa của quân vương mà đến tìm hiểu kết giao. Triều Thương một lần nữa đang trên bờ suy tàn được phục hưng trở lại.
Một lần, khi quốc vương thứ 23 của triều Thương là Võ Đinh cúng tế Thành Sương, có một con chim hoang dã đã bay tới đậu trên thân của ngài mà hót. Võ Đinh cho rằng đây là điềm không tốt, sợ có chuyện chẳng lành xảy ra. Các bậc thân vương khuyên nhủ Võ Đinh: “Xin Đại Vương đừng quá lo lắng. Bây giờ chỉ cần người tu sửa tốt việc chính sự, làm việc chăm chỉ, tận lực vì quốc gia, các loại dị tượng chẳng lành sẽ biến mất“.
Võ Đinh là một quân vương rất biết tiếp thu lời khuyên nhủ và can gián của người khác, vậy nên khi được thân vương khuyên nhủ ông đã hết sức vui mừng, thiên hạ bách tính thấy vậy ai nấy đều hân hoan, Thương triều lại một lần nữa hưng thịnh trở lại. Đế Võ Đinh sau khi băng hà, Tổ Canh kế tụng vương vị, hết lòng khen ngợi Đế Võ Đinh tu đức hành thiện khi thấy dị tượng chim lạ, cuối cùng đã xây dựng miếu thờ, tôn xưng ông là Cao Tông, viết nên hai cuốn Cao Tông Đồng Nhật và Cao Tông Chi Huấn.
Tuy nhiên, điều vô cùng đáng tiếc chính là việc tu dưỡng đạo đức, thuận theo Thiên hành truyền thống của tổ tiên nhà họ Thương đã không được con cháu đế vương kế tục lâu dài. Trong sách sử có chép lại rằng Đế Tổ Giáp hoang chơi vô độ, khiến triều Thương nhanh chóng lụi tàn.
Đế Võ Ất còn cao giọng muốn Thần tiên đánh bạc với ông ta nên đã lệnh cho một vị cận thần thay con rối bằng gỗ (Võ Ất xem như Thần tiên) để đánh bạc cùng, vị cận thần này sợ Võ Ất, liên tục chối từ và nhận thua. Võ Ất thấy vậy cười lớn rồi chỉ vào con rối và nói: “Ngươi vốn dĩ là Thần tiên, tại sao lại thua ta được, như vậy không linh nghiệm, không phong ngươi là Thần tiên nữa”. Sau đó ông ta còn lệnh cho những người hầu cận đến đánh con rối bằng gỗ.
Một lần khác, Võ Ất lệnh cho người chế tạo một chiếc túi da, bên trong chứa đầy máu động vật rồi treo lên cây, ông ta cúi đầu xuống dưới chiếc túi đó và dùng tên bắn, máu động vật bắn ra tung toé, Võ Ất cười lớn nói: “Hôm nay ông Trời đã bị ta bắn thủng thành một lỗ lớn“. Quả thực ngang ngược vô độ.
Đời vua Võ Tân (người sau gọi ông là Thương Trụ Vương) tại vị, tuy rằng ông là một người “linh tính sắc bén, thân thủ hơn người, tay cầm mãnh thú“, nhưng tính tình lại rất kiêu ngạo, nghe lời dụ dỗ của Đát Kỷ xây lầu Lộc Đài cao vót, dựng “Tửu trì Nhục lâm” (ao rượu rừng thịt) ngay trong cung điện làm chỗ ăn chơi hoan lạc vô độ. Trụ Vương khinh nhờn Thần Phật, phế bỏ nhã nhạc, còn lệnh cho người sáng tác âm nhạc hủ bại vong quốc; cố chấp vào bản thân, không nghe chính kiến của quần thần, dùng khổ hình trấn áp bách tính, giết Tỷ Can (chú của Trụ Vương), cầm tù Ky Tử, năm năm chiến loạn, dân oan ức thấu trời xanh. Cuối cùng bị Vũ Vương đánh bại, tự sát tại lầu Lộc Đài, quốc bại thân vong, cuối cùng chỉ lưu lại lời than thở ngàn thu.
Người xưa đã nói: “Họa và phúc đều không có cửa sẵn mà là do lòng người tự tạo ra. Người không phân tranh, yêu không tự tác“. “Người bất thiện, thiên giáng tai ương“. Bậc thầy nhà Nho triều Hán Đổng Trọng Thư thông qua nghiên cứu mối quan hệ giữa các lần thiên tai trong lịch sử đối ứng cùng các sự vụ nơi thế gian mà rút ra kết luận rằng: “Quốc gia vì mất đi đạo đức mới tiến đến diệt vong, ông Trời giáng thiên tai dị tượng là để cảnh tỉnh cho con người; còn như nếu không biết hối cải, kiếp nạn bại vong thực sự rất nhanh sẽ đến“.
Nhìn lại bối cảnh hiện tại trên thế giới, nhất là tại vùng đất Trung Quốc Đại lục đạo đức tuột dốc, nơi mà xưa nay vẫn được con cháu Hoa Hạ tự hào là Thần Châu đại địa hiện đang phải hứng chịu thiên tai nhân họa liên miên: hồng thuỷ, hạn hán, lũ lụt, băng tuyết, động đất, ôn dịch… hoành hành ngày càng dữ dội, đó phải chăng là lời cảnh tỉnh của Thượng Thiên? Ông Trời luôn từ bi và sẽ cho con người cơ hội, dù quan chức hay người dân phổ thông, mỗi người đều cần tu dưỡng đạo đức, bởi đó mới là sợi dây chắc chắn nhất gắn kết con người với thượng thiên, bình an vượt qua đại nạn.
Anh Kỳ NTD.com/ dịch
Nguồn: Secretchina