Thiên tài toán học- Trạng Nguyên có mối lương duyên định mệnh với Vua Lê Thánh Tông
Lương Thế Vinh là một nhà toán học, nhà giáo, Phật học, nhà thơ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian như hát chèo, ngay từ khi còn trẻ ông nổi tiếng là thần đồng, học nhanh thuộc, nhanh hiểu, lại rất giỏi tính toán.
Chưa đầy hai mươi tuổi, tài học của Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam.
Khoa thi năm 1463, Lương Thế Vinh 22 tuổi đăng ký dự thi và trở thành Trạng nguyên. Ông là một trong những Trạng nguyên nổi tiếng nhất sử Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông mừng rỡ vì tìm được nhân tài là Tam khôi lúc đó, đã làm bài thơ rằng:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh
Mối lương duyên định mệnh với vị vua anh minh Lê Thánh Tông
Lương Thế Vinh sinh ra năm 1441 và mất năm 1496, thọ 55 tuổi, kỳ lạ thay vua Lê Thánh Tông sinh sau ông chỉ một năm, năm 1442 và mất sau ông đúng một năm năm 1497, cũng thọ 55 tuổi.
Có giai thoại rằng, hoàng thái hậu Quang Thục lúc trước có mơ thấy Ngọc Hoàng sai một tiên đồng xuống làm con mình. Tiên đồng này không chịu, bị Ngọc Hoàng ném hốt ngọc vào trán cho chảy máu, lúc đó mới phụng phịu, đòi phải có bạn xuống cùng.
Thế là Ngọc Hoàng mới sai một tiên đồng khác cùng hạ phàm. Tiên đồng này cũng không đồng ý, liền bị Ngọc Hoàng vỗ cho lệch vai.
Về sau, Hoàng Thái hậu có mang rồi sinh ra đứa con trai có vết bớt đỏ ở trán, giống như tiên đồng bị ném hốt ngọc vào đầu như giấc mơ nọ. Tương truyền rằng, đó chính là vua Lê Thánh Tông.
Đến khi Lương Thế Vinh đỗ trạng, Hoàng Thái hậu ngắm dáng hình của ông giống với tiên đồng còn lại trong giấc mơ nọ, liền lấy làm lạ, kể lại với vua, vua cũng cho việc ấy là lạ. Vả lại, vua cũng thích thư từ văn chương của vị trạng họ Lương, mới cho ông luôn luôn ở gần mình để giúp việc thư từ.
Khi mới 22 tuổi, năm 1463 trong kỳ thi Đình, nhà vua thân ra đề bài thi, hỏi về “Đạo trị nước của các bậc đế vương”.
Trong bài đối đình sách dài ba ngàn chữ này Lương Thế Vinh đã có bài thi xuất sắc khiến nhà vua khi đọc xong quyển thi của ông đã sảng khoái cầm bút châu phê: “Thử quyển tường minh bất tu đối sách chi danh, độc kỳ văn nhi nhân tâm thích thích yên” (quyển này rõ ràng không hổ danh là một bài đối sách văn càng đọc càng thấy thích thú)
Quả nhiên, với bài văn sách này, Lương Thế Vinh đã đậu Trạng nguyên đứng đầu Đệ nhất giáp tam khôi của khoa thi mà tiến sĩ Đào Cử đánh giá là “chọn được nhiều bậc hiền tài”.
Cuộc đời 32 năm làm quan, Lương Thế Vinh đều ở Viện hàn lâm, trải thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự, đứng đầu Viện hàn lâm.
Do là người tài trí, thông hiểu về bang giao, được nhà vua tin yêu, giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài.
Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông, là người chuyên phê bình, sửa chữa thơ trong hội, nhiều lần đã ngâm họa với vua Lê như bài Tướng sĩ nhớ nhà và bài Động Lục Vân.
Mối quan hệ vua tôi khăng khít dần, thân thiết đến nỗi vua Lê Thánh Tông tranh thủ mọi cơ hội để “trêu đùa”, “đánh đố” vị thần tử này;
Lê Thánh Tông biết Lương Thế Vinh thủa bé nghịch ngợm, hay tắm sông hồ, giỏi bơi lội, nên một hôm chơi thuyền có trạng Lường và các quan lại theo hầu, vua liền giả vờ say rượu rồi đẩy tòm ông rơi xuống sông, sau đó tiếp tục cho thuyền chèo đi chỗ khác.
Không ngờ Lương Thế Vinh rơi xuống, liền lặn một hơi thật xa, rồi đến một chỗ vắng bơi lên bờ, sau đó núp vào bụi rậm để không ai nhìn thấy.
Vua chờ mãi không thấy trạng trồi đầu lên. Mặt nước mênh mông không một cái sủi tăm. Bấy giờ mới hoảng hồn, vội cho quân lính nhảy xuống tìm vớt, nhưng cũng mãi chẳng thấy đâu.
Vua hết sức ân hận vì lối chơi đùa quá quắt của mình, thậm chí còn muốn khóc, thì tự nhiên thấy Lương Thế Vinh từ dưới nước lên ngóc đầu lên cười ngất.
Khi lên đến thuyền rồi, Vinh vẫn cười. Vua vừa mừng vừa giận, liền hỏi:
-Trẫm tưởng khanh ở dưới sông rất tốt, sao còn lên bờ?
Trạng mới tâu:
-Thần ở dưới nước lâu là vì gặp một chuyện rất kì lạ. Thần gặp cụ Khuất Nguyên. Cụ hỏi thần xuống làm gì. Thần thưa dối là thần chán đời muốn chết.
Nghe qua, cụ tròn xoe mắt mắng thần: Mày là đồ ngốc! Tao gặp Sở Hoài Vương và Khoảnh Tương Vương hôn quân vô đạo, mới bỏ nước bỏ dân trầm mình ở sông Mịch La. Chứ mày gặp được bậc thánh quân minh đế, sao còn định vớ vẩn cái gì! Thế rồi cụ đá thần một cái, thần liền về đây.
Lê Thánh Tông nghe xong, thấy trạng không trách mà còn nịnh khéo mình, liền cười lớn rồi thưởng cho vàng lụa.
Khi ông mất, vua Lê Thánh Tông đã rất thương tiếc viết một bài thơ khóc Trạng:
Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta
“… Khí thiên đã lại thu sơn nhạc/Danh lạ còn truyền để quốc gia/Khuất ngón tay than tài cái thế/Lấy ai làm Trạng nước Nam ta”.
Thiên Tài Toán Học
Ông là tác giả đã biên soạn 2 cuốn “Đại thành toán pháp” và “Khải Minh toán học”. Cuốn Đại thành toán pháp, để tiện dùng, đó là những cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Trong cuốn sách, ông đã tổng kết những kiến thức toán thời đó và cả những phát minh của ông.
Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Thời Lương Thế Vinh, các công cụ tính toán thật là thô sơ nghèo nàn. Ở Việt Nam lúc đó công cụ tính toán chủ yếu vẫn là hai bàn tay bằng cách “bấm đốt ngón tay”. Khi đó người ta còn dùng một sợi dây với những nút thắt làm công cụ đếm (thắt nút, cởi nút…)
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Lương Thế Vinh sáng chế ra một công cụ tính toán lợi hơn. Cuối cùng ông đã sáng chế ra bàn tính gẩy, chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái đũi, các xâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính ông cải tiến dần những “viên tính” bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi những viên tính bằng gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ.
Lương Thế Vinh còn được gọi là Trạng Lường bởi rất giỏi đo lường, tính toán. Sách Thần đồng xưa của nước ta viết, tương truyền từ thuở nhỏ, có lần chơi cùng chúng bạn dưới gốc cây cổ thụ, cả nhóm thách đố nhau làm thế nào để biết được cây cao hay thấp. Một số cho rằng chỉ có cách trèo lên ngọn cây rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh nói không cần.
Lương Thế Vinh lấy chiếc gậy đo xem dài ngắn bao nhiêu, rồi dựng gậy lên mặt đất và đo chiều dài bóng gậy. Tiếp đoạn, ông đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính đã tìm ra chiều cao của cây. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại, buộc hòn đá phía dưới rồi trèo lên tít ngọn cây dong thừng xuống đất để đo. Kết quả đúng như cậu đã tính.
Ngày nay, cách tính chiều cao của cây mà Lương Thế Vinh áp dụng chắc học sinh không lấy gì làm lạ. Nhưng cách đây gần 5 thế kỷ thì việc Lương Thế Vinh tính được tỷ lệ chiều cao của cây và chiếc gậy bằng tỷ lệ bóng của chúng trên mặt đất là một sáng tạo, thể hiện nước ta ở thế kỷ 15 đã có nhà toán học đầy tài năng.
Trong lần tiếp sứ nhà Minh, Chu Hy phải thán phục tài năng tính toán của ông. Lần đó, Chu Hy yêu cầu quan trạng cân trọng lượng của một con voi rất to. Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền sau đó đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên.
Tiếp theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Chu Hy thán phục, nhưng tiếp tục đố Lương Thế Vinh đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ quyển sách. Vị quan nhà Lê trả lời rằng chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra. Sứ nhà Thanh khi đó đã phải thốt lên: Nước Nam quả có lắm người tài.
(Còn tiếp Phần 2)
Biên tập: Kiên Tấn