Thương cha thương mẹ đừng chỉ nói được trên miệng, đặt ở trong lòng
Sống ở đời phải lấy chữ Hiếu làm gốc, khi cha mẹ còn sống trên đời thì chúng ta phải biết thương yêu, phụng dưỡng, chứ đừng để sau này cha mẹ không còn tại thế mới hối hận vì chưa làm tròn đạo hiếu.
Đã bao giờ bạn tự hỏi lòng mình bạn còn bao nhiêu thời gian để gặp bố mẹ?. Bao nhiêu lâu rồi bạn chưa về nhà?. Có phải bạn cứ nghĩ rằng mình còn nhiều thời gian để về thăm bố mẹ không, hay là lấy lý do bận công việc nên không thể về.
Cổ nhân có câu “Muốn đánh giá nhân cách của một người, nên nhìn vào sự hiếu hạnh của họ đầu tiên”. Vì nếu một người mà ngay cả những người đã cất công nuôi dạy thương yêu họ, thế nhưng người đó cũng không chịu báo đáp kính trọng, thì dù có tài giỏi đến đâu, giàu có đến đâu, cũng đều sẽ tan biến theo mây khói, vì vốn dĩ chẳng còn phước phần để hưởng.
Trên thực tế có nhiều người, trên miệng lúc nào cũng nói thương cha thương mẹ, nhưng đến lúc cha mẹ ốm đau nằm xuống thì lại biện lý do công việc bận rộn không thể về chăm sóc cha mẹ. Thế nhưng, khi cha mẹ mất đi thì lại nhanh chân trở về để xem bố mẹ có để lại cho mình những tài sản gì không. Vậy thì cái lý do bận rộn công việc kia có thật sự đúng?.
Có một câu chuyện như thế này: Có một cụ ông, dùng rất nhiều tiền tiết kiệm của mình để sưu tầm đồ cổ. Vợ của ông qua đời sớm, để lại cho ông 3 đứa con, nhưng con cái ông lớn lên đều ra nước ngoài định cư sinh sống. Còn ông thì có một cuộc sống của riêng mình. Con cái không bên cạnh, may thay lúc già, ông có một người học trò theo ông học sưu tầm đồ cổ, cận kề bên ông.
Nhiều người cho rằng: “Nhìn cậu thanh niên này, công việc của bản thân không làm, mà ngày nào cũng bên cạnh ông cụ, nhìn có vẻ rất hiếu thuận”. Hẳn rằng, thanh niên này chỉ vì tiền và khối gia sản của ông.
Con cái ông cũng thường xuyên gọi điện từ nước ngoài về, nhắc nhở ông phải cẩn thận, đừng để thanh niên kia lừa.
“Ba đương nhiên biết mà”, ông nói như thế, “Ba cũng đâu có ngốc”.
Cuối cùng vào ngày ông qua đời, khi luật sư tuyên bố di chúc, ba người con từ nước ngoài về, người học trò cũng đến. Sau khi di chúc tuyên phán, mặt ba người con đều biến sắc, vì hầu như toàn bộ tài sản ông đều để lại cho cậu học trò của mình.
Trong di chúc ông viết rằng: “Tôi biết rằng có thể người học trò này vì tham tiền của tôi, nhưng trong lúc già yếu, thật chỉ có cậu ấy bên cạnh tôi.
Cứ cho là con cái tôi yêu thương tôi thật lòng, nhưng cũng chỉ là nói trên miệng, đặt trong lòng, lại không đến chăm tôi, như thế yêu thật lại thành giả.
Ngược lại, coi như người học trò này của tôi đối với tôi đều là giả, giả dối đến mười mấy năm, nhưng một câu oán trách cũng không có, luôn kề cận cùng tôi và cuối cùng giả lại như thật”.
Có thể câu chuyện này không đúng với nhiều người, nhưng đây cũng có thể là bài học cho những ai đang còn cha mẹ bên cạnh. Bởi thế nên đời người nhất định phải lấy chữ Hiếu làm gốc, phải sống biết trước biết sau, lúc nào cũng biết yêu thương, quan tâm đến cha mẹ mình bằng hành động chứ đừng chỉ nói được trên miệng.
Theo khoản 2, điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con cái có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật, trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.
Nên bất luận cha mẹ là người như thế nào, con cái đều phải tôn kính và yêu thương họ. Một người con bất hiếu, sẽ mãi là không thể làm tròn chữ nhân được, dù có là bao nhiêu điều tốt đẹp cho thiên hạ, cũng chỉ là giả dối vô nghĩa mà thôi, bởi vậy trong nhân gian có câu “con không có hiếu thì đừng mơ tưởng tiền của bố mẹ”.
Muốn sống tử tế, rèn luyện tài năng và đức hạnh, thì điều đầu tiên cần làm chính là làm tròn chữ hiếu với cha mẹ mình. Khi một người biết sống hiếu kính với bậc sinh thành, thì trời đất tự khắc cảm thấy hài hòa, phúc khí cao dày, làm điều gì cũng sẽ dần dần mà thành toại.
Nguồn câu chuyện: fb Tuấn Mai
Chân Kiến biên tập