Tiếng đàn đặc biệt ẩn chứa nội tâm sâu lắng
Từ thời 5 hay 6 tuổi gì đó, con trai mình rất thích kể chuyện Tích Chu. Cái miệng nó tròn vo, ngây thơ, kể chuyện say sưa. Một lần tôi hỏi: Con có thích câu chuyện này không? Vì sao? Mẹ ơi, câu chuyện này kể về một người cháu mồ côi ở với bà, bà thương Tích Chu nhiều lắm nhưng Tích Chu lại không biết thương bà. Vì Tích Chu ham chơi nên khi bà bị ốm không ai chăm sóc, làm bà khát nước và hóa thành chim. Tích chu đã đến tận suối Tiên để lấy nước cho bà uống và bà trở lại thành người sống cùng Tích Chu.
Tình thương bà dành cho cháu là vô cùng vô tận. Vì là đứa trẻ mồ côi nên Tích Chu thiếu sự dạy giỗ của cha mẹ, nó không biết thương bà dù bà đã rất thương cháu. Người bà đó đã giành cho cháu một thứ tình thương lớn lao, là sự cộng lại của tình cha,mẹ và bà. Bà muốn bù đắp cho Tích Chu tất cả.
Tích Chu không biết thương bà, đó như một cái lẽ tự nhiên. Nó không được dạy dỗ, nó không biết thế nào là tình thương nên nó tận hưởng tình thương của bà như một lẽ thường tình. Và đó là bản tính ích kỷ rất bản năng của con trẻ. Vậy nên ta thấy sự giáo dục đối với trẻ là vô cùng quan trọng. Bản tính đầu tiên mà con người cần có đó là tình yêu thương đối với người thân trong gia đình.
Khi người bà bị hóa thành chim, Tích Chu mới thấy hẫng hụt, nó mới thấy ân hận, và nó quyết tâm tìm đến tận suối tiên để lấy nước cho bà uống. Tình huống này đã khơi dậy bản tính tiên thiên của nó. Cha ông vẫn nói: Nhân chi sơ tính bản thiện. Từ cội nguồn sâu thẳm, con người ta vốn có tính thiện. Ví Tích Chu lớn lên trong hoàn cảnh như thế, có thể xung quanh em có nhiều người bạn không tốt, có thể do những dục vọng bản năng của con người nên nó không biết trân quí tình thương mà bà đã giành cho nó. Nhưng lúc này tình cảm đó đã trỗi dậy và nó bất chấp tất cả khó khăn để tìm được nước suối tiên cho bà uống. Vậy nên cũng nói khi lòng người đã quyết thì không gì ngăn cản nỗi.
Câu chuyện cũng chứa yếu tố Thần Tiên. Đó là thế giới có thể biến những mơ ước chân chính của con người thành hiện thực. Từ xa xưa như thế, Thần Tiên luôn giúp con người, và thật sự là có sự cứu giúp đó. Tự nhiên con người ta cứ cho đó là tưởng tượng nên và làm cho khoảng cách giữa con người và Thần Tiên xa cách nhau. Thực sự :”Trên đầu ba thước có Thần linh”. Nếu đừng cho đó là thế giới tưởng tượng thì con người sẽ hướng đến thế giới đó với một thái độ trân trọng và sẽ thành một chuẩn mực để con người ước thúc đạo đức tư cách của mình và chắc chắn con người sẽ sống tốt hơn. Và nếu thế chắc sẽ ít hơn những kẻ việc ác nào cũng dám làm.
Khi con người tin Thần và mong muốn Thần Tiên che chở thì cuộc sống sẽ bình yên hơn.
Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà.
Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu , có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người bảo:
– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.
Thế nhưng lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà. Bà thì suốt ngày làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày rong chơi. Vì làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. Tích Chu mãi rong chơi với bạn bè, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:
– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!
Bà gọi một lần, hai lần…rồi ba lần nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:
– Bà ơi! Bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi!
– Cúc cu … cu! Cúc … cu cu! Chậm mất rồi cháu ạ, bà khát quá không thể chịu nổi phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà không về nữa đâu!
Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu hoảng quá chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:
– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa!
– Cúc …cu…cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!
Nghe chim nói, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện ra, bà bảo Tích Chu:
– Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?
Nghe bà Tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay.
Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua rất nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Được uống nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu.
Từ đấy, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.
Rút kinh nghiệm từ bạn Tích Chu vậy con trai mẹ cần biết sống như thế nào? Tôi hỏi. Con sẽ yêu thương bố mẹ, ông bà và anh trai. Con sẽ yêu thương bạn bè, thầy cô và mọi người. Đúng con trai ạ. Con người cần có tình yêu thương đồng loại. Đó là phẩm chất đầu tiên cần có của mỗi con người. Có được tình yêu thương thì con sẽ có nhiều tình cảm cao quí khác. Và bây giờ anh chàng Tích Chu của tôi đã trở thành một tay đàn ghi ta khá nỏi tiếng. Tiếng đàn của nó ẩn chứa nội tâm sâu lắng mà nó đã được hình thành từ những ngày say sưa kể chuyện Tích Chu. Nó là Mèo Ú Guitar.
Nhung Nguyễn biên tập.