Trà Sữa là thức uống đã có mặt từ 1000 năm trước
Trà sữa là loại thức uống làm mưa gió trên thị trường ẩm thực. Nó là thức uống gần như gắn liền với giới trẻ hiện đại. Ở Việt Nam ta chắc hẳn không có bạn trẻ nào không biết hoặc ít nhất là chưa từng nghe, chưa từng biết đến Trà Sữa. Điều này khiến nhiều người ngộ nhận rằng trà sữa là thức uống hiện đại. Nhưng kỳ thực trà sữa đã xuất hiện cách đây hơn cả nghìn năm.
Trà sữa
Trà sữa là loại thức uống thu hút giới trẻ. Công thức căn bản của Trà sữa gồm hai thành phần chính là Trà và Sữa. Những chuyên gia pha chế nấu trà và điều chỉnh thành phần đường sữa tùy ý để phù hợp với thị hiếu của khách. Hiện nay trà sữa được phục vụ chung với trân châu và topping, điều này càng cuốn hút người dùng.
Trà sữa được cho là xuất hiện ở Đài Loan cách đây hơn 40 năm
Trên trang Wikipedia có dẫn từ các nguồn rằng trà sữa Đài Loan là thức uống được chế biến từ trà xanh hoặc trà đen được các cửa hàng đồ uống tại Đài Trung, Đài Loan phát triển từ những năm 1980.
Nhiều diễn đàn ẩm thực khác của thế giới cũng đều công nhận là Trà sữa Có nguồn gốc từ Đài Loan. Một số khác thì giải thích nguồn gốc trà sữa tại Đài Loan là do những người phương Tây có thói quen uống trà với sữa và khi đến Đài Loan họ đã mang theo cách uống này đến. Lúc này tên tiếng Anh của nó là “bubble tea”. Rồi trừ những năm 1980 Trà sữa bắt đầu xuất hiện và thịnh hành ở Đài Loan với các thương hiệu nổi tiếng như Ding Tea, Gong Cha, BoBaPop, Tiên Hưởng,…
Nhiều quốc gia cũng yêu thích Trà sữa. Tại thủ đô Seoul, có 4 nhãn hiệu trà sữa nổi tiếng, thu hút và là địa điểm vui chơi, hẹn hò, gặp gỡ của giới trẻ Hàn Quốc vào mỗi dịp cuối tuần, đó là: Gong Cha, Cofioca, Amasvin và Happy Lemon. Ở Hồng Kông từng có thời gian các cửa hàng trà sữa trân châu gây nên các cơn sốt mặt bằng ở các trung tâm thương mại của Hồng Kông nhờ doanh thu vượt trội so với các dịch vụ ăn uống khác. Sự bùng nổ các quán trà sữa Đài Loan đã vượt qua bất kỳ làn sóng kinh doanh đồ ăn thức uống nào trước đó tại Hồng Kông.
Mỗi mét vuông của cửa hàng trà sữa có thể mang về 11.000 – 22.000 đô la Hồng Kông (tương đương 1.400 – 2.800 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, nhà hàng ẩm thực Trung Hoa chỉ mang về 4.400 – 5.500 đô la Hồng Kông (tức 560 – 700 USD) mỗi tháng
Trà sữa là thức uống tại Tây Tạng cách đây hơn 1000 năm
Loài người biết dùng trà làm thức uống từ rất sớm. Người sử dụng trà sớm nhất được biết đến là Thần Nông (3220 TCN—3080 TCN), với câu chuyện dùng trà để giải độc. Hay Trà Đạo của Nhật Bản được khởi nguồn từ các vị cao tăng người Nhật học từ Trung Quốc và truyền về nước từ những năm những năm 600-700, sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Vậy trà sữa xuất hiện ở đâu và khi nào?
Tác giả Laura C.Martin , trong cuốn sách “ Lịch sử của Trà” cung cấp thông tin rằng “…Bởi vì người Tây Tạng sống ở địa hình cao, họ rất khó trồng rau và chế độ ăn uống của họ bị hạn chế bởi vị trí địa lí. Từ khi có trà, họ đun sôi nó trong nước, sau đó trộn với sữa bò và bơ để tạo ra một sức uống cung cấp lượng calo cần thiết, đồng thời thêm một số nguyên liệu thực vật nhẹ vào thực đơn thường ngày vốn căn bản dựa trên động vật…” và có nhiều bằng chứng lịch sử để Laura C. Martin cho rằng người Tây Tạng uống trà ít nhất cùng thời với nhà Đường ( 618-907).
Như vậy việc nấu trà với sữa ( trà sữa) để dùng như một thức uống chính thức được xác định bắt nguồn từ Tây Tạng tại thời điểm cách chúng ta hiện nay ít nhất hơn 1000 năm.
Hiện nay khi đến Tây Tạng các tín đồ ăn uống thường bảo nhau phải thưởng thức bằng được món Trà Bơ sữa. Đây là món uống được nấu chung giữa trà Phổ Nhĩ chín, bơ sữa động vật, đường và một ít muối. Và nếu bạn biết rằng Phổ Nhĩ chín và Trà Đen dùng để nấu Trà sữa hiện nay đều giống nhau về tỉ lệ lên men 100% thì các bạn phải bị thuyết phục rằng Tây Tạng là xứ sở của Trà Sữa.
Trà đắt hơn vàng
Không chỉ người Tây Tạng hay Nhật Bản mà người Mông Cổ, người Tác ta, người Thổ Nhĩ Kì, Hàn Quốc, các quốc gia phương Tây đều yêu dùng Trà từ rất sớm. Mỗi địa phương có cách thức sử dụng trà khác nhau. Nhưng họ đều công nhận lợi ích từ Trà nên sẵn sàng bỏ ra nhiều vật giá trị để trao đổi lấy nó. Tác giả Laura C. Martin khi nghiên cứu về lịch sử của Trà cũng ngạc nhiên khi biết rằng 1 bánh trà nặng tầm “1ounce” thời đó được bán với giá “2 ounce” vàng.
Hiện nay giao thông thuận lợi, kĩ thuật canh tác tiến bộ nên giá trà trên thế giới cũng giảm. Người ta cũng dễ dàng tiếp cận trà hơn. Nhưng vẫn có những phẩm trà quý vẫn được săn đón và sưu tầm với mức giá rất đắt. Vậy mới thấy sức hút của trà chưa bao giờ thuyên giảm.
Nam Vũ biên tập