Trên thế gian người có “lý” là người không thể bị lay chuyển
Thứ gì nặng nhất trên thế giới và không ai có thể di chuyển nó? Đối với một quốc gia, kho báu thực sự là gì? Hãy xem cổ nhân nghĩ thế nào!
1. Điều gì nặng nhất trên thế giới
Trong tích cổ có kể rằng, Hoàng đế Càn Long đã có một lần giả trang đi vi hành đã đến một cánh đồng cao lương. Lúc đó là thời điểm cao lương đang chờ thu hoạch, phong cảnh rất đẹp. Đương lúc cao hứng, nhà vua mới tiện tay ngắt một cành cao lương xuống.
Lúc này có một bà lão nông dân nhìn thấy và nói: “Quý nhân (ám chỉ Càn Long) sao vô ý vậy. Cây cao lương này đang vào thời điểm phơi khô, hái xuống làm gì? Một cành này sẽ được rất nhiều hạt, nông dân chúng tôi ai cũng mong thu hoạch được nhiều, ông có biết để mong được mùa, chúng tôi phải canh tác vất vả thế nào không?”
Hoàng đế Càn Long nghe vậy á khẩu không nói được gì và phải nhanh chóng xin lỗi. Sau khi ông trở về kinh đô, vào một buổi sáng, ông đã hỏi các quan đại thần một câu hỏi: Thứ nhất trên đời là gì? Bá quan văn võ ai cũng có ý kiến khác nhau, người cho là vàng, người cho là chì, cái gì cũng có.
Cuối cùng Hoàng đế Càn Long trả lời: “Không phải, đáp án của các khanh đều không phải. Trên đời này, lý lẽ là nặng nhất, không ai có thể lay chuyển.”
Sau đó ông kể lại những gì đã gặp phải và nói: “Là vua của một nước, chỉ vì một cành của cây cao lương đỏ mà trẫm bị một bà lão nông dân mắng đến mức á khẩu không nói được gì, đó là vì bà ấy có lý. “Lý” là thứ không ai có thể lay động được, người có “lý” mới có thể đi khắp thế gian.”
Vậy tại sao Hoàng đế Càn Long lại nói rằng “lý” là quan trọng nhất trên đời? Bởi vì “lý” chứa đựng những tiêu chuẩn để đo lường thiện và cái ác, là quy tắc ứng xử mà mọi người tuân thủ – chẳng hạn như không làm tổn thương người khác vì lợi ích cá nhân. Loại chân lý này luôn giống nhau bất kể thời gian và địa điểm, và không ai có thể lay chuyển nó.
2. Kho báu thực sự là gì?
Trong những ghi chép từ thời Tây Hán có ghi lại một câu chuyện như sau: Vào thời Xuân Thu, Kinh Hầu đến thăm Thái Tử nước Ngụy, ông ăn mặc sang trọng, bên trái đeo gươm khảm ngọc quý, bên phải đeo một mặt dây chuyền khảm ngọc bội. Cảnh này lọt vào mắt của vị Thái tử, nhưng anh không hề màng đến chúng. Cuối cùng Kinh Hầu không nhịn được nữa bèn đặt câu hỏi để gây sự chú ý: “Xin hỏi Thái tử, nước Ngụy có báu vật không?”
Thái tử trả lời: “Có.” Kinh Hầu hỏi lại: “Đó là những báu vật gì vậy?” “Nhà vua anh minh, quần thần tận trung, dân chúng yêu nước, đây là những báu vật của nước Ngụy.” Kinh Châu nói: “Không tôi không hỏi những điều này mà là những báu vật thật sự cơ.”
Nguỵ thái tử nói: “Báu vật thực sự ư? Có đấy. Ngụy quốc tôi có hiền nhân Đồ Sư Thiệu giỏi trị quốc, trên thương trường không có người đầu cơ trục lợi, có hiền nhân cai quản Dương Thành, của rơi trên đường không có ai nhặt làm của riêng. Còn có Mang Mão làm quan trong triều, hiền tài ở các nước lân cận đều đến xin gặp. Ba vị người này chính là báu vật của nước Ngụy.”
Kinh Hầu lúc này hiểu ra, cảm thấy vô cùng xấu hổ, sau đó ông đã tháo kiếm và ngọc ra và để vào chỗ ngồi của mình, rồi vội vã ra ngoài lên xe ngựa rời đi mà không từ biệt Thái tử nước Ngụy.
Ngụy Thái tử vội vàng sai người đuổi theo để trả lại gươm ngọc cho Kinh Hầu và truyền lại lời của Thái Tử cho ông: “Tôi không đủ năng lực để canh giữ những bảo vật này của ông được, hơn nữa những thứ này không thể làm áo ấm khi lạnh, khi đói cũng không ăn được mà chỉ có thu hút phường trộm cắp đến mà thôi. Vật này ta trả lại cho ông.”
Minh Hoàng biên dịch
Theo secretchina