Trí huệ cổ nhân: 3 tiền không cho vay, 3 lễ không tùy tiện, 3 đường không nên đi
Cổ nhân có câu: “3 tiền không cho vay, 3 lễ không tùy tiện, 3 con đường không nên đi“. Đường đời có nhiều cám dỗ, người sáng suốt sẽ biết cách chọn lựa con đường chính xác cũng như kết giao với những người xứng đáng.
Ba tiền không cho vay
Người không giữ chữ tín
Tục ngữ có câu: “Có vay có trả, vay nữa cũng không khó”, nếu một người vay tiền của bạn nhưng lần lừ mãi không trả, thì lần sau bạn không nhất thiết phải cho họ vay nữa.
Khi vay tiền thì ba hoa chích chòe, hứa này hứa nọ, khi cần trả thì sẽ tìm mọi cách để từ chối. Cho người không giữ lời hứa vay tiền, chẳng khác chi “đá chìm đáy biển”, muốn lấy lại được cũng rất khó.
Lúc này, nếu bạn càng ngại đòi tiền, bạn sẽ càng mệt mỏi hơn. Vì vậy, khi gặp phải những người này, để tránh phiền phức về sau, bạn thà “mất lòng trước được lòng sau“, nói thẳng với họ mình không thể cho vay. Học cách từ chối đúng lúc cũng chính là cách tìm bình yên cho chính mình.
Trong một mối quan hệ, chữ “tín” rất quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến tiền bạc. Bởi vậy, muốn có những mối quan hệ tốt đẹp và bền chặt, hãy là người biết giữ chữ tín.
Những người có thói quen xấu
Những thói quen xấu, hủ bại bao gồm “rượu chè, cờ bạc, lô đề” và các thói quen lối sống không lành mạnh khác… Đặc biệt đối với cờ bạc, lô đề thì tiền là hố sâu không đáy, một khi đã cho họ vay thì cơ hội hoàn trả là rất mong manh.
Bởi vì những người này vay tiền nhằm mục đích không tốt, sớm muộn gì cũng xảy ra việc. Nếu bạn mềm lòng cho họ mượn, sau này nhất định sẽ bị liên lụy, không chỉ là hại mình còn hại người. Tốt nhất là chúng ta nên khuyến thiện, khuyên nhủ họ làm những điều đúng đắn.
Những người không quen biết
Đối với những người chúng ta không quen biết rõ, tốt nhất đừng nên cho vay tiền. Nhiều người chỉ là tình cờ gặp nhau, chưa có quen biết gì, và một số thậm chí là những người xa lạ không liên quan, chẳng hạn như bạn của bạn bè.
Có một số người chỉ là gặp mặt qua, căn bản là chưa hề quen biết trước đó. Đối với những người này, bạn nên cân nhắc trước khi người ta hỏi vay, đặc biệt là với số tiền lớn, bởi vì căn bản bạn không hiểu hoàn cảnh của đối phương.
Ba lễ không tùy tiện
“Lễ” ở đây là các tục lệ, thói quen và lễ nghi được lưu truyền từ nhiều đời. Có nhiều lễ nghi không lành mạnh, chúng ta không nên chạy theo một cách mù quáng.
Lễ tiệc có mục đích tính toán, không làm theo
Thông thường, buổi lễ thường được tổ chức cho các sự kiện lớn như lễ cưới, lễ mừng thọ và tiệc thôi nôi. Nhưng hiện nay, một số người chuyển nhà, cho con cái nhập học, thậm chí lấy bằng lái xe,… Một số người cũng mở đại tiệc và mời mọi người đến ăn mừng, họ tổ chức tiệc không phải để chia sẻ bầu không khí vui mừng, mà là để thu tiền quà cáp.
Đây là những hủ tục, nghễ li không lành mạnh, chúng ta không nên làm theo.
Lễ tiệc không được mời, không đi
Nếu ai đó không mời bạn tham gia, thì bạn không cần phải tham gia cuộc vui. Dù là cố ý hay vô tình, miễn là bạn không được mời thì tốt hơn là bạn không nên đi.
Thực ra, đã thân thiết với nhau, chắc chắn người ta sẽ mời bạn nếu người ta muốn.
Người không hiểu lễ nghĩa, không chấp
Nguyên tắc giao tiếp cơ bản đó chính là phép lịch sự, hiểu lễ nghĩa. Nếu bạn đối xử nhã nhặn với người khác, nhưng chỉ nhận lại được sự đôi co vô lí, hành xử thiếu văn minh từ đối phương. Những người như vậy, chúng ta tốt nhất là “một điều nhịn chính điều lành”, không nên đôi co với họ làm gì để tránh rắc rối sau này.
Ba đường không nên đi
Trong quá trình trưởng thành của mỗi người, chắc chắn sẽ có nhiều lúc bạn phải đứng ở ngã ba đường và phiền não lựa chọn con đường cần đến, vậy hãy dùng phương pháp loại trừ, nắm trước ba con đường không được đến này:
Con đường sai trái
Ngày nay, nhiều người không thể chịu được sự cám dỗ, họ sẽ đi trên con đường quanh co, nhưng họ không biết rằng con đường này là ngõ cụt. Chỉ vì một phút sai lầm mà đường đời vốn tươi sáng của họ đã bước sang một ngã rẽ đen tối khác, không lối về.
Tránh đi con đường sai trái, chọn cho mình một lối đi đúng đắn, làm một người chính trực và lương thiện, có như vậy, trong cuộc sống dù xảy ra chuyện gì cũng không khiến lương tâm cắn rứt, đó mới thực sự là cách sống thông tuệ nhất của đời người.
Con đường nguy hiểm
Thận trọng là bước đầu tiên cần nhớ khi bạn muốn đưa ra quyết định gì. Đừng làm những việc mà bản thân không chắc chắn, nên suy nghĩ kĩ hãy đưa ra quyết định.
Bởi vậy, trước những cám dỗ và vòng xoáy trong cuộc đời, chúng ta hãy dùng một tâm hồn thuần tịnh để cảm nhận, sử dụng đôi mắt tinh anh để chọn cho bản thân hướng đi đúng và con đường “an toàn” nhất, để khi bước đi đến cuối con đường, bản thân sẽ không phải hối hận.
Con đường của người khác đi, không nên bắt chước
Có nhiều người, rõ ràng đã cố gắng rất nhiều, họ chỉ cách thành công có một chút nữa thôi. Nhưng đang đi trên con đường của mình và sắp đến vạch đích thì vì thấy người khác thành công trước nên vội bắt chước rẽ sang hướng khác.
Hãy nên nhớ rằng: “Con đường của mỗi người là do bản thân đi mãi mà thành”, mỗi người có số phận và đường đi khác nhau, không ai giống ai cả.
Bạn đi con đường mà người khác đã mở sẵn, chẳng khác nào là đang bắt đầu lại từ đầu. Như vậy còn không thuận lợi bằng đi con đường của riêng mình.
Sống ở đời, làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng cần có chính kiến, kiên định vững chắc trên con đường của chính bản thân mình. Hãy sống một cuộc đời ý nghĩa của bản thân, thay vì sống cuộc đời của người khác.
Nguồn: Secretchina
Lan Hòa biên tập