Truyện ngắn: Gió mùa về
Trong sâu thẳm mỗi con người đều có hoài niệm về một miền quê với những tuổi thơ, những cảnh vật, những tình thân, để rồi chúng ta luôn mang theo trong mình những ký ức thân thương đó. Khi quê nhà đổi mới, chúng ta được gì, mất gì, và điều gì cần giữ lại?
Quê tôi ngày ấy, một vùng quê nằm sát con sông Hồng, có những cánh đồng màu mỡ được phù sa bồi đắp, có bờ đê với những rặng tre xanh ngắt rì rào, có con đường vào làng vắt qua những ruộng lúa chín. Lối vào xóm tôi được lát gạch cổ, qua những hàng rào cũ kỹ, qua những bức tường mọc đầy rêu xanh.
Ngõ vào nhà tôi có hàng rào dâm bụt, rồi đến căn nhà ngói ba gian được lợp đi lợp lại, vá chỗ này chỗ khác. Bố tôi là nhà giáo, hay đúng hơn phải gọi là ông đồ. Người làng hay gọi ông là “thầy Thứ” vì ông hay cho chữ và giải thích ý nghĩa của từng chữ cho người đến xin. Bố mẹ tôi sinh được hai anh em, anh đã lập gia đình. Bố mẹ cho anh một miếng đất to, tính theo sào Bắc bộ thì là 3 sào, khoảng 1000 m2 để xây nhà và chăn nuôi. Tôi thì ở cùng bố mẹ, thừa hưởng miếng đất cũng được gần 500 m2.
Hồi đó làng chưa có điện, mỗi khi trời tối tôi lại chuẩn bị đèn dầu, kiểm tra bấc và bóng đèn. Bấc thì phải gẩy bung lên và kiểm tra dầu ở dưới đèn, bóng thì phải lau sạch muội đen ở xung quanh. Tôi phụ trách hoàn toàn cái đèn dầu, dùng chai mua từng cút dầu, nút lá chuối chai dầu cẩn thận chuẩn bị cho vài ngày trong tuần.
Chiều về, làng vang lên những tiếng cuốc, cầy va vào nhau cùng tiếng gọi í ới của bà con làng xóm. Khói bếp cũng bắt đầu tản, trời bắt đầu tối. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu nhiệm vụ của mình là thắp lên ngọn đèn dầu. Sau đó, tôi trải chiếu, bưng nồi cơm ở dưới bếp được ủ than còn nóng lên hiên nhà, dọn bát đũa. Gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm sau một ngày làm việc mệt nhọc. Mẹ và anh kể về công việc mùa màng, còn bố tôi cầm chiếc quạt phe phẩy, thỉnh thoảng cười nói thêm vào câu chuyện.
Những đêm trăng sáng, nhà tôi lại có khách. Mọi người quây quần kể chuyện vụ mùa, rồi chuyện ngày xưa. Những tiếng cười vui thoảng trong gió dưới ánh trăng sáng vằng vặc.
Gần nhà tôi có một ngôi chùa, tiếng chuông chùa ngân nga lắm. Bọn trẻ chúng tôi thích qua đó chơi vì không khí trong chùa mát mẻ, và sân vườn rộng, mà ông sư già hiền lắm, không bao giờ mắng mỏ chúng tôi.
Rồi làng tôi thay đổi…
Tôi vẫn còn nhớ rõ cái buổi sáng hôm đó, khi một trận gió mùa lớn thổi về, bố mẹ và anh tức tốc buộc lại cây trái và phạt bớt cành. Rồi tiếng loa buổi sáng vang lên, liên tục phát đi phát lại bản tin, rằng làng vinh dự được quy hoạch của nhà nước. Phần lớn đất làng sẽ được phát triển thành khu công nghiệp. Đêm đó gió rít, mấy tàu cau sau nhà kêu phần phật, tôi co mình lại, mơ màng ngủ thiếp đi trong tiếng mưa rơi lộp độp.
Thời gian dần qua, bỏ lại những ngôi nhà cũ, những bức tường bám đầy rêu xanh, những hàng rào dâm bụt.
Làng tôi đổi mới, những ngôi nhà được xây dựng khang trang, ngõ xóm được đổ bê tông, điện đã về làng. Những chiếc tivi màu sặc sỡ thay thế những chiếc tivi đen trắng, những chiếc xe máy ôtô thay thế những chiếc xe đạp hiếm hoi trong làng. Ngôi chùa nơi bọn trẻ chúng tôi hay chơi đùa cũng được xây dựng lại mới… Có điều tiếng chuông chùa giờ không còn ngân nga như trước. Tiếng chuông tiếng mõ giờ gấp gáp hơn, người đến chùa cũng tấp nập hơn hẳn. Người dân bảo chùa thiêng nên được người giàu sang khắp nơi về cúng bái.
Anh trai tôi cũng thay đổi, mở công ty, khoác lên mình bộ đồ tây sang trọng. Chị dâu tôi bắt đầu diện váy ngắn, trang điểm, biết đi du lịch và cúng bái. Người làng thay đổi, xây nhà cửa, xe ga, xe SH chạy tít… Mấy bác hay qua nhà tôi chơi ngày trước giờ cũng bận bịu.
Chỉ có bố tôi là hay ngồi trầm ngâm. Ông chẳng dạy tôi gì nhiều ngoài chữ “nhân”, ông hay ngồi lẩm bẩm: “Mong sao giấy rách vẫn giữ được lề”.
Anh tôi thua lỗ, bán hết gia tài, quay về với bố mẹ. Anh xin miếng đất nhỏ dựng tạm túp lều, ít nói hẳn đi. Mẹ buồn, nhưng ba thì gật đầu bảo thế là tốt rồi. Mấy nhà hàng xóm, anh em còn đánh chửi nhau tranh đất tranh cát, tố cáo nhau ầm ĩ. Từ bao giờ mà làng tôi lô đề, nghiện hút đủ cả.
Ngày bố tôi đi, cả làng đều đến đưa ông ra đồng. Đêm hôm đó trời mưa to lắm, bầu trời cứ u ám
Làng tôi vẫn thay đổi từng ngày, tôi lớn, theo chúng bạn rời làng ra đi. Hôm tôi đi, anh trai nhẹ nói, “em nhớ lời bố dạy”. Mắt tôi lờ mờ nhìn thấy làng quê ngày ấy, những ngõ xóm quanh co dịu mát, những ánh đèn dầu le lói, những gương mặt thân quen rạng rỡ, những đêm trăng sáng đom đóm bay đầy trời, bên tai vẳng đâu đó tiếng chuông chùa ngân vang. Tôi lờ mờ hiểu được chữ “nhân” mà bố tôi hay nhắc…
Gió mùa lại về.
Đường Vân