“Tứ đại danh tác” của Trung Quốc: Mỗi một tác phẩm là một triết lý nhân sinh sâu sắc
Dân tộc Trung Hoa vốn được coi là chiếc nôi của văn hóa thế giới với một kho tàng văn học cổ điển phong phú, đa dạng và đầy chiều sâu. Nổi bật trong số đó là “Tứ đại danh tác” (四大名著), bao gồm “Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thuỷ Hử, Tây Du Ký và Hồng Lâu Mộng”.
Tứ đại danh tác hay tứ đại kỳ thư đều là những mỹ từ để nói về 4 tác phẩm văn học đồ sộ, kinh điển của Trung Quốc. Không đơn thuần chỉ mang đậm giá trị nghệ thuật văn học, mà còn là kho tàng chứa đựng rất nhiều đạo lý, triết lý nhân sinh.
Khó khăn, là trạng thái bình thường của cuộc sống
Trong “Tây Du Ký”, có một chi tiết không nhiều người để ý.
Khi Đường Tam Tạng gặp Sa Ngộ Tĩnh ở Lưu Sa hà, trên cổ của Sa Tăng đeo không phải chuỗi tràng hạt mà là 9 cái sọ đầu lâu.
Dùng lời của Sa Tăng nói thì đó chính là “di vật” của 9 người đi lấy kinh mà Sa Tăng đã nuốt.
Thì ra, đây không phải là lần đầu Sa Tăng và Đường Tam Tạng gặp gỡ, họ đã trải qua 9 kiếp duyên với nhau.
Trải qua 9 kiếp khổ nạn, cuối cùng mới lấy được chân kinh.
Tác phẩm kinh điển “Tây Du Kí” năm 1986 (Ảnh: Vietnamnet)
Đường Huyền Trang, một người yếu đuối, nhu nhược, nhát gan trong mắt chúng ta trên thực tế lại là một con người vô cùng kiên định, từng bước từng bước vượt qua biết bao khó khăn trở ngại.
“Dũng cảm không phải là không sợ, mà là đôi chân dù có đang run rẩy cũng vẫn tiến về phía trước.”
Khó khăn, là trạng thái bình thường của cuộc sống. Núi cao ắt có người trèo, nước sâu ắt có người qua.
Đời người thiên biến vạn hóa, khó khăn không có nghĩa là bất hạnh, đó chẳng qua chỉ là một bài kiểm tra của số phận.
Sống bao dung thì cuộc đời đâu đâu cũng tràn ngập ánh sáng mặt trời
Trong mắt nhiều người, Lưu lão lão là một bà lão nhà quê tầm thường.
Bà và Vinh quốc phủ vốn dĩ là “họ hàng tám đời”, nhưng vì gia cảnh gia đình, không thể không đến nhận họ hàng với hào môn và may mắn có được 22 ngân lượng tiếp tế.
Nhưng lần thứ hai đến với Vinh quốc phủ, không phải là để “nhận họ hàng”, mà là để báo ân.
“Khó khăn lắm năm nay mới tiết kiệm được hai thạch (đơn vị đo lường thời xưa) lương thực, rau quả cũng phong phú, tôi không dám đem bán, giữ lại những thứ tươi tốt nhất” mang tới để các thái thái, cô nương ăn thử, để tỏ tấm lòng biết ơn với Vinh quốc phủ.
Tác phẩm truyền hình “Hồng Lâu Mộng” năm 1987 (Ảnh: Vietnamnet)
Để làm Giả mẫu vui vẻ, bà để Phượng tỷ cài hoa cúc lung tung loạn xạ lên đầu, rồi cười nói: “Tôi tuy đã già, nhưng hồi trẻ cũng phong lưu, hôm nay dứt khoát làm một bà già phong lưu.”
Nhưng, sau khi trưởng thành mới hiểu, Lưu lão lão mới là người lạc quan, bao dung nhất bộ truyện “Hồng lâu mộng”.
Người ta giúp mình trong lúc khó khăn, sau này “ăn khế trả cục vàng” là đạo lý thường tình, là chuyện ai cũng nên làm, cái việc trong mắt người khác là xấu hổ thì đối với Lưu lão lão lại là “Chúng ta làm cho thái thái vui, có gì mà phiền!”.
Cũng giống như khi Lưu lão lão nói với Giả mẫu: “Chúng tôi sinh ra là để chịu khổ, lão thái thái sinh ra là để hưởng phúc.”
Lời nói nghe có vẻ cay đắng nhưng nó hàm chứa triết lý đời người: Đời người ắt có thiên mệnh, bất luận giàu hay nghèo, cũng phải vui vẻ chấp nhận số phận mà sống. Sống vui vẻ, bao dung thì đâu đâu cũng tràn ngập ánh sáng.
Lương thiện bao nhiêu, thành công bấy nhiêu
Trong “Thủy hử truyện”, nhân vật Tống Giang bất luận đi tới đâu cũng đều có người giúp đỡ, bảo vệ. Trong số những hảo hán Lương Sơn, Tống Giang không phải là người giỏi văn, cũng chẳng phải người giỏi võ nhất, nhưng 108 vị anh hùng hảo hán vì sao vẫn nhất loạt nghe theo ông?
(Ảnh: Báo Lao Động)
Đó là bởi Tống Giang rất biết cách làm người, luôn giúp đỡ người nghèo khó, tiếng lành đồn xa, đối xử với anh em rất có tình nghĩa lại hào phóng, rất biết cách thu phục lòng người. Hơn nữa, cần phải thừa nhận rằng Tống Giang có một tầm nhìn rất xa, ở thời kì của Tiều Cái, quy mô của khởi nghĩa Lương Sơn không quá lớn, nhưng kể từ sau khi Tống Giang lên Lương Sơn, quy mô ngày càng rộng mở.
Bởi vậy mới thấy, trong cuộc sống, làm người càng lương thiện bao nhiêu, con đường thành công sẽ càng rộng rãi bấy nhiêu.
Đối mặt với nghịch cảnh, kiên định đến cùng mới có cơ hội chiến thắng
Nhân vật Lưu Bị trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” có một thời niên thiếu bần hàn, nửa đời phiêu bạt, hai lần mất Từ Châu, phải bỏ lại Phàn Thành, bại mất Hán Dương…
Có thể nói về mức độ thảm chắc Lưu Bị là người thảm nhất lúc bấy giờ. Từ hai bàn tay trắng cho tới khi có được 1/3 thiên hạ, Lưu Bị có may mắn, có quý nhân, nhưng trên hết, Lưu Bị có một trái tim bền bỉ, thứ giúp ông kiên trì tới cùng dù có phải vượt qua bao nhiêu khó khăn và thất bại.
(Ảnh: Dân việt)
Ngay cả kẻ địch lớn nhất của đời ông, Tào Mạnh Đức cũng từng nâng ly nói với Lưu Bị rằng, anh hùng thiên hạ, chẳng qua chỉ có ta và ngài.
Chúng ta không phải ai cũng có thể giống như Gia Cát Lượng, trời phú cho tài năng thiên bẩm, cũng không thể giống như Tôn Quyền, sinh ra đã ngậm thìa vàng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giống Lưu Bị, bất kể ra sao cũng luôn giữ cho mình một tinh thần vững trãi, ý chí kiên định, không lùi bước trước nghịch cảnh khó khăn. Bởi lẽ, chỉ khi tiếp tục kiên trì tới cùng, ta mới có cơ hội chiến thắng.
Lan Hòa tổng hợp