Tu hành trọng về ngộ tính chứ không phải tiền bạc
Tu hành là đi trên con đường trở thành thần tiên vĩ đại. Đó là một việc siêu xuất khỏi người thường và không thể dùng quan niệm của người thường để đánh giá. Một người xây dựng bao nhiêu ngôi chùa, làm công đức có nhiều thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu ngộ tính kém thì họ sẽ không thể chân chính đắc Đạo được.
Liệt Tử bàn về học Đạo
Liệt Tử là danh nhân Trung hoa, sống vào thời Chiến quốc, người nước Trịnh, họ Liệt, tên Ngự khấu, là tác giả của bộ “Sung hư chân kinh” nổi tiếng trong dân gian. Đương thời, Liệt Tử đã học được bản lĩnh của Bá Cao Tử và Lão Thương tiên sinh, có thể cưỡi mây, cưỡi gió như thần tiên. Có người tên là Doãn Sinh, nghe thấy như vậy liền mang rất nhiều vàng bạc đến chỗ Liệt Tử mà học nghệ.
Nhưng Doãn Sinh ở nhà Liệt Tử mấy tháng trời mà không học được điều gì. Sốt ruột, Doãn Sinh nhân lúc Liệt Tử có thời gian, liền chủ động đến cầu Liệt Tử dạy cho mình. Nhưng cầu cả chục lần, Liệt Tử vẫn giữ thái độ lãnh đạm. Vừa thất vọng vừa oán trách, Doãn Sinh liền bỏ về. Doãn Sinh về nhà, nhưng trong lòng không sao bỏ được ý định học nghệ, rốt cục vài tháng sau lại đến nhà Liệt Tử xin học.
Liệt Tử thấy vậy hỏi rằng: “Sao nhà ngươi đến đây nhiều lần như vậy?”.
Doãn Sinh cung kính đáp: “Trước tôi đến cầu ông dạy, ông không dạy, lúc đó tôi có chút không bằng lòng, nhưng bây giờ trong lòng tôi lại cảm thấy muốn học cho nên đến cầu học”.
Liệt Tử nghe xong gật đầu, bảo Doãn Sinh ngồi xuống, rồi nói:
“Nhà ngươi cho rằng việc học Đạo đơn giản thế sao? Lúc trước ta bái Lão Thượng tiên sinh làm sư phụ, ba năm trong lòng không dám nghĩ đến điều thị phi, miệng không dám nói đến chuyện lợi hại, như vậy mới được ông ấy để mắt đến một chút. Lại trong hai năm sau, bên cạnh Lão Thượng tiên sinh mà học những phán đoán về những chuyện thị phi, ông ấy mới gật đầu cười với ta một chút. Lại trong hai năm tiếp theo, suy nghĩ của ta trở nên chín chắn, tâm không vội vàng, không cảm thấy có điều gì thị phi, trong lòng tĩnh tại, ông ấy mới để ta ngồi cùng một chiếu.
Từ đó về sau, ta càng không suy nghĩ tùy tiện theo những ham muốn tầm thường, không có gì làm ta sợ hãi, vượt qua tất cả những điều thị phi lợi hại. Đến mức ông ấy là thầy hay là bạn của ta, ta cũng không biết nữa, trong ngoài thân thể ta đều thanh tịnh, không có bất cứ thứ gì. Đến mức các bộ phận cơ thể của ta dường như không có giới hạn, hình dáng dường như như tiêu tan, chân như không dẫm lên thứ gì cả. Có thể tùy theo mây, thuận theo gió, tựa như một thân cây khô, tựa như cái lá nhẹ rơi xuống.
Nhà ngươi đến học ở chỗ ta chưa được bao lâu, vậy mà miệng thì kêu than, bụng thì tính toán, mang nặng tâm người phàm như thế thì sao có thể cưỡi nổi mây, gió đây?”
Câu chuyện trên đã cho ta thấy sự khác biệt giữa bậc tu hành và người thường. Doãn Sinh cầu Đạo trong tâm thái của kẻ thường nhân, dùng nhân tâm mà đối đãi thì dù có bao nhiêu vàng bạc châu báu cũng chỉ như mò trăng đáy nước, vĩnh viễn không thể đắc được Đạo.
Liệt Tử thì ngược lại, một lòng thành tâm cầu Đạo, kiên trì tu tâm dưỡng tính mà cuối cùng đắc được Đạo.
Trong câu chuyện trên ta cũng thấy rằng, trong tâm cầu Đạo thôi thì chưa đủ, còn cần vượt qua khảo nghiệm tâm tính, để xem ngộ tính có đủ không thì mới có thể đắc Đạo.
Liệt Tử bái Lão thượng tiên sinh làm sư phụ mất bảy năm tu tâm dưỡng tính mới được ngồi cùng một chiếu, tức là mới chính thức được coi là nhập môn, được sư phụ truyền dạy Đạo pháp. Bảy năm với một người để chờ đợi một điều gì đó quả thực là quá dài, dễ làm tâm chí thui chột đi, nếu không phải một lòng hướng tâm tu hành thì rất khó có thể giữ tâm mình không lay động.
Hai lần cầu Đạo của Hoàng Đế Hiên Viên
Hoàng Đế Hiên Viên, vị Vua tổ tiên khai sáng nền văn minh Trung Hoa nghe nói rằng có một vị tiên nhân cổ xưa tên là Quảng Thành Tử ở trên núi Không Động cách xa chỗ ông ở hàng ngàn dặm, rất khó gặp được. Mặc dù vậy, Hoàng Đế không quản ngại xa xôi vẫn cố gắng đi đến núi Không Động tìm vị tiên ông Quảng Thành Tử để bái sư cầu học Đạo pháp.
Lần thứ nhất đi tới núi Không Động, Hoàng Đế lúc này mới hơn bốn mươi tuổi, làm vua được hai mươi năm. Là một vị vua còn khá trẻ tuổi nên không khỏi tâm chí cao ngạo, lại hiểu sai về việc cầu Đạo, nên dẫn theo cả một đoàn quân lính tùy tùng rầm rộ, thậm chí mang theo cả phi tần phi tử hướng núi Không Động mà đến, âm thanh huyên náo chấn động cả sơn cốc. Rốt cục không cầu được Đạo, đành phải quay trở về.
Sáu mươi năm sau, tâm cầu Đạo vẫn đau đáu trong lòng Hoàng Đế. Lúc này Hoàng Đế đã trăm tuổi, hiểu biết mọi lẽ đời, học được cung cách khiêm tốn, nên quyết định đi lên núi Không Động lần nữa để bái sư học Đạo. Lần này ông đơn độc một mình, yên lặng rời khỏi hoàng cung để đi. Để bày tỏ lòng thành tâm của mình, Hoàng Đế cũng không cưỡi ngựa như lần trước, mà đi bằng chính đôi chân của mình.
Vì đường xa ngàn dặm, đôi giầy của Hoàng Đế dần dần trở nên mòn quẹt rách rưới, bàn chân đau đến độ không thể đi bộ nổi nữa. Nhưng lòng cầu Đạo của ông vẫn không hề lay chuyển, ông quyết tâm đi tới núi Không Động bằng đầu gối. Đá và cát sỏi giống như dao cắt, cứa đầu gối của ông đến chảy máu. Máu của ông nhuộm đỏ cả đá trên đường đi. Lúc gần đến núi Không Động thì ngay cả đầu gối cũng không thể đi được nữa, Hoàng Đế phải bò lết từng bước, từng bước. Mặc dù vậy, ông vẫn tiến về phía trước.
Tiên ông Quảng Thành Tử tuy rằng ở trên núi, nhưng vào thần thông của mình đã sớm biết Hoàng Đế lại đến chỗ mình cầu Đạo một lần nữa. Tất cả khó khăn mà Hoàng Đế gặp phải trên đường đi ông cũng đều thấy rõ ràng. Lòng thành và ý chí kiên trì của Hoàng Đế đã khiến ông cảm động. Khi Hoàng Đế bò đến dưới chân núi Không Động, Quảng Thành Tử lập tức phái một con rồng vàng xuống chở ông lên núi, sau đó truyền Đạo cho Hoàng Đế.
Sau khi Hoàng Đế trở về, một lòng theo con đường mà tiên ông Quảng Thành Tử dạy bảo, yên lặng tu dưỡng thân tâm, đến 120 tuổi thì cưỡi rồng bay lên Trời giữa ban ngày.
Hai lần Hoàng Đế đi bái Sư cầu Đạo đã dẫn đến hai kết quả khác nhau bởi vì tâm hướng về Đạo của ông khác nhau. Lần thứ nhất, ông đứng trên tư thế của một vị vua mà tìm Đạo như một thứ vật quý chốn nhân gian với tâm chí kiêu ngạo và nông nổi nên đã thất bại. Lần thứ hai, Hoàng Đế đã một lòng thành kính hướng đến Đạo cùng với nghị lực và sự chịu đựng khổ nhọc của mình cuối cùng mà đắc được.
Qua hai câu chuyện trên ta có thể nhận thấy rằng, Đạo là thứ không dễ đắc, bởi nó là thứ không phải cứ cầu là có, bỏ tiền ra là mua như hết thảy mọi vật nơi thế gian con người. Đạo là con đường giác ngộ chân lý, đề cao cảnh giới, mà trở thành thần tiên. Đó là điều siêu xuất khỏi tầng thứ của nhân loại, nên dù là vua hay là dân, nếu không có một lòng thành kính hướng về Đạo, tâm chí không kiên định thì vĩnh viễn không thể đắc được.
Ngày nay có người nói rằng “có tiền mua tiên cũng được”, đó là đứng tại góc độ con người mà nhận thức thế giới thần tiên. Hoàng Đế Hiên Viên có cả thiên hạ rộng lớn, trên thế gian có thứ gì mà ông không thể mua được. Vậy mà ông không thể dùng tiền mà mua được Đạo, không thể dùng tiền để trở thành thần tiên. Nếu con người cứ mãi chấp mê bất ngộ, coi tiền bạc là tất cả thì vĩnh viễn không thể thấy được chân lý, lại càng không thể đắc Đạo.
Nam Minh/ NTD.com