Vẻ đẹp của sự dũng cảm
Vẻ đẹp tâm hồn là yếu tố tạo nên nét đẹp chân chính của mỗi người. Vẻ đẹp bên ngoài sẽ phai dần theo năm tháng nhưng cái đẹp từ tâm là cái đẹp mãi luôn tồn tại. Một con người dù có ngoại hình kiêu sa, đẹp đẽ nhưng vẫn chưa đủ là người đẹp thực sự nếu như không có một tâm hồn đẹp đẽ.
Phụ nữ nếu sinh ra có một gương mặt khả ái, một vóc dáng ưa nhìn thì đó là một tài sản quý, cũng chính là phúc khí nhiều đời. Nhưng người xưa cũng có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Nếu không thể có được một nhan sắc xinh đẹp, vậy cũng có thể tu dưỡng tính cách, rèn giũa nội tâm, để khiến mình ngày càng rạng rỡ từ trong tâm hồn, khí chất lan toả. Vẻ đẹp tâm hồn không phải giống như đồ trang sức bên ngoài mà đó chính là yếu tố nội tại làm nên nét đẹp chân chính ở mỗi con người.
Cô là một cô gái có vẻ ngoài không được đẹp từ khi còn là một đứa trẻ, cô đã khóc rất nhiều. Vì không xinh đẹp nên không có nhiều người yêu mến cô, nhưng cô cũng đã được trải qua khoảng thời gian vui vẻ mà không phải bận tâm đến việc bản thân mình xấu.
Một ngày nọ, cô nghe một người họ hàng ví cô như một “Yakubyougami” (nghĩa là con quỷ mang đến dịch bệnh và tai họa). Khi ấy cô chỉ mới 5 tuổi, lúc ấy cô chưa hiểu ý nghĩa của từ này. Nhưng cô cảm nhận được đó là một từ không tốt và thoáng chút buồn.
Khi vào học tiểu học, một hôm có giáo viên từ các trường khác đến trường cô thăm quan. Giáo viên chủ nhiệm nói với cô: “Cô xin lỗi. Cô biết con hát rất hay nhưng lần này con có thể không hát và nhường cơ hội biểu diễn cho các bạn khác được không?”. Cô nhớ rằng giáo viên chủ nhiệm luôn tốt với mình, và mặc dù không muốn chấp nhận, nhưng cô vẫn làm đúng những gì giáo viên bảo cô phải làm. Lần đó, cô cảm thấy buồn và tự ti về bản thân.
Khi vào cấp 2, có một sự kiện khác đã làm tổn thương lòng tự trọng của cô. Đó là khi có thông báo của đoàn hợp xướng.
Cô chịu trách nhiệm chỉ huy dàn nhạc, nhưng giáo viên lại yêu cầu thay học sinh khác chỉ huy. “Em sẽ đứng hát ở hàng sau, học sinh khác sẽ thay em đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng. Thực tế người chỉ huy vẫn là em đứng đằng sau đảm nhiệm. Tất nhiên nếu có giải thì tôi sẽ tặng em phần thưởng”.
Khi đó, cô đã dứt khoát chối yêu cầu của giáo viên. Trước phản ứng bất ngờ của cô, giáo viên tỏ thái độ rất không hài lòng. Năm đó, có một kế hoạch chụp ảnh các nhóm trưởng của từng lớp trong buổi họp mặt và đăng lên bảng tin. Cô cũng có mặt trong bức ảnh nhưng giáo viên đã không đăng bức ảnh có cô lên. Giáo viên không giải thích lý do tại sao, có thể giáo viên đã không thích vì biểu cảm xấu xí và thái độ thiếu khiêm tốn của cô. Dù thế nào cô cũng không thể hiểu được giáo viên đó.
Vì xấu xí, ở trường cô thường bị nữ sinh chế giễu và bị nam sinh bắt nạt. Chỉ có giáo viên mỹ thuật là yêu thương cô. Khi vẽ chân dung, giáo viên hay cho cô làm mẫu.
Cô hỏi: “Thưa cô, Tại sao cô lại cho người xấu xí như em làm mẫu vậy ạ?”. Cô giáo trả lời với vẻ mặt nghiêm túc: “Em có thể không xinh, nhưng em có những nét đẹp riêng của mình”. Cô không hiểu lắm giáo viên đang muốn nói gì, nhưng cô rất vui vì biết rằng cô giáo không chê mình xấu xí.
Khi trưởng thành, cô luôn ghi nhớ lời cô giáo dạy: “Người đẹp có thể không được người ta nhớ đến, nhưng người đặc biệt thì nhất định được người ta nhớ tới”. Lời nói này đã ảnh hưởng đến cuộc đời cô.
Nhưng cô vẫn luôn cảm thấy mình thật xấu xí, và càng ngày càng trở nên tự ti cho đến một ngày cô đọc một cuốn sách do một nữ nhà văn New Zealand viết. Đó là một câu chuyện về một người xấu xí trở thành một học giả nổi tiếng. Từ cuốn sách đó, cô nhận ra rằng nếu cô càng sống tự ti, thì cô sẽ càng thất bại. Từ đó, cô dũng cảm quyết định đối mặt với sự xấu xí của mình.
Cô luôn thân thiện, hoà nhã, giúp đỡ mọi người và kiên trì cố gắng với công việc bằng cả trái tim mình.
Với nụ cười tự tin, rạng rỡ, không nghĩ đến bản thân mình xấu xí. Cô trở nên đẹp. Vẻ đẹp của cô chính là phẩm chất nội tại bên trong của cô. Đó là vẻ đẹp của sự tự tin, duyên dáng, nhân hậu, dịu dàng, nữ tính bên trong.
Nếu bạn không thể chọn điều may mắn, hãy chọn “dũng cảm lên” bởi vì những người dũng cảm đẹp hơn bất cứ ai khác.
Nguồn: epochtimes.jp
Mộc Hương biên tập