Vì sao Thầy xin lỗi?
Thầy Quốc là người cần mẫn, cẩn thận, chu đáo, hết lòng vì học sinh, giàu lòng nhân ái, song cũng là người rành mạch, rõ ràng, kiên quyết dứt khoát với những cái sai, cái xấu. Thầy giải quyết công việc gì người ta cũng thấy thỏa đáng, thấu tình, đạt lý nên mọi người ai kính trọng Thầy.
Vì nhà không quá xa trường dạy học, mọi ngày thầy Quốc thường đi xe đạp đến trường. Hôm nay có việc dạy xong cần đi Hà Nội luôn nên Thầy đã đi xe máy. Đường đi là từ ngách đi ra đường chính, vốn tính cẩn thận, thầy đã bấm còi, đi chậm, rẽ đúng phía đường của mình.
Bất ngờ, một xe máy đi ngược chiều, phóng rất nhanh, người lái xe bẻ tay lái sang phía trái đường của anh ta, nhưng xe bị trượt bánh, quật vào bánh trước xe thầy. Xe anh ta bị đổ, người thì ngã ra lề đường, bị xe đè lên không dậy ngay được. Xe thầy Quốc, do đang đi chậm nên dù bị va chạm cũng chỉ bị xước gác đờ bu bánh trước nhưng xe không đổ.
Thầy Quốc vội chống xe, đỡ anh ta dậy, bất ngờ thay, anh ta hất tay thầy ra và quát lớn: “Tôi mà gẫy chân lần nữa thì ông chết với tôi”. Nhiều người đi đường chứng kiến anh ta đã sai, lại ăn nói tục tằn với một người bằng tuổi bố anh ta mà lại vừa giúp mình như vậy thì rất bất bình, phẫn nộ.
Khi ấy có một học sinh nữ trong lớp của thầy đi cùng với mấy bạn nữ trong trường cũng có mặt tại đó, cảm thấy vô cùng tức giận, liền quay lại nói với mấy cô bạn đi cùng: “Nếu tớ là con trai, tớ đã xông vào đánh cho anh ta một trận rồi”. Mấy cô bạn cũng lao xao đồng ý. Vậy mà thầy Quốc lại rất bình tĩnh xin lỗi anh ta, còn nói rằng mình sai do không chú ý.
Cô học trò không sao hiểu được tại sao thầy lại hành xử như thế, rõ ràng anh kia đi sai đường, mà thầy sao phải xin lỗi loại người đó. Ngày hôm sau, cô nữ sinh quyết định đến nhà một là thăm thầy, hai là hỏi chuyện cho rõ. Cô nói:
– Thưa thầy, em rõ là thấy thầy đi đúng đường, sao thầy lại nhận mình sai?
– Thầy đi đúng đường, nhưng quả thật thầy không nhìn ra xa, nên thầy cũng có một phần lỗi ở đấy, vậy nên thầy nhận phần lỗi ấy.
– Cứ cho là vậy, nhưng sao thầy lại xin lỗi anh ta? Rõ là thầy đang giúp anh ta, anh ta còn chửi thầy, đấy là ăn cháo đá bát mà.
– Em còn nhớ câu: “Một điều nhịn là chín điều lành chứ”. Anh ta nói “tôi mà gẫy chân lần nữa” tức là trước kia đã bị rồi mà giờ vẫn không chịu sửa. Những người biết có tật xấu mà không muốn sửa chính là làm nô lệ cho tật xấu đó. Vậy anh ta cũng là đáng thương. Còn thầy xin lỗi anh ta cũng là để cho anh ta một cách nhìn khác, con người ai cũng còn nhân tính, hà cớ gì chỉ một việc nhỏ mà xảy ra tranh đấu, đó là đạo lý của kẻ thất phu.
Nghe câu trả lời của thầy, cô nữ sinh lặng im một hồi suy nghĩ: “chẳng phải mình cũng có ý định nhảy vào đánh anh ta hay sao? Mình cũng khác gì kẻ thất phu”. Sau buổi gặp này cô đã hiểu ra mình xấu tính ra sao; còn thầy một nhà giáo đầy lòng nhân ái vị tha và cao thượng. Cô lặng lẽ cúi chào thầy để ra về, rồi quay đi thật nhanh để che những giọt nước mắt đang lăn xuống.
Mười năm sau, cô nữ sinh cũng đã trở thành một cô giáo dạy giỏi có tiếng toàn tỉnh dù mới ra trường được năm năm. Tuy nhiên, cô không chỉ nổi tiếng về dạy giỏi mà còn nghiêm khắc với học sinh và còn độc thân nữa. Rất nhiều người giới thiệu hoặc tự đến tìm hiểu cô để tính chuyện hôn nhân, nhưng cô vẫn không ưng một ai, bởi vì trong tâm cô biết rõ, cô vẫn luôn chờ đợi một người có tấm lòng cao thượng, vị tha và nhân ái, nhưng bao năm qua cô vẫn chưa gặp được.
Biên tập Thông Lộ