Vì sao yêu quái trong Tây Du Ký bắt được Đường Tăng lại không ăn thịt ngay?
Những yêu quái trong Tây Du Ký tin rằng ăn thịt Đường Tăng có thể trường sinh bất tử, nhưng có một chi tiết lạ lùng khiến ai cũng thắc mắc: “Vì sao những yêu quái đó khi bắt được Đường Tăng lại không lập tức ăn thịt ngay?”
Không biết từ lúc nào mà trong giới yêu tinh xuất hiện một lời đồn đại rằng “ăn một miếng thịt của Đường Tăng có thể trường sinh bất tử”. Chỉ vì câu này mà bốn thầy trò phải liên tiếp chịu khổ nạn suốt chặng đường thỉnh kinh, hễ họ đi đến vùng đất nào thì yêu quái tại đó nhất quyết không bỏ qua. Dẫu chúng từng nghe danh Tề Thiên Đại Thánh, cũng biết Đường Tăng là bậc chân tu đại đức, nhưng vẫn không cam tâm để mất cơ hội được “trường sinh bất tử”.
Các loại yêu ma quỷ quái khác nhau sở hữu năng lực và bảo bối khác nhau. Nhưng dường như tuyệt đại đa số yêu quái trong Tây Du Ký đều vướng phải một “lỗi” rất kỳ lạ: Sau khi bắt được Đường Tăng; dù biết ăn thịt ông sẽ được trường sinh bất tử nhưng chúng đều không lập tức ăn ngay.
Đa số chúng trói Đường Tăng ở trong động với lý do “chưa bắt được Tôn Ngộ Không thì chưa nên ăn”; và vô tình điều đó đã tạo cơ hội cho ba người đồ đệ giải cứu Sư phụ mình. Giả dụ chúng ăn thịt Đường Tăng ngay khi vừa bắt được; có lẽ ba đệ tử đành phải chia hành lý mà đường ai nấy đi! Vì sao các yêu quái lại “sơ suất” như vậy?
Ăn thịt Đường Tăng có thật sự được “trường sinh bất tử”?
Ăn thịt Đường Tăng liệu sẽ trường sinh bất tử thật chăng? – Câu trả lời là không thể! Đây chỉ là một lời đồn đại trong giới yêu tinh, do các loại yêu quái truyền tai nhau, hoàn toàn không có vị Thần Phật nào thừa nhận cả.
Đường Tăng nguyên xuất thân là đệ tử của Phật Như Lai, sau khi hạ thế đã tu hành mười kiếp; do đó ông khác hẳn người thường. Tuy nhiên dẫu có là vậy, thì thân người của ông trên đường đi lấy kinh vẫn chỉ là “thai phàm mắt thịt”. Như lời của Tôn Ngộ Không nói thì chỉ là “cái thân máu thịt do cha mẹ sinh ra, không có tí năng lực gì”, nghĩa là thân xác ông so với người phàm trần thì cũng không khác nhau là mấy.
Chỗ khác biệt của Đường Tăng với người thường là ở công đức tu hành của ông trong mười kiếp. Tuy nhiên công đức này không nằm trên thân thể phàm nhân mà chúng ta thấy. Nó được tích lũy ở không gian khác mà chỉ Thần Phật mới có thể nhìn thấy. Yêu tinh không thể động đến những điều đó được; dẫu chúng có ăn thịt ông thì cũng chẳng khác chi ăn một người thường, hoàn toàn không thể giúp chúng trường sinh bất tử.
Hơn nữa, chúng ta biết rằng vũ trụ là có lý Nhân quả báo ứng, làm hại mạng người là tội rất nặng, nếu giết hại người tu hành chân chính để ăn thịt thì tội nghiệp càng nặng hơn. Giả sử những yêu tinh này thật sự ăn thịt Đường Tăng, chúng nhất định sẽ bị Trời diệt; vì đã gây nên đại tội, chứ có lý nào lại trường sinh bất tử cho được?
Đường Tăng là người tu hành mười kiếp nên đặc biệt hơn hẳn người phàm. Đây là điều chúng yêu quái đều biết. Nhưng điều chúng không biết là chỗ đặc biệt của ông không nằm trên thân người mà nằm ở công đức mang theo ở không gian khác. Vì thế mới dẫn tới hiểu lầm tai hại cho rằng “ăn thịt Đường Tăng sẽ trường sinh bất tử”. Thực tế, điều đó là không thể.
Mọi việc đều không vượt qua khỏi an bài của Phật Tổ
Dẫu ăn thịt Đường Tăng không thể đạt được trường sinh bất tử, nhưng yêu quái các nơi đều cho rằng đây là chân lý. Thế vì sao khi bắt được Đường Tăng chúng lại không lập tức ăn thịt ngay?
Chẳng hạn trong hồi 85 của tiểu thuyết Tây Du Ký, khi tên yêu quái tự xưng là “Nam Sơn đại vương” bắt được Đường Tăng, thay vì “làm thịt đánh chén một bữa”, hắn lại nghe lời tiên phong đem giam Đường Tăng lại; đợi khi ba người đồ đệ nản chí bỏ đi thì hãy ăn cũng chưa muộn.
Trong hồi 48 cũng là một tình huống tương tự như vậy, “Linh Cảm đại vương” hóa sông thành băng đánh lừa bốn thầy trò để bắt Đường Tăng; vốn dĩ muốn ăn thịt tức khắc, nhưng lại nghe lời thuộc hạ rằng nên đợi khi Tôn Ngộ Không bỏ đi rồi hãy ăn.
Ở các kiếp nạn khác, các yêu quái khác cũng đều lấy lý do rằng “chưa bắt được Tôn Ngộ Không thì chưa yên tâm” hoặc “đợi khi Tôn Ngộ Không nản chí bỏ đi rồi hãy ăn thịt hòa thượng cũng chưa muộn”. Những lý do này của chúng rất miễn cưỡng, nhưng chúng lại cảm thấy hợp tình hợp lý! Điều này vô tình đã cấp thêm thời gian và cơ hội cho Tôn Ngộ Không cùng hai sư đệ giải cứu sư phụ.
Thực tế, chi tiết này đã chỉ ra cho chúng ta một đạo lý: “mọi việc đều nằm trong an bài của Thần Phật. Chúng ta biết rằng việc bốn thầy trò đi thỉnh kinh, vượt qua 81 kiếp nạn, cuối cùng thỉnh được chân kinh và tu thành chính quả, đây là điều đã được Phật Như Lai an bài ngay từ đầu. Còn có Quán Âm Bồ Tát thường xuyên bảo hộ và chúng Thần Tiên trên Thiên đình nhiều lần giúp sức, nên không thể có sơ sót gì được.
Cũng tức là nói, không phải các yêu quái không muốn ăn thịt Đường Tăng ngay lập tức; mà vì Thần Phật vốn còn có những an bài khác cao hơn; không cho phép chúng thật sự gây hại cho Đường Tăng. Đường Tăng phải chịu khổ nạn mới đắc được chân kinh và tu thành chính quả, nên cho phép chúng bắt ông, trói ông, bỏ đói hoặc hành hạ ông; nhưng không cho phép chúng thật sự cướp đi tính mạng ông.
Có thể nói, sự khống chế trong an bài của Thần Phật chính là điều đã “xui khiến” các yêu quái này trong vô thức mà “ngoan ngoãn đợi” Tôn Ngộ Không đến cứu sư phụ.
Kết cục của các loại yêu quái làm hại Đường Tăng
Như vậy, việc các yêu quái xuất hiện trên đường thỉnh kinh của bốn thầy trò hoàn toàn cũng nằm trong an bài của Thần Phật. Những loại yêu quái này, có kẻ là yêu quái trần gian tự ý tác quái làm loạn; có kẻ là do Thần Phật hữu ý để chúng xuống trần nhằm mục đích khảo nghiệm ý chí tu hành của bốn thầy trò.
Đối với yêu quái vốn là thú cưỡi của Thần Tiên hoặc Bồ Tát hạ phàm; chúng chỉ thuận theo an bài của Thần Phật mà làm các việc xấu, có kẻ không tự biết, có kẻ ngay từ đầu đã biết trước. Nhưng dù biết hay không thì chúng cũng không làm những chuyện vượt quá sứ mệnh của mình. Chỉ là từ một góc độ khác, chúng tạo ra khổ nạn để rèn luyện tâm tính của bốn thầy trò Đường Tăng và giúp họ tiêu trừ tội nghiệp.
Vì cuộc đời thỉnh kinh của Đường Tăng đã định sẵn phải trải qua 81 kiếp nạn mới đắc chính quả; nếu không có kẻ đến gây nạn cho ông thì ông cũng không tu thành được. Từ góc độ này mà xét, thì những yêu quái kia không thể tính là đã sai lầm quá nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi chúng hoàn thành sứ mệnh được giao phó; liền theo chủ nhân quay về Trời, không chịu sự trừng phạt nào cả.
Đây không phải là Thần Phật “thiên vị” cho thú cưỡi của mình như nhiều người vẫn nghĩ. Thần Phật hoàn toàn không có những tình cảm riêng tư ấy, mà vốn từ đầu các Ngài đã an bài cho chúng làm vậy rồi. Nên chỉ cần chúng chưa tạo thành tội không thể vãn hồi thì còn có thể xá miễn và cho chúng cơ hội.
Riêng đối với các yêu quái phàm gian tự ý làm loạn, trừ một số ít như Hồng Hài Nhi và Hắc Hùng Tinh chịu cải tà quy chính, thì đại đa số sau cùng đều bị Tôn Ngộ Không đánh chết hoặc bị chư Thần diệt trừ. Vì chúng không được an bài mà lại tự ý làm ác làm càn, hơn nữa còn không chịu hối cải, nên tự chuốc lấy diệt vong.
Mặc dù vậy, Thần Phật cũng lợi dụng các việc ác của chúng để giúp Đường Tăng tiêu trừ tội nghiệp và ma luyện đề cao tâm tính. Chúng có thể làm rất nhiều việc ác, nhưng không thể để chúng thật sự làm hại sinh mệnh của Đường Tăng. Tuy vậy, bởi vì chúng thật sự muốn làm điều ác, tâm chúng xuất phát ra hoàn toàn là tà ác, nên khác với những yêu quái có “sứ mệnh” kia, sau cùng chúng đều bị chịu báo ứng.
(Nguồn: Tinh Hoa)