Khi giúp đỡ người khác, giá trị cuộc sống của chúng ta sẽ được nâng lên rất nhiều
Tục ngữ có câu: ‘Một cây làm chẳng nên non’, có thành công nào mà không phải trải qua những sự góp sức và tương trợ lẫn nhau
Có câu chuyện kể rằng: Tại gian hàng trong một khu chợ có người tiểu thương bày ra hai cái giỏ tre lớn, một chiếc đậy nắp kín bưng, còn một chiếc thì hoàn toàn bỏ ngỏ. Khi nhìn vào chiếc giỏ mở nắp, có thể thấy bên trong toàn là cua đang bò lổm ngổm. Lũ cua con nào con nấy cũng đều tranh nhau bò ra khỏi cái giỏ tre, nhưng rốt cuộc chẳng có con nào thoát ra được cả, bởi khi một con còn chưa kịp bò lên thì đã bị con khác lôi xuống.
Còn chiếc giỏ đậy nắp kia, khi người tiểu thương mở ra để khách hành xem thử, thì ở trong đó đều là những con rùa với đủ mọi kích thước to nhỏ khác nhau.Một vị khách hiếu kỳ hỏi: “Vì sao người tiểu thương phải đậy nắp chiếc giỏ đựng rùa này?” Ông giải thích: “Đó là bởi con rùa lớn nhất sẽ nằm lót ở bên dưới cùng, sau đó con rùa to hơn một chút nằm lên trên người nó, tiếp theo là con rùa nhỏ hơn một chút, ở trên tầng cao nhất sẽ là con rùa nhỏ nhất. Khi tất cả đều chung lòng chung sức như vậy, con rùa nhỏ ở trên cùng sẽ bò ra khỏi giỏ tre, sau đó con to hơn một chút nằm ở bên dưới cũng có thể bò ra ngoài, còn con lớn thứ hai thì mượn sức của con rùa lớn nhất ở dưới cùng mà ra được bên ngoài.”
Người tiểu thương đậy nắp lại rồi nói tiếp: “Cho nên tôi phải đậy nắp giỏ sao cho thật chặt, nếu không chẳng may sơ suất để chúng bò ra ngoài hết cả sẽ chẳng biết đi đâu để bắt chúng lại, còn con rùa lớn nhất đó, tuy sau cùng không bò ra được, nhưng nó vẫn không chút ân hận.”
Vốn dĩ sức lực của con người là có hạn, nên mới cần sự giúp đỡ, tương hỗ lẫn nhau để có thể bù đắp lại những hạn chế, những thiếu hụt của con người. Một người chỉ luôn nghĩ đến bản thân thì môi trường sống sẽ bị thu hẹp, thậm chí là bế tắc. Người vui vẻ, vô tư biết sống vì người khác cuộc sống sẽ luôn rộng mở.
Napoleon đã từng kể câu chuyện về một người tên là Johnson. Một hôm khi Johnson và người bạn đồng hành cùng vượt qua ngọn núi Himalaya thì họ nhìn thấy một người nằm trên tuyết. Johnson muốn dừng lại giúp đỡ người bị nạn, nhưng bạn của anh lại nói: ‘Chẳng nhẽ anh muốn đánh đổi tính mạng của mình sao?’.
Johnson không nỡ để người đàn ông nằm lại trên tuyết lạnh nên đã cõng người đó lên và lê bước về phía trước, càng ngày anh càng tụt lại phía sau. Vì người đó quá nặng nên Johnson rất vất vả, mồ hôi chảy ròng ròng. Nhưng nhờ hơi ấm tỏa ra từ cơ thể Johnson mà người bị nạn ấm dần lên, anh ta đã được cứu sống. Sau đó, hai người cùng khoác vai nhau tiếp tục cuộc hành trình. Khi họ đuổi kịp người bạn đồng hành kia cũng là lúc phát hiện anh ta đã bị chết cóng.
Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau là phạm trù đạo đức truyền thống của dân tộc ta. Trong những trận lũ lụt, nhiều người đã dũng cảm quên mình cứu đồng bào gặp thiên tai và khắc phục những hậu quả sau đó. Tinh thần ấy rất đáng trân trọng và rất cao thượng. Bởi vì tinh thần ấy giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn với tình nhân ái hướng đến và biết sống vì người khác, cuối cùng chúng ta sẽ trở thành một con người cao thượng. Tinh thần giúp đỡ người khác là phẩm chất tốt đẹp và cần biến thành hành động. Luật nhân quả không bạc đãi một ai. Khi bạn giúp đỡ người khác, giá trị cuộc sống của bạn sẽ được nâng lên rất nhiều.
Minh Hoàng biên tập