Sài Gòn người dân sếp hàng dài ở siêu thị: ‘vẫn phải chờ đợi vì nhà hết lương thực rồi’
Sài Gòn, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hàng dài người vẫn xếp hàng ở các siêu thị lớn của TP để chờ được vào mua thực phẩm, dù may mắn được vào trong vì đến sớm nhưng nhiều người vẫn không thể mua đủ đồ, còn hàng người phía sau thì vẫn kiên nhẫn đợi tới lượt vì nhà đã không còn gì để ăn.
Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, vào 7h30 sáng ngày 15/7, bên trong một siêu thị lớn ở P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM có rất nhiều người xếp hàng ở tầng trệt để được lên tầng trên mua hàng; hàng người đứng, ngồi lẫn lộn kéo dài mãi khiến ai cũng ngao ngán.
Một người vì đến trễ nên phải đứng đợi nói: “Nãy vô gửi xe không thấy đông như hôm qua nên tưởng vắng, không ngờ vô cũng đông. Chắc người ta tranh thủ tới sớm để mua, chứ tới trễ và đứng chờ ở cuối hàng như tôi không biết đến khi nào”.
Gần 8h, chị Vũ Thị Việt (36 tuổi, ở Q.Gò Vấp) từ trong siêu thị đi ra với 2 túi đồ trên tay. Bên trong túi là thịt bò và nhiều loại rau củ quả. Chị kể ngày hôm trước lướt mạng xã hội thấy người đến siêu thị đông quá nên không dám ghé, đến tối 14/7 mới tới mua.
Tuy nhiên, dù đã chờ cả buổi những khi đến lượt mình thì đã không còn thịt, cá nên chị quyết thức dậy từ 5h rưỡi sáng chuẩn bị để 6h đến siêu thị mua đồ. Chị Việt nói mình là một trong những người đến siêu thị sớm nhất trong hôm nay nên việc chờ đợi không quá lâu, chị cũng tranh thủ mua được thịt còn tươi nên khá vui. Tuy nhiên, do những ngày này dịch dã nên siêu thị vẫn chưa nhập được cá biển.
“Lúc nãy tôi định mua một ít cá biển, nhân viên nói hàng chưa nhập về nên mong mình thông cảm. Thôi mua được thịt dùng cũng đã là may rồi, tại nhà có con nhỏ sợ con ăn không đủ chất”, chị nói thêm.
Theo chị Việt, lượng người xếp hàng ở siêu thị vẫn đông như những ngày trước, thấy nhiều người chờ đợi chị nói mình cũng hiểu được cảm giác đó. Rút kinh nghiệm, chị nói trong thời điểm này, muốn mua được đồ phải chịu khó thức dậy sớm hơn chứ cứ đi như thường ngày thì sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để chờ, đôi khi đến lượt lại không còn thứ gia đình cần.
Sau khi chị Việt rời khỏi bãi xe, bà Thảo Kim (56 tuổi) cũng cầm nhiều túi đồ từ trong siêu thị bước ra. Bà nói nhờ đi mua đồ sớm mà mình đỡ được cảnh chờ đợi. “May là đi sớm, không chắc cũng chờ mòn mỏi luôn. Mấy bà bạn tôi hôm qua đi mua đồ về than mà tôi cũng oải dùm”, bà cho biết.
Trong khi đó, lúc 8h sáng cùng ngày (15/7) tại một siêu thị ở P.4, Q.Gò Vấp, hàng dài người và xe vẫn tập trung phía trước cổng để chờ được vào trong. Bảo vệ liên tục nhắc nhở, điều phối dòng người để giãn cách theo đúng quy định. Có người dừng xe trên vỉa hè phía trước siêu thị để chờ.
Nhiều người nói mình không có ý định quay đầu xe, cỡ nào cũng phải mua được thực phẩm vì trong nhà họ đã hết đồ ăn, trong đó có bà Phạm Thị Hoa (60 tuổi, Q.Gò Vấp).
Vì sợ đông người, bà Hoa chạy xe lên vỉa hè gần cổng rồi nhờ bảo vệ để ý, nói khi nào nhận lượt người tiếp theo thì cho mình vào. Bà cho biết đây là siêu thị gần nhà nên bà đã quen mua ở đây.
4 ngày nay không đi chợ, hôm trước tới còn chạy vào trong thoải mái nay phải chờ tới lượt. Nói thiệt là nhà tôi không còn thứ gì để ăn, nên hôm nay cỡ nào cũng phải đợi”, nhìn hàng người phía trước cổng, bà ngao ngán nói.
Được biết, tình trạng người dân tập trung đông để mua thực phẩm đã diễn ra nhiều ngày nay. Trước đó, vào chiều 14/7, tại siêu thị Emart trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM) tình trạng người dân tập trung đông đúc vẫn tiếp diễn. Nhiều người cho biết họ chờ trước cổng gần 2 giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa được vào trong.
Các cửa hàng tiện lợi xung quanh nhà đều hết thịt, cá và rau nên tôi phải đạp xe từ quận Bình Thạnh sang đây. Nãy giờ tôi chờ ngoài cổng đã gần 2 tiếng nhưng vẫn chưa được vào trong mua đồ”, bà Lê Thị Tuyết Hoa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ với báo Zing.
Cùng hoàn cảnh, chị T.M (30 tuổi) đợi phía trước cổng siêu thị dưới cái nắng chang chang và dòng xe đông đúc, chị nói giờ mình ‘không còn đường lui’ vì khó quay đầu, chị chỉ biết liên tục dõi mặt vào hàng người xem có thể nhích thêm chút nào không.
“Vô được siêu thị đã mệt, còn phải xếp hàng nữa. Từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ thấy cái cảnh này. Muốn có miếng ăn, kiếm tiền đã khó mà lấy tiền đi mua sao cũng khó quá”, chị thở dài nói.
Đương Vân