Hoà khí sinh tài lộc, khoan dung độ lượng vạn sự tất an
Người xưa nói: “Nhân sinh nhất thế, thảo mộc nhất thu”, bất kể sự vật nào cũng có một đời của riêng mình, dài ngắn không giống nhau. Tuân Tử có câu: “Không lên núi cao, không biết trời cao vậy; không xuống khe sâu, không biết đất dày vậy.” Bởi thế làm người hãy luôn biết trọng hoà khí để thuận trên vừa dưới.
Khổng Tử nói: “Lễ chi dụng, hoà vi quý”, nghĩa là: Chỗ dùng của Lễ, lấy hoà làm quý. Những lời giảng xưa tương tự như thế, ví như: hoà khí sinh tài, hoà khí trí tường (hoà khí đem đến phúc lành), hoà trung cộng tế (đồng lòng tương trợ), gia hoà vạn sự hưng, đều lấy hoà làm quý.
Trong Kinh Dịch có viết: “Hòa khí trí tường, quái khí trí lệ”, ý muốn nói, hòa khí có thể đem tới sự cát tường, ngược lại nếu nóng nảy ắt rước họa vào thân.
Trong cuốn: Tứ thế đồng đường của Lão Xá, một văn sĩ Trung Hoa, có một câu nói như sau: “Châm ngôn sống quan trọng nhất của người già đó là hòa khí sinh tài”. Bởi vậy hoà khí chính là một loại trí huệ của đời người, hơn nữa, hòa khí sinh tài! Tổn hại tới hòa khí là làm tổn hại tới tài lộc
Có một câu chuyện nổi tiếng kể về Tăng Quốc Phiên – tướng lĩnh lỗi lạc thời nhà Thanh như sau: Tăng Quốc Phiên thống lĩnh vạn quân với tôn chỉ “Thành” và “Hòa” để đối đãi với thuộc hạ cấp dưới. Môn sinh của ông miêu tả Tăng Quốc Phiên thường ngày trong doanh trại đợi mọi người để cùng ăn cơm, ăn cơm xong lại cùng nhau ngồi quây quần chuyện trò, và khi ấy Tăng Quốc Phiên sẽ kể những câu chuyện cười khiến ai nấy đều vui vẻ.
Năm Hàm Phong thứ 11 (1861) Lý Tú Thành lãnh đạo quân đội tấn công đại doanh của Tăng Quốc Phiên, Kỳ Môn rơi vào thế hiểm nguy, có kẻ đã thu dọn chuẩn bị chạy trốn, biết chuyện Tăng Quốc Phiên truyền lệnh xuống dưới: “Thế giặc đã vậy, có kẻ muốn quay về, cấp 3 tháng bổng lộc, sự bình có thể quay trở lại doanh trại”.
Đối mặt với quân lính đào ngũ Tăng Quốc Phiên chẳng những không trừng phạt mà khoan dung đối đãi, tha thứ. Đám quân lính nung nấu ý bỏ trốn sau khi biết được đã hối hận và từ bỏ ý định.
Dùng hòa khí để đối đãi mới có được hòa khí của người khác, tranh cãi đối đầu chỉ khiến bạn và đối phương bị tổn thương. Không cần phân cao thấp, đúng sai, hòa khí mới là chiến thắng.
Thượng thiên nhược thủy, dĩ nhu khắc cương (sự cao thượng, thiện lương giống như dòng nước trong vắt, lấy nhu khắc cương). Hòa khí thường có thể hóa giải mâu thuẫn và bất hòa thành vô hình. Dĩ hòa vi quý, vạn sự ắt hưng. Người có khí chất lớn luôn làm chủ được cảm xúc của mình.
Trong Sử ký có viết: Tần Bản Kỷ có một đoạn viết đại ý kể về Tần Mục công, một vị tướng tài giỏi, một ngày nọ con tuấn mã mà ông yêu quý chạy lạc, bị đám dân đen ở Kỳ Hạ bắt được, đem chia cho lão bách tính. Quan sứ điều tra ra chân tướng, muốn bắt hết dám dân đen đã ăn thịt con tuấn mã của Tần công lại, xử phạt theo vương pháp.
Tuy nhiên Tần Mục công liền ngăn quan sứ lại, ông nói: “Người quân tử không thể vì một con súc vật mà đắc tội đến lão bách tính” đồng thời hạ lệnh: “Ta nghe nói ăn thịt ngựa mà không có rượu sẽ hại đến cơ thể ngươi hãy đem rượu ngon đến cho họ đi”.
Ba năm sau Tần Mục công thảo phạt Tấn Quốc, vừa bị bại trận lại còn thương nặng, trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, thì bỗng xuất hiện một đội quân như thiên binh thần tướng, đánh cho quân Tấn tan tác, Tần Mục công vì thế mà chuyển bại thành thắng.
Đội quân đó chính là đám bách tính năm xưa đã bắt con tuấn mã của Tần Mục nhưng không bị trừng phạt mà lại còn được tặng rượu ngon. Tần Mục công đã trồng phúc báo, để vào lúc thích hợp thu lại được báo đáp, có được quả ngọt vào thời điểm thích hợp nhất.
Khoan dung, độ lượng, chính nhờ phẩm chất này mà Tần Mục Công trở thành một trong “Xuân Thu ngũ Bá” trong lịch sử Trung Quốc, lưu danh thiên cổ. Vậy nên ở đời đối đãi với người khác bằng hoà khí sẽ có ngày được báo đáp to lớn gấp bội, tiền đồ trước mắt tự nhiên sẽ sáng lạn.
Dùng sự khoan dung, độ lượng xử thế, tự nhiên sẽ vạn sự tất an. Nếu nhìn người và nhìn mọi điều bằng ánh mắt chứa đựng hòa khí bao dung cùng trái tim ấm áp như vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời vô cùng tươi đẹp. Nếu như chúng ta dùng hòa khí đối đãi với người khác, tôn trọng cá tính của họ, thì trên thế giới này sẽ không còn sự thù hận và ai oán. Nếu như chúng ta dùng hòa khí để dung hòa mọi việc, thì trên đời này sẽ chẳng có việc gì khiến bạn có thể khó chịu được nữa.
Từ Thanh biên tập