Cái “Nghĩa” của quân thần trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Trong bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, cuốn sách tiết lộ rằng lịch sử của Tam Quốc là để lại cho nhân loại một văn hoá làm người – văn hóa liên quan tới chữ “Nghĩa”, nghĩa là dạy con người tuân thủ đạo nghĩ làm người trong nhiều tình huống khác nhau như thế nào.
Để thể hiện một cách sống động và truyền thần, các nhân vật lịch sử được xử lý một cách nghệ thuật để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, các nhân vật lịch sử được khắc sâu trong lòng người dân, lưu truyên thiên cổ, từ đó mà người ta hiểu được hàm nghĩa thật sự của “Nghĩa”.
Vì vậy câu chuyện kinh điển mở đầu chính là ‘kết nghĩa vườn đào’ giữa Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Tại vườn đào của Trương Phi đã hình thành nên mối quan hệ kết nghĩa huynh đệ không cùng huyết thống.
Cách hiểu phổ biến nhất về ‘nghĩa’ là chính lý làm người, là đạo lý mà làm người trên thế gian cần tuân theo. Do vậy, ‘nghĩa’ phải đường đường chính chính, ngay thẳng, công bằng, không vị tư, mà vị công, vì người khác mà hành.
Chính vì vậy những người xuất thân khác nhau thì cũng có những nghĩa vụ khác nhau, không tự thân nỗ lực làm những việc nên làm thì bị xem là bất nghĩa, điều đó có nghĩa là bạn đã vi phạm nguyên tắc làm người.
Dù bạn là ai, ngồi ở vị trí nào thì đều vô tư mà làm tốt những việc cần phải làm, đó chính là trách nhiệm của bạn, không thể trốn tránh, do vậy mới có cách nói rằng việc của mình thì không thể đẩy cho người khác.
Tất nhiên cũng có cách nói rằng “chính nghĩa bất dung từ”, tức nếu cần phải gánh vác đạo nghĩa nào đó thì không thể nào từ chối.
Ví dụ, các quân thần, phu thê trong quá khứ đều nhấn mạnh về các nguyên tắc và trách nhiệm mà họ nên tuân theo, vương có vương đạo (nhân nghĩa), thần có thần đạo (trung nghĩa), phu thê diệc nhiên (lòng chung thủy).
Bất luận là quân thần hay phu thê, sư đồ bằng hữu hay phụ tử huynh đệ, chị em dâu, mẹ chồng nàng dâu… dù bạn đang trong mối quan hệ nào, với thân phận ra sao đều phải nắm vững đạo lý căn bản về cách làm người này.
Các đạo lý làm người mà mỗi bên đều cần tuân thủ, vốn có các nội dung cụ thể khác nhau, nhưng đều thuộc về phạm trù ‘nghĩa’, đều là ‘nghĩa’. Đặc điểm chung chính là sự ngay chính, vô tư, vị tha, và những việc mà bản thân nên thực hiện, nên gánh vác.
Do đó, người xưa có câu: “huynh đạo hữu, đệ đạo cung”, ý là đạo lý của phận làm anh trai là phải yêu thương, chăm sóc, ân cần với em trai của mình, còn phận làm em trai thì sao, đó là sự biết ơn, tôn trọng, cung kính vị anh trai của mình, thái độ cũng cần tôn kính và cùng san sẻ với người anh trai, đó là nghĩa vụ.
Vì thế, khi nói đến tình huynh đệ, có thể ai đó sẽ hỏi: vậy ‘kết nghĩa vườn đào’ của Lưu–Quan–Trương có phải ngụ ý là nghĩa tình huynh đệ này không?
Thể hiện cái nghĩa của quân thần
Tam quốc mô tả về toàn bộ quá trình từ khi hình thành đến khi kết thúc của ba vương quốc Ngụy, Thục và Ngô, là sự miêu tả liên tục về những chi tiết thời hoàng kim và thất bại của các vị hoàng đế, những tướng lĩnh, các vị anh hùng hào kiệt.
Tác giả triển khai câu chuyện của từng nhân vật chủ chốt một cách chi tiết, để cho mọi người thấy được những thân phận khác nhau đã có những quyết định và lựa chọn như thế nào khi đối diện với địa vị, quyền lực, giàu sang trong thời thế gian nguy nan, loạn lạc.
Mỗi một người đều có những chí hướng khác nhau, những nguyên tắc ứng xử khác nhau và mỗi lựa chọn đều là sự khảo nghiệm nhân tâm, đều là sự lựa chọn giữa thiện và ác, cũng chính là lựa chọn giữa nghĩa và bất nghĩa mà người xưa nói đến.
Do đó, chúng ta thấy rằng các cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn và các anh hùng từ mọi tầng lớp lại liên tục xuất hiện. Rốt cuộc thì ai đang công tâm báo quốc an dân, và ai là người nhân danh công lý trên bề mặt để rồi thực ra là tìm kiếm ngai vàng địa vị hay quyền lực lợi ích riêng tư?
Để mọi người nhìn thấy được những biểu hiện cụ thể của nghĩa và bất nghĩa, tác giả đã viết nên tác phẩm đồ sộ này, và lịch sử quan của tác giả qua đó cũng được thể hiện một cách đầy đủ.
Vì thế, ‘kết nghĩa vườn đào’ xuất hiện ở phần mở đầu và cũng nhất định là có mối liên quan đến những nhân vật trọng yếu và nhân vật chính được tác giả khẳng định.
Ba người quả thực là tam vị nhất thể: Lưu Bị là thủ lĩnh, là người đầu não cho các đệ, là nhân vật định hướng; Quan Vũ và Trương Phi là hai cánh tay trái phải đắc lực của Lưu Bị.
Do đó, chúng ta có thể thấy được, khi ba người xuất hiện thì Quan Vũ ở bên trái, Trương Phi ở bên phải. Ngoài việc tận hết cái nghĩa huynh đệ, còn biểu hiện sự đồng tâm đồng lòng của nghĩa quân thần.
Lưu Bị không quên công tâm mà ái dân kính hiền, làm vị vua nhân nghĩa khoan dung độ lượng, cùng với Quan Vũ là bề tôi, là vị tướng trung nghĩa, đã được triển hiện một cách trọng điểm.
Đó là mối quan hệ giữa quân vương và quân thần mà tác giả đánh giá cao và tôn trọng. Tác giả viết ra là để giáo dục các đế vương và văn võ bá quan, cùng bách tính phổ thông trong tương lai.
Do đó, bạn sẽ nhận ra rằng Lưu Bị, người mà sau này sẽ làm vua, trọng điểm là thể hiện chữ ‘nhân’ trong ý nghĩa của nhân vật này, bởi vì có cách nói rằng đạo làm vua phải có nhân nghĩa.
Còn Quan Vũ và Trương Phi là hai vị bề tôi, do vậy chủ yếu làm nổi bật hàm nghĩa ‘trung’. Tất nhiên mọi người cũng sẽ dễ dàng hiểu được vì sao bằng hữu thường nhắc đến tín nghĩa, bởi lẽ bằng hữu cốt yếu là biểu hiện cái hàm nghĩa “tín”.
Thật ra nhân nghĩa, trung nghĩa, tín nghĩa đều có sự tương quan với nhau và không thể nào tách rời hoàn toàn, nếu tách rời hoàn toàn, thì sẽ xuất hiện cái ngu trung và ngu tín không phân biệt rõ thiện ác, thậm chí có thể dẫn tới “trợ Trụ vi ngược”.
Do vậy, người xưa có câu rằng “hiền thần trạch chủ nhi sự” (Tôi hiền chọn chúa mà thờ). Tam quốc diễn nghĩa đã thể hiện nội hàm này một cách đầy đủ trong câu chuyện. Vì thế nhân nghĩa, trung nghĩa và tín nghĩa đều có hàm ý nhấn mạnh riêng. Nói một cách khác, cho dù là nhân, trung hay tín thì đều có nội hàm cơ bản bên trong là “Chính trực vô tư, giữ vững thiện niệm”.
Trong tiểu thuyết, để thể hiện lòng nhân từ của Lưu Bị, nhân vật Tào Tháo được miêu tả là một gian hùng và trái ngược với Lưu Bị. Những người tôn trọng lịch sử thì cho rằng không công bằng với nhân vật Tào Tháo và cảm thấy không phù hợp với lịch sử.
Tuy nhiên, Lưu Bị cũng không giống y như nhân vật lịch sử nguyên gốc mà là đại diện cho một tính cách cao quý trong lòng tác giả. Nhân vật chính được tác giả tạo dựng là chính diện và mục đích cuối cùng là đề cao lòng tốt, đồng thời nhằm chuyển tải đến mọi người về nội hàm của các các chủng loại ‘nghĩa’ khác nhau, dạy con người không chỉ trở thành người có tình mà còn là người trọng nghĩa.
Nguồn Zhengjian
Lưu Như