“Giàu không đổi bạn sang không đổi vợ”, thời nay mấy ai làm được?
Trên đời tiền bạc, danh vọng hay phú quý đến rồi đi chỉ trong khoảnh khắc, chỉ có tình nghĩa chân thật, thiêng liêng giữa vợ chồng và bạn bè lúc khó khăn hoạn nạn mới là điều quý giá và trân trọng nhất.
Nhìn vào chuẩn mực đạo đức cao cả của người xưa thường lấy trung – lễ – nghĩa – trí – tín để làm thước đo tiêu chuẩn đạo đức cho mình. Dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong việc làm và tự kiểm soát bản thân bằng cách tuân theo những lời dạy của các bậc thánh hiền.
Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều lan tỏa lòng tốt và sự ảnh hưởng đến những người mà họ tiếp xúc, để người ta tôn thờ đạo đức và công lý. Hiệu quả và sự ảnh hưởng của những lời dạy ấy đã khắc họa rõ phẩm chất đạo đức của họ.
Người xưa thường có câu: “Giàu không đổi bạn, sang không đổi vợ”, nhưng hiện nay mấy ai làm được điều này?. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu hai câu chuyện được lưu truyền dưới đây để hiểu hơn về đạo đức của người xưa về vấn đề này như thế nào?.
Giàu không quên bạn nghèo
Ngày xưa, có một vị hoàng tử đầy lòng nhân ái, đem hết vàng bạc châu báu trong cung cho người nghèo. Nhưng hành động của hoàng tử khiến vua cha tức giận, nhà vua trục xuất hoàng tử ra khỏi cung, hoàng tử phải đi ăn xin, sống lang thang khắp nơi.
Hoàng tử gặp một người ăn xin trên đường, hai người cùng nhau đi phiêu bạt và trở thành những người bạn rất tốt của nhau.
Ở một vương quốc xa xôi, nhà vua chết bất đắc kỳ tử, lại không có con cái nên không có người kế vị ngai vàng, không có người quản lý đất nước. Các quan đại thần đang rất lo lắng và đã tìm kiếm khắp nơi, hy vọng sẽ tìm được người thích hợp để kế thừa ngai vàng.
Vào một ngày nắng như đổ lửa, hoàng tử và người ăn xin lang thang đến vương quốc này, người ăn xin rất đói và đi xin ăn, còn hoàng tử nằm dưới bóng cây lớn nghỉ ngơi.
Đúng lúc các quan đại thần đang tìm kiếm người thừa kế ngai vàng đi ngang qua đây, họ nhìn thấy hoàng tử đang say ngủ và nhận ra một điều ngạc nhiên: Mặc dù mặt trời đã nghiêng về phía tây nhưng bóng cây vẫn không hề di chuyển theo mặt trời, mà vẫn che bóng mát cho hoàng tử.
Các quan đại thần vui mừng khôn xiết, cho rằng hoàng tử là bậc cao nhân, chính là người mà họ đang muốn tìm kiếm, nên họ cung kính đón hoàng tử làm vua cho đất nước mình.
Sau khi hoàng tử trở thành vua, anh luôn nghĩ về người bạn ăn xin của mình, nhưng hoàng từ không biết tung tích của người bạn, vì vậy hoàng tử đã sai thuộc hạ của mình đi tìm người ăn xin.
Hoàng tử bí mật nhét rất nhiều vàng vào một miếng bánh, xếp chung với những chiếc bánh khác, rồi hỏi thuộc hạ: Sau khi tìm được người ăn xin, nhất định phải cho anh ta những chiếc bánh này.
Vì vậy, các thuộc hạ đã tìm kiếm xung quanh và cuối cùng tìm thấy người ăn xin và đưa cho anh ta chiếc bánh mì. Sau khi người bạn ăn xin nhận được những chiếc bánh chứa vàng của hoàng tử thì vô cùng cảm động, rơi nước mắt.
Sang không đổi vợ
Trong cuốn “Hậu Hán Thư”, được viết bởi Phạm Diệp Sở thời Nam Triều, có ghi chép rằng, chị của Hán Quang Vũ Đế sau khi chồng qua đời, nàng ngày ngày sống trong cô độc.
Một thời gian sau, Hán Quang Vũ Đế thấy chị cứ thui thủi một mình, nên ngỏ ý muốn chị hãy tìm một người chồng khác để an hưởng tuổi già.
Sau khi thăm dò, thấy chị có hảo cảm với Tống Hoằng trong triều. Nàng cho rằng, Tống Hoằng tài mạo song toàn, có thể nói là không ai sánh bằng.
Quang Vũ Đế vì để hoàn thành tâm nguyện cho chị, ông đã cho gọi Tống Hoằng đến, sau đó ngầm nói ý với Tống Hoằng rằng: “Xưa nay vốn có câu, địa vị cao rồi thì dễ dàng thay đổi bằng hữu, có tiền rồi thì dễ dàng đổi vợ, âu cũng là chuyện thường tình đúng chứ?”.
Tống Hoằng thông minh vừa nghe đã hiểu, nhưng ông không trực tiếp trả lời câu hỏi này của hoàng thượng, chỉ khéo léo thưa rằng: “Thần nghe nói rằng mối giao tình khi nghèo hèn không thể quên, người vợ tào khang không thể bỏ”.
Câu nói này ngầm nói với đức vua rằng, bản thân không nên vì sự giàu có, hay công danh lợi lộc mà ly hôn với người vợ hiện tại. Ông cũng không có ý định thay lòng đổi dạ đối với vợ của mình.
Khi ấy, chị của Quang Vũ Đế đứng sau tấm bình phong, nghe được lời của Tống Hoằng, thì cũng từ bỏ ý định.
Nhìn vào chuẩn mực đạo đức cao cả của người xưa, đối chiếu với nếp sống xã hội đầy ắp xa hoa ngày nay, mà thấy cảm khái trong tâm ngàn vạn lần.
Trong xã hội thực tại của ngày hôm nay, không khó để thấy nhiều người sau khi cuộc sống đã giàu sang phú quý rồi thì liền cắt đứt ngay mối quan hệ với những người bạn cùng chung khó khăn khổ nạn với mình trước đây.
Có người sau khi có quyền lực và địa vị trong xã hội lại bỏ mặc người vợ tào khang của mình lẻ bóng, cô đơn để đi lấy người con gái xinh đẹp khác.
Kể cả có những người giàu có, nhà đẹp, xe sang, có vợ đẹp con ngoan nhưng do xuất phát sự tự tư, không biết trân trọng và hài lòng với những gì mình đang có nên sẵn sàng phá vỡ hạnh phúc gia đình để đi tìm cho mình cảm giác mới.
Nhưng có bao nhiêu người đã từng nghĩ rằng, vào lúc bản thân đang khốn khó, những người bạn và cả người vợ ấy đã bầu bạn, chịu khổ cùng mình, giúp đỡ mình rất nhiều.
Nguồn: Dusheng
Huy Hiếu