Sát sinh vô cớ không phải là hành vi của người lương thiện
Người xưa khuyên rằng, hành thiện sẽ tích được phúc báo. Nhưng trong cuộc sống, có rất nhiều việc chúng ta vô ý làm sẽ không những không tích được phúc báo mà còn khiến phúc báo bị hao tổn mất. Trong đó sát sinh là hành vi đứng đầu trong những hành vi làm hao tổn phúc báo nhanh nhất.
Trong cuộc sống hàng ngày, để phục vụ cho sinh hoạt của mình, chúng ta cũng khó tránh khỏi những lần sát sát sinh, đối với một người bình thường thì sát sinh là việc khó “đoạn tuyệt” được, nhưng nếu không nhất định phải sát sinh thì chúng ta hãy hạn chế sát sinh.
Bởi vì trên thực tế sát sinh chính là cách làm hao tổn dần phúc báo của bản thân. Đến khi đã hưởng hết phúc báo từ đời trước thì chúng ta sẽ phải chịu nghiệp báo của sát sinh gây ra.
Có một câu chuyện kể lại rằng: Một người đàn ông sinh sống bằng nghề mổ lợn. Ông có bốn con trai và một con gái. Ba người con trai lớn theo nghề của cha kiếm tiền, cuộc sống gia đình rất khá giả.
Sau khi ông chết đi ba người con trai lớn vẫn tiếp tục nghề đó. Một ngày nọ, họ mua một con lợn về chuẩn bị mổ thịt, thì họ bị sửng sốt khi nghe con lợn nói “Làm ơn đừng làm thịt tôi, đừng làm thịt tôi.”
Họ hỏi: Ngươi vừa mới nói gì?. Con lợn nói: “Ta là cha của các con. Đừng làm hại ta. Ta được đầu thai thành lợn, bởi vì ta phạm phải tội rất lớn đó là giết rất nhiều lợn khi còn sống. Hôm nay ta được xếp đặt để gặp các con để truyền đạt một điều quan trọng: “Hãy từ bỏ nghề mổ lợn và tìm nghề khác mà làm.”
Con lợn chết sau khi nói xong. Mấy anh em buồn khóc thảm thiết và đem chôn con lợn này. Họ chia nhau tài sản của gia đình và mỗi người đi một đường.
Người con trai đầu trở thành đại lý bán gạo; người con trai thứ ba mở một cửa tiệm bán quần áo. Người con trai út vẫn còn rất bé. Người con gái thì theo chồng. Người con trai thứ hai vẫn tiếp tục làm nghề giết mổ lợn bất chấp lời cảnh cáo của cha mình.
Một hôm anh ta dùng hết gia tài của mình mua một bầy lợn. Khi anh lùa bầy lợn qua một bờ đê, một cơn gió mạnh đột ngột tới làm thành bão cát bao phủ cả vùng trời. Gió rất mạnh và tràn khắp vùng làm anh ta không cách nào mở mắt ra được.
Anh ta không còn chọn lựa nào khác đành phải ngồi xuống bờ đê và đợi hết gió. Cơn gió kéo dài 4 giờ đồng hồ. khi anh ta mở mắt ra, không thấy còn con lợn nào cả. Anh ta đã mất sạch hết tiền. Anh ta cảm thấy hối hận, và ngồi ở đó khóc và khóc đến khi đôi mắt bị mù.
Sát sinh là cướp đi mạng sống của con người hoặc loài vật. Người đời thường có câu “Vật dưỡng nhơn” với tư tưởng con vật sinh ra là để phục vụ nhu cầu ăn uống cho con người, dẫn đến họ xem việc sát sanh, cướp đi mạng sống của loài vật là chuyện bình thường. Nhưng đằng sau đó là những hậu quả khó lường.
Sát sinh không phải là một hành động bình thường của một con người lương thiện. Với đạo Phật luôn xem trọng sinh mạng của chúng sinh là bình đẳng kể cả người hay vật thì góc độ của sát sinh thật tàn nhẫn.
Mỗi chúng ta, những loài hữu tình có cảm xúc và cảm giác đều ham sống sợ chết, sợ đau sợ khổ thì với những loại vật cũng vậy, chúng cũng có cảm giác sợ hãi, đau đớn và sân hận khi bị cướp đoạt mạng sống.
Thế nhưng nhu cầu ăn uống, ham ăn ngon, ăn lạ đã che lắp trí tuệ, khiến chúng ta trở nên tàn nhẫn. Những người sát sinh vô duyên vô cơ chắc chắn sẽ đánh mất phúc báo của mình.
Chân Kiến biên tập