Đám cưới xa hoa của chàng trai giàu và đám cưới nhỏ của một cô gái nghèo
Tại một nhà hàng to nhất nhì thành phố, đám cưới xa hoa của chú rể tuấn tú diễn ra trong sự chứng kiến của ba bốn trăm con người. Khách khứa tới dự đám cưới xúng xính váy áo, đứng trò chuyện cùng nhau rất vui vẻ trong khuôn viên sân vườn đẹp đẽ của nhà hàng. Họ cũng có cơ hội chiêm ngưỡng bộ ảnh cưới giản dị nhưng cũng rất cổ điển và sang trọng của cô dâu chú rể. Ai cũng nghĩ, chà họ thật đẹp và xứng đôi.
Cùng ngày hôm ấy, tại một nhà văn hóa quận, đám cưới của cô dâu xinh đẹp nhưng có chút khiếm khuyết về ngoại hình cũng đang diễn ra. Khách mời của đám cưới đã bắt đầu đến. Họ đa phần là những người bình dân, nhưng vẫn thật đẹp, trang trọng trong những bộ trang phục lịch sự nhất của mình. Ai nấy cũng kiên nhẫn chờ đợi đôi bạn trẻ vụng về, đến giờ mời khách mà vẫn chưa kịp đến nơi. May mắn thay, khách mời đều chỉ là họ hàng, bạn bè thân của cô dâu.
Quay trở lại với đám cưới xa hoa, giờ tiến hành lễ cưới sắp diễn ra. Cánh cổng trắng dẫn vào phòng tiệc đã mở. Cô dâu, chú rể cùng bố mẹ hai bên đang bắt tay chào đón quan khách. Mọi người bất ngờ về chiếc váy lộng lẫy, xòe to và bắt sáng của cô dâu. Trong ngày trọng đại, cô giống như một nàng công chúa bước ra từ truyện cổ.
Bước vào lễ đường, quan khách ai nấy đều cảm thấy choáng ngợp bởi sự lộng lẫy của căn phòng, đèn chùm lấp lánh, sân khấu được bao phủ bởi một rừng hoa tươi đầy màu sắc, âm nhạc êm dịu. Khách khứa vừa ổn định chỗ ngồi, vừa háo hức chờ lễ cưới bắt đầu.
Ở đầu kia thành phố, quan khách nhà cô dâu nhỏ cũng bắt đầu tiến vào phòng tiệc. Khung cảnh bày ra trước mắt họ khá giản đơn, không nhiều hoa, không có nơ thắt ghế. Sân khấu cũng chỉ giản dị với bánh ga-tô và tháp rượu. Không có gì bắt mắt, nhưng không gian cao rộng, thoáng đãng của hội trường nhà văn hóa vẫn khiến mọi người cảm thấy thoải mái. Những cuộc trò chuyện bắt đầu rôm rả. Ai nấy cũng chờ đợi cái khoảnh khắc cô dâu nhỏ bước vào.
Lễ cưới bắt đầu…
Tại khách sạn xa hoa, phần lớn đèn trong sân khấu được tắt đi bất ngờ như để lôi kéo sự chú ý của mọi người. Khói xịt ra từ hai bên sân khấu và chú rể bước ra với chiếc mic trên tay. Anh tuấn tú, khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc. Và chú rể cất tiếng hát, một bài ca tình yêu. Bất ngờ nối tiếp nhau, mọi người nghe thấy thêm tiếng hát của cô dâu đáp lại, đầy tình cảm. Hóa ra, bố cô dâu đang dẫn tay con gái đưa về phía người mà cô đã chọn, người sau này sẽ che chở và nâng niu cô. Khi hai người gặp nhau ở giữa sân khấu, ánh đèn chùm lớn bật sáng lên để mọi người nhìn rõ hơn đôi trẻ.
Mặt đối mặt, họ trao nhau nụ hôn trước mọi người, nhạc và pháo bông nổ sáng lấp lánh. Hai người trao nhau ánh mắt chan chứa niềm vui. Lúc đó, dường như chỉ còn lại cô dâu, chú rể trong thế giới đầy ánh sáng lãng mạn và ngọt ngào của đôi lứa.
Quan khách trẻ tuổi nãy giờ chứng kiến đôi trẻ mở màn lễ cưới, người quay phim, người chụp ảnh, người trầm trồ thán phục.
Đám cưới của chú rể tuấn tú sau đó tiếp tục diễn ra như mọi đám cưới khác. Bố mẹ hai bên lên sân khấu, những lời chúc phúc, cảm ơn quan khách được nói ngắn gọn và cô dâu, chú rể tiếp tục cắt bánh, rót rượu.
Buổi tiệc cũng chính thức bắt đầu, những món ngon lạ miệng dần được bày ra. Ai nấy đều phấn khởi trò chuyện, dư âm lãng mạn của buổi lễ vẫn còn trong tâm trí.
Còn cô dâu nhỏ bé cũng đang hồi hộp chờ đến giây phút quan trọng trong cuộc đời. Cô đứng sau hai đấng sinh thành. Bố mẹ cô đã rất chắt chiu để tổ chức cho cô lễ cưới trang trọng này. Vì tục lệ mà bố mẹ chú rể không tới dự, họ đang chờ cô dâu ở nhà trai, cùng buổi tiệc lớn cũng đã sẵn sàng.
Đèn cũng được tắt bớt, âm nhạc nổi lên, bố mẹ đi trước, cô dâu chú rể hạnh phúc theo sau. Trong ánh mắt của bốn của nhân vật chính, họ hàng hai bên có thể thấy ánh lên niềm vui, sự hân hoan, và một cảm giác « một trách nhiệm lớn đã được hoàn thành ».
Trên sân khấu đôi trẻ được nghe những lời dặn dò của hai bên. Đại diện hai họ cũng trao nhau lời cảm ơn chân thành, giống câu hát « nhà anh có cô dâu hiền, nhà tôi có con rể quý ». Sau phần rót rượu lên tháp, cô dâu chú rể mời rượu bố mẹ, chú rể được kính bố vợ một ly như để tỏ lòng biết ơn. Nhờ bố mẹ con đã có một cô dâu hiền. Đôi trẻ sau đó trao nhau nhẫn cưới, và một nụ hôn nhẹ nhàng.
Buổi tiệc của cô dâu nhà nghèo tiếp tục như thế. Khách khứa đã đến đủ và mọi người bắt đầu trò chuyện. Đâu đó có những người xúc động đến rơi nước mắt khi thấy cô gái nhỏ cũng đã tìm được bến đỗ của mình và bố mẹ em đã làm trọn vẹn trách nhiệm mà bấy lâu nay họ lo lắng, trăn trở mong làm được thật chu toàn.
Hai đám cưới của hai con người với số phận giàu nghèo khác nhau, quy mô, độ sang trọng hiển nhiên không thể giống nhau. Đó cũng là quy luật trong trời đất, phú quý của mỗi người đều phụ thuộc vào đức nghiệp của họ. Câu chuyện thực tế này không nhằm mục đích chê người giàu, khen người nghèo. Điều đáng bàn luận đôi lời là phần lễ của hai đám cưới.
Với những ai am hiểu và trân quý văn hóa truyền thống đều biết rằng, một đám cưới không chỉ là câu chuyện của riêng đôi trẻ. Đám cưới trong văn hóa cổ truyền không chỉ là nghi thức thiêng liêng, để hai con người kính báo với Trời đất về mối nhân duyên của mình, mà còn là dịp để hai người bày tỏ lòng hiếu kính với hai bên cha mẹ, để cảm tạ cha mẹ hai bên đã sinh thành, nuôi nấng người chồng, người vợ của mình. Từ đó đặt định những mối quan hệ mới trong hai gia đình. Lễ nghĩa với cha mẹ hai bên cũng chính là từ cái bái lạy thứ hai này mà được hình thành. « Nhất bái Thiên Địa. Nhị bái cao đường. » chính là có ý nghĩa như thế.
Trong đời sống hiện đại, việc khấu đầu trước Trời đất, cha mẹ không còn phổ biến. Tuy nhiên, để một đám cưới thực sự có ý nghĩa linh thiêng, người Việt vẫn có lễ Gia Tiên để hai bên cô dâu, chú rể ra mắt tổ tiên hai họ. Còn phần « nhị bái cao đường » sẽ được đặt ở đâu trong lễ cưới. Phải chăng chính là giây phút đôi trẻ dâng rượu mời hai bên cha mẹ. Chén rượu cũng chính là để thay lời muốn nói : Con cảm ơn cha mẹ rất nhiều. Cảm ơn vì đã nuôi nấng chúng con, cảm ơn vì đã dành dụm, vất vả rất nhiều để chúng con có được đám cưới đẹp đẽ ngày hôm nay.
Vậy, phải chăng để lễ cưới thực sự trở thành một buổi lễ trang trọng và có ý nghĩa, các cô dâu chú rể trẻ tuổi cũng nên nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức phần Lễ trong đám cưới của mình. Những gì riêng tư hơn, thuộc về đôi lứa có thể bố trí khi đã kính lễ xong với mẹ cha.
Người xưa vốn rất coi trọng tôn ti, trật tự, đặc biệt trong các sự kiện lớn nhất của đời người. Bởi những sự kiện đó sẽ lưu dấu suốt cuộc đời của bạn. Bạn sẽ nhớ như in những gì diễn ra khi ấy. Vậy một đám cưới đọng lại nhiều nhất là tình yêu lãng mạn có đủ để bạn vượt qua giông bão sau này, nhẫn chịu mọi thứ để cùng nắm tay người bạn đời đi đến cuối con đường ?
Hay chính lời hứa trước Chúa như trong nghi thức hôn phối của phương Tây, hoặc như những cảm xúc thiêng liêng của lòng tôn kính Thần linh, tiên tổ, của sự biết ơn đấng sinh thành và sự tương kính người bạn đời trong nghi thức cưới hỏi truyền thống mới có thể tiếp thêm cho bạn nghị lực trong những giây phút khó khăn nhất của cuộc đời ?
Huệ Bình