Hai vợ chồng trẻ dành trọn tâm huyết để phục chế sách Hán Nôm cổ
“Bác sĩ ” Bùi Tiến Phúc và vợ anh cô Trần Bội Tuyền là hai con người đầu tiên mang nghề “tu bổ và phục hồi” các tư liệu Hán Nôm cổ về Việt Nam.
Nếu bạn đã không ít lần trầm trồ trước khả năng phục chế ảnh của các phần mềm máy tính, bạn sẽ càng khâm phục hơn kỹ thuật phục chế tài liệu hoàn toàn thủ công mà Bùi Tiến Phúc đang theo đuổi.
Trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” của kênh HTV9, Bùi Tiến Phúc cho biết anh bén duyên với nghề tu bổ sách cổ này bắt đầu từ việc lựa chọn chuyên ngành đại học. Anh đã lựa chọn ngành văn học để theo đuổi ước mơ một ngày kia đứng trên bục giảng.
Cánh cửa giảng đường lại mở ra cho Phúc tới với chân trời mới, đó là môn học Hán Nôm. Đây là thời điểm anh được tiếp xúc với chữ viết cổ xưa của dân tộc. “Khi học chữ Hán với chữ Nôm, mình cảm thấy rằng tiếng Việt của mình càng ngày càng tốt hơn và mình hiểu hơn tiếng Việt. Đó là lý do mình chọn chuyên ngành Hán Nôm”.
Trong quá trình học, với những chuyến đi thực tập, nghiên cứu và quá trình tham gia dự án “Sưu tầm các tài liệu Hán Nôm” của đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, anh Bùi Tiến Phúc dành càng nhiều tình yêu cho những di sản Hán Nôm này. Tuy nhiên, càng đi nhiều anh Phúc càng trăn trở với tình trạng của các tư liệu cổ ở Việt Nam. Rất nhiều tài liệu đã rơi vào tình trạng mục nát, ẩm mốc. Nếu để tình trạng này kéo dài, rất nhiều tài liệu sẽ bị phá hủy.
“Lúc đó, em có suy nghĩ trong đầu là, mình phải nghiên cứu cái cách nào đó để kéo dài tuổi thọ những trang tư liệu đó”, anh Phúc chia sẻ tâm nguyện của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam lúc đó chưa hề có một cơ sở nào thực hiện chuyên nghiệp công việc tu bổ sách và tài liệu cổ. Anh Phúc khi đó đã nghĩ tới việc ra nước ngoài để tìm hiểu và học nghề.
Dường như anh Phúc sinh ra để dành cho nghề nghiệp này. Trong quá trình học tập tại khoa Hán Nôm, anh đã được học tiếng Trung hiện đại với hai cô giáo người Đài Loan. Hai cô giáo đã gợi ý cho anh Phúc sang Đài Loan học về ngành Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Thêm vào đó, hai cô giáo đã hỗ trợ rất nhiều cho anh Phúc trong việc có thể xin học bổng để sang Đài Loan du học. Cùng với đó, tiếng Trung hiện đại cũng chính là hành trang cần thiết nhất để anh có thể ra nước ngoài tầm sư học đạo.
Bùi Tiến Phúc tiếp tục hành trình của mình tại đại học Phật Quang, chuyên ngành Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Ở đây, anh Phúc được tiếp xúc với rất nhiều bộ môn nền tảng cho công việc “phục hồi và tu bổ” tài liệu giấy của mình với những môn học như “khảo cổ học”, “bảo tàng học”. Tuy nhiên, hành trình học được nghề “phục hồi và tu bổ sách” của anh Phúc chính thức bắt đầu khi anh tìm đến những “bệnh viện sách” của Đài Loan.
Anh cho biết ở đất nước nhỏ này, có vô cùng nhiều các phòng làm việc chuyên nghiệp để phục hồi các tư liệu giấy cổ từ tranh vẽ đến trang sách, được coi là những bệnh viện dành cho sách. Tại một phòng làm việc đó, anh Phúc đã tìm được người thầy dạy nghề cho mình.
Khi anh Phúc đặt vấn đề học nghề, thầy không vội đồng ý ngay, mà còn xem xét xem anh có đủ phẩm chất để học nghề hay không. Bởi phục chế sách cổ đòi hỏi ở người chuyên viên một sự tỉ mỉ và cần cù rất cao. Không có hai đức tính này, người học sẽ khó có thể học thành nghề và thực hành nghề trong tương lai.
Bùi Tiến Phúc có cả hai đức tính ấy. Anh giải thích rằng anh có một tình yêu lớn đối với công việc. Anh có thể làm nó từ sáng tới tối mà không hề nhàm chán.
Số phận thêm một lần nữa dành ưu ái rất lớn cho Phúc, khi để anh bén duyên với người vợ hiện tại của mình, chị Trần Bội Tuyền, một cô gái Đài Loan có chung niềm đam mê với anh. Chị Tuyền là du học sinh tại Mỹ về chuyên ngành nghệ thuật. Nhưng khi về tới Đài Loan, chị cũng dành tình yêu và tâm huyết của mình cho các tài liệu cổ. Đó là lý do tại sao, chị đã đồng ý theo chồng về Việt Nam, chung vai với anh trong hành trình gìn giữ quá khứ này.
Trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”, anh Phúc đã bảy tỏ lòng cảm ân sâu sắc với chị Tuyền và gia đình chị. Bố mẹ vợ đã đồng ý để hai anh chị về Việt Nam để thực hiện ước mơ mở Hán Nôm Đường của mình. Hiện tại, phòng làm việc của hai vợ chồng anh đã chính thức đi vào hoạt động.
Tại Hán Nôm đường, hai người đã dành rất nhiều tâm huyết cho các trang sách cổ. Chị Tuyền chia sẻ với HTV9 rằng, anh chị đã bỏ một lượng vốn khá lớn vào để nhập các nguyên liệu cần thiết cho việc tu bổ sách, vậy nên dù lượng công việc đến với hai người rất nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, chị Tuyền cũng rất lạc quan về tương lai của nghề tu bổ sách ở Việt Nam. Bởi nghề này ở Đài Loan đã vô cùng phát triển và hoàn thiện với các trường dạy nghề cũng như các hội thảo nơi các nhà sưu tầm sách cổ có thể trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Còn ở Việt Nam, hai người có lẽ là những người đầu tiên theo đuổi con đường này.
Tục ngữ Việt Nam có câu “thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Câu tục ngữ này có lẽ rất phù hợp với hai vợ chồng anh Phúc chị Tuyền. Anh Phúc chia sẻ, khi gặp được chị Tuyền, anh biết mình sẽ không cô đơn trên con đường bảo vệ các trang sách cổ. Trong thực tế, chị chính là trợ thủ đắc lực nhất của anh trong công việc. Không có bàn tay cẩn thận, tỉ mỉ của chị, anh Phúc không thể làm hết những công việc đang tới với Hán Nôm Đường.
Trên trang Facebook của bệnh viện sách “Hán Nôm Đường”, anh Phúc thường cập nhật, chia sẻ với mọi người về công việc của mình. Những ai có nhu cầu phục hồi thư tịch cổ đều có thể yên tâm trao những cuốn sách quý cho anh. Ở Hán Nôm Đường, anh Phúc đã đầu tư công sức cho từng chi tiết nhỏ.
Ví dụ như việc sử dụng keo để bồi giấy mới, giúp nâng đỡ các trang sách cổ. Anh cho biết, Hán Nôm Đường sử dụng chất keo nấu bằng tay từ tiểu mạch, chứ không dùng keo dính công nghiệp. Chất keo thủ công khiến tuổi thọ trang sách được kéo dài hơn và an toàn hơn cho sách khi bóc tách.
Khi chiêm ngưỡng quá trình phục hồi và tu bổ các tài liệu giấy của vợ chồng Đài – Việt này, có lẽ bạn sẽ cảm nhận được phần nào đó tình yêu của họ dành cho những thư tịch Hán Nôm cổ của dân tộc.
Tâm Như biên tập