Mùa xuân giữ ấm mùa thu để lạnh, thì tránh được tạp bệnh
Người xưa có câu: “Xuân ủ Thu đông, bất sinh tạp bệnh” (Mùa xuân giữ ấm mùa thu để lạnh, thì tránh được tạp bệnh). Nghĩa là, mùa xuân đừng vội cởi bỏ áo ấm, mùa thu cũng đừng hễ thấy lạnh thì mặc nhiều áo, thích ứng với việc ủ ấm hoặc để lạnh một chút, sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh.
Đạo lý qua thành ngữ “Xuân ủ thu đông”.
“Xuân ủ Thu đông” là thể hiện của quan niệm dưỡng sinh thiên nhân hợp nhất trong y học cổ đại Trung Hoa. Trong “Hoàng đế nội kinh” viết rằng: “Con người sinh ra từ khí của trời đất, do quy luật bốn mùa mà thành”. “Vì lẽ âm dương bốn mùa nên vạn vật có khởi đầu và có kết thúc; đó cũng là cội nguồn của sinh tử; làm ngược lại quy luật đó thì sinh ra tai họa, tuân thủ quy luật đó thì phiền phức và bệnh tật không sinh ra, thế là hợp với Đạo”. Có nghĩa là con người sinh ra trong trời đất, cần phải dựa vào khí của tự nhiên để sinh trưởng, cần phải thuận theo quy luật âm dương biến đổi bốn mùa thì mới có thể sinh trưởng và phát triển. Muốn duy trì cơ thể khỏe mạnh, con người phải tuân theo quy luật biến đổi của âm dương.
Cụ thể nên thích ứng thế nào? Một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Vào mùa xuân, dương khí bắt đầu phát triển. Sang mùa hè, dương khí phát triển đến cực điểm, vạn vật phồn thịnh. Mùa thu, dương khí bắt đầu giảm xuống, thời tiết trở nên mát mẻ hơn. Mùa đông, dương khí ẩn trong lòng đất, trên mặt đất lạnh làm nước đóng băng. “Hoàng đế nội kinh” viết: Cho nên thánh nhân vào mùa xuân – hạ dưỡng dương, mùa thu – đông dưỡng âm, để thuận theo cội nguồn. Dưỡng dương có nghĩa là dưỡng cho dương khí sinh trưởng, phát triển; dưỡng âm là dưỡng cho dương khí tàng ẩn đi.
Mùa xuân là lúc dương khí bắt đầu phát triển, Theo tính chất vật lý thì một vật thể lúc chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động là lúc có lực cản lớn nhất, vì vậy khi dương khí bắt đầu phát triển thì cũng là thời điểm khó khăn nhất. Như vậy, lúc này phải tìm cách giữ gìn và củng cố dương khí. Ví dụ, có thể mặc nhiều áo hơn một chút, ăn ít đồ ăn có tính lạnh để giúp tăng trưởng dương khí.
Vào mùa hè, dương khí phát triển đến mức cực đại, các hoạt động của con người cũng phải thích hợp với điều này. Cơ thể con người có thể vận động nhiều hơn, có thể tiết ra nhiều mồ hôi để đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể con người. Lúc này dương khí xuất hiện trên bề mặt cơ thể, dễ bị xuất hiện nội hàn (lạnh ở bên trong), vì vậy không nên ăn quá nhiều đồ ăn có tính lạnh, cũng không nên ở mãi trong phòng điều hòa.
Vào mùa thu, thời tiết chuyển sang mát mẻ hơn, mùa thu không khí thường trong lành, dương khí bắt đầu giảm xuống. Và giống như mùa xuân, mùa thu cũng là thời kỳ then chốt của chuyển đổi âm dương. Giống như một cái xe đang chạy cần chậm lại thì phải có hệ thống phanh. Để giúp dương khí giảm, có thể mặc ít quần áo hoặc ăn củ mài để dưỡng âm, giảm hỏa.
Mùa đông dương khí ẩn, vạn vật đìu hiu, nhiều động vật ngủ đông. Mọi người cũng nên chú ý không để dương khí lộ ra ngoài, mùa đông không nên bơi lội, ăn mặc phải ấm áp. Không nên ăn quá cay và chua để tránh hại âm. Không vận động quá mạnh, không đi xông hơi, ra nhiều mồ hôi sẽ làm dương khí tiết ra ngoài. Có một câu ngạn ngữ dân gian: “Mùa đông lúa mạch phủ ba lớp chăn thì năm tới gối bánh bao mà ngủ”. Điều này có nghĩa là năm nay có nhiều tuyết rơi, dương khí sẽ ẩn tàng tốt, thì năm tới sẽ có một vụ mùa bội thu. Cơ thể con người cũng vậy, nếu mùa đông dương khí ẩn tàng tốt thì sẽ có sức để phát triển trong năm tới.
Trước đây khi làm một công ty ở Hà Nội cứ mùa đông thì có mấy người ở trong công ty cùng bạn bè của họ đi Đà Nẵng, đi Phú Quốc hoăc Sài Gòn nghỉ vài tháng cho hết đông rồi mới quay về. Tuy nhiên phần lớn những người đó trên thân đều mang bệnh. Bởi vì đã sống lâu đời ở miền bắc nên họ quen với thổ nhưỡng bốn mùa thay đổi là xuân sinh hạ trưởng, thu liễm đông tàng. Họ đi về phía nam nghỉ đông, cũng bằng như việc họ không có dương khí ẩn tàng, lâu ngày tất sẽ sinh bệnh.
Mối quan hệ giữa bệnh tật và bốn mùa.
“Hoàng đế Nội kinh” cho rằng bách bệnh đều bắt nguồn từ ẩm thấp, nóng lạnh, mưa gió, âm dương, hỷ nộ, ăn uống, cư xử. Khi bị bệnh, đa phần là “đán huệ nhật an”, tức là vào sáng sớm và ban ngày sẽ cảm thấy khá hơn một chút, đến xế chiều sẽ bắt đầu nặng hơn lên, và khi đêm đến thì càng trầm trọng hơn.
Tại sao lại như vậy? Người xưa tin rằng thiên nhân hợp nhất tức là con người và thiên thượng là một, con người và khí hậu có mối quan hệ với nhau, xuân hạ thu đông, khí hậu khác nhau có thể khiến tình trạng bệnh của con người có phần thay đổi, cho nên mới nói xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng. Khí của con người cũng thể hiện trạng thái xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng này. Trong một ngày từ sáng đến tối, cũng phân chia rõ như bốn mùa. Một ngày được chia thành bốn giai đoạn, buổi sáng là mùa xuân; ban ngày là mùa hè; khi mặt trời hạ xuống là mùa thu; nửa đêm được coi là mùa đông.
Lúc sáng sớm, khí của con người thăng lên, khí bệnh dần dần bị đẩy lùi về sau, gọi là “đán huệ” (khoan khoái vào buổi sáng sớm); ban ngày, đến lúc chính ngọ (12 giờ trưa), khí của con người bắt đầu tăng trưởng lên cao nhất, khí bệnh càng lui dần, dương khí của con người khởi lên thì có thể thắng được tà khí, nên lúc này sẽ được an ổn, gọi là “nhật an”; đến chiều tối, mặt trời bắt đầu lặn xuống, khí của con người bắt đầu giảm sút, bệnh tật lại bắt đầu tăng lên.
Nửa đêm dương khí của con người nhập tạng, tức là ẩn tàng dấu vào trong, sau khi nhập vào tạng phủ thì âm khí hoàn toàn chiếm giữ thân thể chúng ta, mà âm khí không bài xích tà khí, nên tà khí lúc này sẽ phát triển trên thân, cũng chính vì vậy mà lúc này bệnh tình trở nên nghiêm trọng. Có nghĩa là bệnh tật có liên quan mật thiết đến bốn mùa trong năm và bốn giai đoạn trong ngày.
Thông qua đạo lý trong “xuân ủ thu đông” và “thuật dưỡng sinh theo bốn mùa” của quan điểm dưỡng sinh thiên nhân hợp nhất của Trung Y cổ đại này, chúng tôi mong các bạn có thể dưỡng sinh theo bốn mùa để có được sức khỏe dồi dào.