Nguyên nhân khiến con người bị cận thị
Khi đang đi học hoặc làm việc có nhiều người cảm thấy thị lực ngày càng bị yếu dần đi và không ít người phải đeo kính. Có người thắc mắc muốn tìm nguyên nhân vì sao mắt đang nhìn tốt thì bị cận thị, thì câu trả lời thường nhận được: Đó là do gien, do đọc sách, do sử dụng máy tính hoặc điện thoại cảm ứng quá nhiều. Nhưng thực sự có phải do những nguyên nhân đó hay không?
Do gien
Nếu như cận thị là do gien, thì lẽ nào từ thời tổ tiên con người cho đến ông cha đều có gien cận thị? Nhưng thực tế cho thấy lý do đó không thuyết phục, các cụ sống đến 90 – 100 tuổi mắt vẫn nhìn rõ, nhưng đến đời con cháu phải đeo những cái kính dày cộp. Đến thời hiện đại, cận thị lại như một bệnh dịch, khoảng 30 đến 40% người Châu Âu và Mỹ phải cần đến kính, và con số trên lên tới 90% ở một số nước Châu Á. Nếu cận thị là do gien di truyền thì nó phải truyền từ đời này qua đời khác mấy trăm năm rồi. Nhưng thực tế chỉ đến thời hiện đại mới xuất hiện.
Do học tập và đọc viết nhiều
“Cận thị là một bệnh của thời đại công nghiệp”, Ian Flitcroft ở Bệnh viện Trường Đại Học Nhi ở Dublin cho rằng: Gien của chúng ta có thể vẫn đóng một vai trò quyết định ai sẽ bị cận thị, nhưng nó chỉ thông qua sự thay đổi về môi trường mà bệnh bắt đầu xuất hiện. Một phần của sự thay đổi đó là việc học tập và đọc viết, đó là một trong những giải thích chung nhất cho bệnh cận thị.
Thoạt đầu thì bằng chứng có vẻ hiển nhiên: Chỉ cần nhìn thấy vô vàn mắt kính lấp lánh tại bất cứ trường đại học nào, buổi thuyết trình nào, nhà hát nào hoặc hội nghị hàn lâm nào, thì hình như đã tìm thấy bằng chứng của mối liên kết. Ấy vậy mà các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tác động của việc học tập và đọc viết lên mắt lại nhỏ hơn ta tưởng nhiều. “Chúng ta càng nghiên cứu nó và càng đo đếm số người đọc sách thì sự liên kết lại càng biến mất”, Flitcroft nói.
Một nghiên cứu quy mô lớn theo dõi sự tiến triển của trẻ em ở Ohio nước Mỹ cho thấy không có sự tương quan nào hết với việc đọc sách. Vì vậy lý do vì học tập và đọc viết nhiều gây cận thị là không khoa học.
Do thời gian ở trong nhà quá nhiều
Rất nhiều người lập luận rằng chính là thời gian ở trong nhà mới là yếu tố quyết định gây cận thị. Sau nhiều nghiên cứu, từ Châu Âu, Châu Úc và Châu Á, mọi người đều thấy rằng những người có nhiều thời gian sống ngoài trời thì ít bị cận thị hơn rất nhiều so với những người có cuộc sống chủ yếu trong bốn bức tường.
Tại sao lại có thể như vậy? Sự giải thích được nhiều người chấp nhận nhất là ánh sáng mặt trời bằng cách nào đó đã nuôi dưỡng mắt. Ví dụ như ông Scott Read ở Đại học Kỹ thuật Queensland từng trang bị cho một nhóm các học sinh một đồng hồ đặc biệt, nó ghi chép di chuyển toàn diện của học sinh và cường độ ánh sáng, cứ 30 giây một lần, trong vòng hai tuần. Những học sinh có thị lực tốt hóa ra lại là những học sinh không hoạt động tích cực hơn các học sinh đeo kính, như vậy loại bỏ khả năng cho rằng sự rèn luyện thể dục chân tay có sức khỏe tốt sẽ bảo vệ mắt.
Thay vì thế, việc phải đeo kính hay không có vẻ như chỉ phụ thuộc vào thời gian sinh hoạt ngoài trời. Ánh sáng mặt trời khi nắng có thể có cường độ lớn hơn hàng nghìn lần so với ánh sáng trong nhà (mặc dù mắt bạn không nhận thấy sự khác biệt đó), và trẻ em nào được hưởng càng nhiều ánh sáng mặt trời thì chúng càng ít cần dùng kính. Có thể là vì ánh sáng mặt trời kích thích việc sản sinh ra Vitamin D, là thứ vitamin giúp bảo vệ hệ miễn dịch và não bộ, và có thể cũng điều hòa sự lành mạnh cho mắt.
Do sự phát triển to lên của cầu mắt
Một ý kiến được nhiều người chấp nhận hơn là ánh sáng mặt trời kích hoạt việc tiết ra chất dopamine trực tiếp vào mắt. Bệnh cận thị là do sự phát triển to hơn lên của cầu mắt, nó làm cho thủy tinh thể khó hội tụ hơn một hình ảnh vào võng mạc, nhưng chất dopamine hình như kìm hãm quá trình to lên này và làm cầu mắt có kích thước lành mạnh hơn.
Nhà nghiên cứu về mắt Flitcroft cho rằng vấn đề là ở sự sắp xếp các vật thể trước tầm nhìn của bạn. Flitcroft chỉ rõ rằng đã có những thử nghiệm với kết quả khích lệ về kính áp tròng mà nó có thể làm giảm độ mờ ở vùng ngoại vi vùng hội tụ. Ông cũng lạc quan về một loại thuốc nhỏ mắt có tác dụng tích cực, thuốc atropine. Thuốc này từ lâu nay đã được biết là giúp làm chậm dấu hiệu kích thích sự phát triển cầu mắt và bệnh cận thị. Nhưng tác dụng phụ không tốt của nó như làm giãn đồng tử và tạo ra vầng hào quang xung quanh nguồn ánh sáng, do vậy có thời gian nó đã không được sử dụng nữa.
Nhưng với sự phát hiện ngẫu nhiên gần đây, người ta thấy rằng thuốc vẫn có tác dụng tương tự nếu ta chỉ dùng với 1/100 liều lượng ban đầu. Với liều lượng ít này, các tác dụng phụ sẽ giảm xuống nhiều, khiến cho loại thuốc nhỏ mắt này nay lại được quan tâm sử dụng. Tuy nhiên, ông Flitcroft nhấn mạnh là chúng ta nên thận trọng, không vội vàng có hành động ngay.
Do màu sắc của ánh sáng
Bước sóng của ánh sáng mầu xanh lục và xanh lam có khuynh hướng hội tụ về phía trước võng mạc, còn ánh sáng đỏ chiếu vào phía sau. Do ánh sáng trong nhà có khuynh hướng đỏ hơn tia nắng mặt trời nên sự không khớp nói trên có thể gây nhầm lẫn cho các cơ chế điều khiển cầu mắt. “Nó làm cho mắt tưởng rằng đã không hội tụ đúng chỗ và do vậy mắt phải to lên để bù trừ vào cái sai đó”, ông Chi Lưu ở Đại học Melbourne nói.
Ông đã quan sát thấy rằng các con gà thức giấc vào lúc ánh sáng đỏ thì dễ bị cận thị hơn các con gà sống trong vùng phụ cận có mầu xanh lục và xanh lam. Ông Lưu đang hy vọng xây dựng thử nghiệm dùng ánh sáng xanh cho trẻ em cận thị. Ông không chỉ hy vọng nó làm chậm sự suy giảm thị lực; thực tế nó có thể đảo ngược quá trình. Khi nghiên cứu đối với gà, ông ta phát hiện rằng một vài giờ ánh sáng xanh đã chữa khỏi những hư hại do ánh sáng đỏ gây ra và hồi phục lại thị giác bình thường cho gà.
Tóm lại
Từ những phân tích khoa học có thể thấy rằng nguyên nhân thật sự của cận thị không phải do gien, do đọc sách nhiều, hay dùng máy tính, điện thoại, hoặc ở trong nhà quá nhiều. Ánh sáng mới là gốc của vấn đề. Con mắt cần một lượng ánh sáng mặt trời vừa đủ để sản sinh vitamin D và các chất khác giúp bảo vệ và nuôi dưỡng mắt. Còn khi ở trong nhà quá nhiều thì bị thiếu ánh sáng dẫn đến sự thiếu hụt các chất nuôi dưỡng mắt.
Ánh sáng của ti vi, máy tính hay điện thoại có cường độ và bước sóng khác rất nhiều so với ánh sáng mặt trời. Ánh sáng đó không giúp mắt sản sinh ra vitamin D hoặc các chất bảo vệ mắt, ngược lại còn làm cho nhãn cầu mắt phải liên tục tăng lên hạ xuống để phù hợp với ánh sáng màu sắc liên tục thay đổi trên màn hình. Mắt bị hoạt động quá tải, lại không đủ nguồn bảo vệ và nuôi dưỡng nên sinh ra các bệnh về mắt như cận thị.
Còn nói về đọc sách, chỉ cần sắm cho trẻ một chiếc đèn bàn chống cận thì có lẽ không phải lo lắng rằng con do học nhiều quá nên bị cận. Sau khi học xong, mắt cũng cần nghỉ nghơi thì lại mở điện thoại, máy tính lên xem, làm mắt quá tải mới là nguyên nhân gây ra vấn đề.
Những người làm máy tính quá lâu thường có xu hướng đi uống cà phê, đi hóng mát một lúc, hoặc ngồi thiền rồi quay lại làm việc thì thấy hiệu quả tốt hơn. Chính là vì có một quãng nghỉ cho thân thể trong đó mắt là bộ phận hoạt động nhiều nhất, đặc biệt là khi ngồi thiền tĩnh tâm mắt được nhắm lại, các chức năng của mắt sẽ hồi phục lại rất nhanh, đồng thời cũng làm tinh thần thư thái vì thế khi quay trở lại làm việc lại thấy hiệu quả hơn.
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nó cũng như cơ thể con người hoạt động liên tục cũng cần được nghỉ ngơi. Vì vậy, để duy trì một đôi mắt sáng nhìn xa được rõ ràng, thì ánh áng mặt trời và sự nghỉ ngơi là một điều cần thiết.
Biên tập Thông Lộ
Tham khảo Tindachieu.com