Hôi miệng – nguyên nhân và cách khắc phục
Hầu như ai cũng gặp phải tình trạng hôi miệng ít nhất một lần. Nhưng đối với một số người, hôi miệng là một vấn đề hàng ngày và họ phải cố gắng rất nhiều để tìm ra giải pháp.
Khoảng 30% dân số phàn nàn về một số loại hơi thở có mùi. Chứng hôi miệng thường gặp sau một bữa ăn nhiều hành tỏi hoặc vào buổi sáng sau khi thức dậy. Các nguyên nhân khác của chứng hôi miệng tạm thời còn do một số loại đồ uống (bao gồm đồ uống có cồn hoặc cà phê) và hút thuốc lá.
Một số người có thể không nhận thức được chứng hôi miệng của bản thân mà chỉ có thể biết rằng mình bị mắc phải chứng này từ người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp, tất nhiên điều ấy gây ra những sự khó chịu và buồn phiền nhất định. Trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng hôi miệng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân và chất lượng cuộc sống của người ấy.
Vậy thì nguyên nhân gây hôi miệng là gì và bạn có thể làm gì với nó?
Hôi miệng có thể bắt nguồn từ cả bên trong và bên ngoài khoang miệng. Hôi miệng thường do vi khuẩn có trên răng và các mảnh vụn trên lưỡi gây ra. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi hầu hết các trường hợp hôi miệng là do vệ sinh răng miệng kém, các bệnh về nướu ví dụ như viêm nướu, viêm nha chu và khô miệng, tình trạng mà các tuyến nước bọt không thể tạo đủ nước bọt để giữ cho miệng của bạn ẩm ướt. Việc khám với nha sĩ có thể giúp loại trừ bệnh nha chu và xác định bất kỳ vấn đề miệng nào có thể là nguyên nhân gây hôi miệng.
Viêm amidan, nhiễm trùng đường hô hấp như viêm xoang hoặc viêm phế quản, và một số bệnh đường tiêu hóa có thể là nguyên nhân dẫn đến một số ít trường hợp hôi miệng. Bệnh gan hoặc thận tiến triển và bệnh tiểu đường không được kiểm soát cũng có thể dẫn đến hơi thở khó chịu. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác ngoài một hơi thở có mùi, vì thế họ nên đi khám.
Đôi khi mọi người nghĩ rằng họ bị hôi miệng, ngay cả khi hơi thở của họ về mặt khách quan thì không có mùi gì cả. Đây được gọi là “chứng hôi miệng giả”. “Halitophobia“ hay còn gọi là chứng sợ hơi thở có mùi là một chứng sợ hãi có thật và có thể kéo dài bất chấp sự trấn an của các y bác sĩ. Nếu những người gặp phải chứng hôi miệng giả chịu nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, họ có thể được nhiều lợi ích hơn khi nói chuyện với bác sĩ trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Một người khi gặp phải chứng hôi miệng đầu tiên có thể được đánh giá bởi bác sĩ chăm sóc chính của họ. Bác sĩ sẽ bắt đầu với tiền sử y tế và răng miệng, sau đó tiến hành khám xét răng và miệng của họ.
Các xét nghiệm có thể được thực hiện để xác nhận chính xác chứng hôi miệng bằng cách đo độ mạnh của hơi thở có mùi trên thang điểm được đưa ra từ trước và bằng cách sử dụng các dụng cụ để phát hiện các hợp chất cụ thể liên quan đến chứng hôi miệng.
Cường độ của sự hôi miệng thường được bác sĩ đánh giá bằng cách ngửi khi mà người đó thở ra bằng mũi hoặc miệng, hoặc đánh giá mùi của chiếc cạo lưỡi, cũng như độ dài của chỉ nha khoa hoặc thiết bị nha khoa như dụng cụ bảo vệ răng vào ban đêm.
Bác sĩ chăm sóc chính của bạn có thể giới thiệu bạn đến một nha sĩ sau khi có đầy đủ bằng chứng về các vấn đề của răng hoặc nướu, những nguyên nhân khiến phần lớn chúng ta bị hôi miệng. Việc thăm khám với các chuyên gia y tế khác cũng sẽ được đảm bảo khi một vấn đề y tế tiềm ẩn cần được chú ý.
Mẹo cải thiện hơi thở có mùi
Dưới đây là một số mẹo hữu ích để cải thiện hơi thở có mùi:
o Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, sau bữa ăn, và với kem đánh răng có chứa fluor.
o Tránh hút thuốc và nhai các sản phẩm làm từ thuốc lá.
o Súc miệng bằng nước súc miệng không chứa cồn trước khi đi ngủ.
o Nếu bạn bị khô miệng, hãy đảm bảo uống đủ nước trong ngày và sử dụng các chất làm ẩm không kê đơn, chẳng hạn như thuốc xịt trị khô miệng, nước súc miệng hoặc gel làm ẩm miệng khô. Nếu bạn không thấy bất kỳ sự cải thiện nào, bạn có thể nên cân nhắc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ y học răng miệng cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho các bệnh về niêm mạc, rối loạn tuyến nước bọt, tình trạng đau vùng miệng và các biến chứng răng miệng gặp phải do các liệu phápđiều trị ung thư, v.v.
o Hãy khám nha sĩ thường xuyên. Hãy nhớ rằng, nguyên nhân ở miệng là nguyên nhân chính gây ra hầu hết các trường hợp hơi thở có mùi!
Nguồn: Havard Health Blog.
Phương Uyên biên tập