Sống trên đời cần khiêm tốn, nếu không dễ mất đi phúc phận, chuốc họa vào thân
Trong cuộc sống ai cũng có thế mạnh ở một vài lĩnh vực và có thể có những thành tựu nhất định. Lúc đó chúng ta thường cảm thấy tự hào về bản thân mình và đôi khi muốn khoe một chút. Tuy nhiên, sống trên đời cần tu dưỡng đức khiêm tốn, tránh khoe khoang, nếu không dễ mất đi phúc phận, chuốc họa vào thân.
Khiêm tốn để tránh bị người khác đố kỵ
Con người ngày nay hầu như ai cũng có tâm đố kỵ, có những người tâm đố kỵ rất lớn, sẵn sàng tìm cách hạ bệ những người khác hơn mình. Người có tính khoe khoang luôn muốn thể hiện mình giỏi hơn người khác vô tình trở thành đối tượng để mọi người đố kỵ, trong công việc hay cuộc sống thường xuyên bị gây khó dễ.
Có một số người vì không hiểu tâm lý này, trong cuộc sống thì hay khoe khoang, trong công việc thì thường mong gây sự chú ý của mọi người để được thừa nhận năng lực của mình. Tuy nhiên đây chính là hành động hạ thấp giá trị của bản thân. Sau khi những người nơi làm việc có hình dung về người đó, chỉ cần trong công việc thể hiện hơi kém hoặc sai sót một chút sẽ bị người khác coi thường, bài xích.
Vì thế cần khiêm tốn để tránh người khác đố kỵ mình, tránh cho cuộc sống của mình mệt mỏi, bất an, cản trở con đường phát triển của bản thân.
Khiêm tốn để thêm bạn bè, dễ đạt được thành công trong cuộc sống
Người xưa thường nói: “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, bên ngoài bầu trời có bầu trời khác, người tài có người tài hơn, dù ta có giỏi đến mấy thì trong cũng sẽ có người giỏi hơn mình. Vậy nên trong thiên hạ luôn luôn có điều để chúng ta học hỏi. Kẻ kiêu căng, ngạo mạn, cho rằng không ai bằng mình chẳng qua chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”, vĩnh viễn không bao giờ thấy được bầu trời xanh ở trên.
Người khiêm tốn không tự kiêu, luôn ý thức được về bản thân mình, luôn biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến người khác, qua đó mà hoàn thiện bản thân, nâng cao kiến thức.
Trương Trọng Cảnh, một y học gia nổi tiếng vào cuối đời Đông Hán, là trường hợp tiêu biểu của đức tính khiêm tốn, không ngừng học hỏi.
Ngay từ khi còn trẻ, Trương Trọng Cảnh đã rất nổi tiếng là một thầy thuốc tài năng, nhưng ông vẫn miệt mài tìm kiếm tri thức mới, gặp gỡ những danh y nổi tiếng ở mọi nơi để tìm hiểu thêm kiến thức y học.
Cùng thời với ông, có một thầy thuốc là Vương Bất Tử, cũng là một danh y rất tài năng và nổi tiếng. Dương Trọng Cảnh liền mang hành lý đến nhà Vương Bất Tử và nói với người tổng quản: ”Tôi đến từ Hồ Nam. Tôi không có cách gì kiếm sống, hãy làm ơn nhận tôi làm học trò”.
Vương Bất Tử nghe được và đi ra. Ông thấy chàng trai thông minh và sạch sẽ, bèn nói ”Được rồi, ta cần người phụ một tay, từ nay anh sẽ là đệ tử sắc thuốc”.
Trong vòng một năm, Dương Trọng Cảnh đã học được rất nhiều kiến thức từ Vương Bất Tử, tài đoán và chữa bệnh của ông thậm chí còn cao hơn cả thầy của mình. Có những ca bệnh hiểm nghèo Vương Bất Tử không chữa được thì Dương Trọng Cảnh lại chữa được. Điều này khiến Vương Bất Tử rất nghi hoặc nên đã hỏi: ”Anh thật ra là ai?”. Trương Trọng Cảnh đáp lại: ”Tên con là Trương Trọng Cảnh. Con đến đây để học nghệ thầy”.
Lúc này Vương Bất Tử mới giật mình, vội chắp tay nói: ”Ôi trời ơi! Ta không xứng làm thầy của ông!”.
Sau đó, Vương Bất Tử mở một bữa tiệc để khoản đãi Trương Trọng Cảnh. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt của nhau.
Người khiêm tốn biết cách kiểm soát bản thân, có lời nói, hành động chuẩn mực nên được mọi người yêu mến, ít người đối địch, cản trở con đường phát triển bản thân. Đồng thời người khiêm tốn dễ mở rộng các mối quan hệ bạn bè, có nhiều người bạn tâm giao, sẵn lòng giúp đỡ. Như danh y Trương Trọng Cảnh, dù rằng ông là người tài, nhưng nếu không có lòng khiêm tốn, không ngừng học hỏi, kết thân được nhiều danh y để họ truyền thụ kiến thức cho mình, thì hẳn không thể trở thành thành vị “thánh y” được người đời ca tụng.
Khiêm tốn để không làm mất phúc phận
Cổ nhân có câu: Họa phúc của một người còn phải xem người đó khiêm tốn hay kiêu ngạo.
Chu Công, khi phụ tá hai vị quân vương của triều đại nhà Chu đã dùng đức độ để trị vì thiên hạ. Ông lập nên một hệ thống lễ nghi để hướng dẫn dân chúng hành xử theo đúng mẫu mực chính đáng trong đời sống hàng ngày. Đương thời, Chu Thành Vương muốn phong đất Lỗ cho Chu Công, nhưng vì mang trọng trách phụ chính, nên ông từ chối không nhận.
Sau đó vua Thành Vương quyết định cấp nước Lỗ cho Bá Cầm, con trai thứ ba của Chu Công. Khi Bá Cầm sửa soạn rời nhà đi nhậm chức, Chu Công nghiêm nghị khuyên bảo con trai rằng:
“Bất cứ lúc nào, con cũng không được tự kiêu hoặc tham sắc dục mà buông thả bản thân. Con nhất định phải luôn luôn giữ đức khiêm tốn, như vậy mới có thể cai trị quốc gia cho tốt, phúc lành, vận may của con mới được lâu bền. Ta nghe nói bậc nhân sĩ đức độ rộng lớn mà giữ vững được thái độ khiêm cung, thì sẽ nhận sự vinh quang đẹp đẽ; người giàu với đất rộng phì nhiêu, nếu biết tự kiềm chế dục vọng và bảo trì sự tiết kiệm thì sẽ được bình an; quan chức địa vị cao nếu giữ được tâm thái nhún nhường thì càng được hiển hách tôn quý hơn; tướng quân có nhiều binh lính hùng mạnh sẽ đạt được thắng lợi nếu biết lúc phải khiếp sợ; người trí tuệ thông minh mà tự xem mình đần độn, ngu si thì sẽ có những lợi ích tốt lành; người biết văn chương lịch lãm mà giữ được tính khiêm cung, thì càng có kiến thức rộng rãi hơn. Sáu điểm này đều là đức hạnh tốt đẹp của tính khiêm nhường.
Làm một ông vua phú quý tứ hải, nếu không có lòng khiêm tốn thì sẽ mất tất cả, kể cả mạng sống của chính mình. Vua Trụ của nhà Thương, vua Kiệt của nhà Hạ đều bị giết bởi tính kiêu căng của họ. Có thể không khiêm tốn cẩn thận được sao?
Trong kinh Dịch có câu rằng: “Nếu khiêm tốn trong mọi việc làm và mọi đối xử thì giữ được thiên hạ; khiêm tốn tới mức trung bình thì giữ được quốc gia; lòng khiêm tốn ít thì chỉ giữ được bản thân.” Đạo Trời có huỷ diệt điều gì cũng để lại sự khiêm tốn ích lợi, đất có biến đổi bao nhiêu cũng lưu lại tính khiêm tốn; quỷ thần, con người tất cả đều không thích kẻ kiêu căng, mà lại ưa chuộng người khiêm tốn.”
Nhìn chung, tu dưỡng “đức khiêm tốn” sẽ mang đến rất nhiều lợi ích: Đối xử với người khác với lòng khiêm tốn, cung kính thì càng được người ta kính trọng hơn. Kiềm chế dục vọng và thực hành sự tiết kiệm thì sẽ được sự bình an lâu dài. Không kiêu ngạo, cuồng vọng thường dễ đạt được thành công trong cuộc sống. Biết được giới hạn của bản thân mình, qua đó mà không ngừng học tập, thì kiến thức ngày càng rộng mở. Người khiêm tốn, không khoe khoang sẽ nêu cao tấm gương đạo đức, qua đó mà tạo phúc cho con cháu đời sau.