Vì sao nói: Văn hóa truyền thống chính là văn hóa làm người?
Văn hóa truyền thống chính là văn hóa làm người. Muốn thành công trước hết phải học cách làm người. Học cách tu dưỡng bản thân, trở thành một người tốt, có phẩm hạnh, thì mọi điều tốt đẹp tự nhiên sẽ đến.
1. Làm một người hiếu thuận
Hiếu thuận là gốc căn bản để làm người. Người xưa nói “Bách thiện hiếu vi tiên” tức “Trăm nết hiếu đứng đầu”, tất cả các thiện hạnh đều khởi đầu từ chữ Hiếu. Nếu một người nếu không biết hiếu kính cha mẹ thì rất khó tưởng tượng được quan hệ của người đó với người khác sẽ như thế nào.
2. Làm một người thiện lương
Kết giao với người thiện thì đạo đức sẽ thành, tâm luôn tồn thiện niệm thì nhà mới ấm êm, người làm việc thiện thì cháu con hưng thịnh. Thiện lương là phương pháp tu thân tốt nhất của chúng ta.
Đạo Đức Kinh nói: ‘Thiên Đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý tứ chỉ Đạo Trời không thân với người nào mà thường gia ân cho người thiện.
Đại Đạo, phép tắc của trời đất đều như thế này: Không thân quen xa lại với ai, nhưng thường đem quả thiện cho người thiện.
Tâm lý con người vô cùng kỳ lạ, chúng ta làm bất kỳ việc gì không tốt thì tâm lý sẽ bất an. Giả sử bạn chân chính vô điều kiện làm việc thiện, giúp đỡ người khác, làm một việc tốt, trong tâm sẽ tự nhiên vô cùng hạnh phúc, một cảm giác thản đãng và vui sướng. Niềm hạnh phúc đó không thể thuyết giảng đạo lý là có được, mà là thực sự xuất phát từ nội tâm.
3. Làm một người chuyên cần
Đạo Trời gia ân cho người chuyên cần. Cần lao là phẩm chất cơ bản nhất của con người, cũng là căn bản để chúng ta làm việc, lập nghiệp. Từ xưa đến nay, người trong thiên hạ đều do lười nhác mà dẫn đến thất bại.
Thành tựu vĩ đại đều tỷ lệ thuận với chuyên cần. Tích tiểu thành đại, hết ngày này đến tháng khác, lâu dần thì kỳ tích sẽ được sáng tạo ra.
4. Làm một người khoan dung
Người xưa nói:”Hữu dung nãi đại”, tức “Có bao dung thì trở nên vĩ đại”. Một người nếu có một tấm lòng khoan dung, có thể dung nạp những chuyện khó dung nạp trong thiên hạ, thì ắt phải là người vĩ đại.
Thời Chiến Quốc, Sở Trang Vương sau khi thắng trận mở tiệc ăn mừng thắng lợi. Quân thần uống rượu vui đùa thỏa thích. Sở Trang Vương cho gọi ái cơ là Hứa Cơ ra chúc rượu quần thần.
Đột nhiên một cơn gió lớn thổi đến làm tắt tất cả những ngọn nến trong đại sảnh, khung cảnh bỗng chốc tối đen như mực. Lúc đó có viên võ tướng đến gần nắm tay áo Hứa Cơ. Hứa Cơ thất kinh thuận tay giật dây mũ của người đó.
Hứa Cơ kể lại sự tình với Sở Trang Vương và nói: “Đại vương mau lệnh cho người châm nến lên và trừng phạt nặng người đó”.
Nào ngờ, Sở Trang Vương không lệnh người châm nến, sau đó ông nói với quần thần rằng: “Mọi người vui vẻ thoải mái nhé, bỏ hết mũ mão xuống, như thế uống rượu mới thỏa thích”.
Sau khi nến được thắp lên, tiệc rượu lại bắt đầu. Sở Trang Vương cũng không truy xét xem người mạo phạm ái cơ là ai.
Sau này khi Sở Trang Vương dẫn quân đi chinh phạt nước Trịnh, phó tướng Đường Giảo của chủ soái tiền quân đã dũng cảm dẫn hơn trăm tráng sỹ làm tiên phong mở đường, lập được rất nhiều chiến công.
Khi luận công ban thưởng, Đường Giảo tạ từ và nói rằng: “Tiệc rượu hôm đó, người nắm tay áo Hứa Cơ chính là hạ thần. Đội ơn đại vương không giết, do đó hôm nay quyết xả thân báo đáp”.
Sở Trang Vương nghe xong vô cùng cảm động.
5. Làm một người thành thực
Thành thực là cái gốc lập thân, thành thực là một mỹ đức của con người. Người không thành thực thì không thể kết giao. Muốn đảm đương việc lớn thì ắt phải chân thành và trung thực.
Một người không thành thực, không chân thành thì sẽ lừa gạt người khác, thực ra cũng chính là lừa dối chính mình. Họ không thể quy chính cái tâm mình, thành thực với suy nghĩ của mình thì chẳng thể nào tu thân được, chẳng thể nào được người khác tin tưởng, chẳng thể nào có chỗ đứng trong xã hội được.
6. Làm một người khiêm nhường
Khiêm nhường là một bộ phận cấu thành nên nhân cách. Chu Dịch viết rằng: “Người quân tử ẩn giấu tài năng, đợi thời cơ mà hành động. Một người chín chắn sẽ ẩn giấu tài năng sắc sảo của mình, làm một người khiêm nhường. Họ biết vào thời cơ nhất định thì mới triển hiện tài hoa”.
Một người khiêm nhường điềm đạm, ung dung, ôn hòa, đôn hậu, yên tĩnh, giống như đất luôn luôn đặt mình nơi thấp kém nhưng không ai dám phủ nhận sự rộng lớn của nó. Người có thể giữ vững mình ở dưới thấp, cẩn trọng, kín đáo, giống như biển cả, luôn đặt mình nơi thấp kém nhưng không có ai dám phủ nhận sự thâm sâu của nó.
7. Làm một người chính trực
Người xưa có câu: “Thân chính không sợ bóng nghiêng, chân chính không sợ giày lệch. Nhất chính áp bách tà.” Người có thân chính tâm an thì ma tà cũng phải tránh xa. Phẩm hạnh đoan chính thì làm mới mới có tự tin, làm việc mới có bền lòng. Trong lòng vô tư thì trời đất rộng mở, trước sau như một thì tấm lòng rộng lớn.
Làm người cần chính Đạo chính hành, làm việc cần quang minh lỗi lạc. Mạnh Tử có nói: “Ngẩng đầu không thẹn với trời, cúi đầu không thẹn với người”. Làm người, làm việc, nhất định phải chính đại quang minh, xử thế lỗi lạc, không được ngấm ngầm làm tổn hại lợi ích của người khác.
Làm người chính trực thì nhất định phải “thận độc” – cẩn thận, thận trọng ngay cả khi ở một mình. Một mình ngồi tĩnh tọa, thường suy nghĩ về những sai lầm thiếu sót của bản thân, khi nhàn đàm thì chớ bàn luận chuyện thị phi của người khác.
8. Làm một người thủ tín
Luận Ngữ viết: “Nhân nhi bất tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai?” Tức: Con người mà không có chữ Tín thì không biết làm sao có thể có chỗ đứng trong xã hội được. Giống như xe lớn không đòn, xe nhỏ không ách, làm sao mà đi được?.
Thủ tín là sức cuốn hút nhân cách mà không thể dùng tiền bạc mua được. Làm người một cách đường đường chính chính, làm việc một cách minh bạch rõ ràng thì sẽ không bao giờ bị mất chữ Tín. Khi người khác tin tưởng bạn thì đó chính là bạn có giá trị trong lòng họ.
Thất tín là sự phá sản lớn nhất của đời người. Thủ tín mới đắc nhân tâm.
9. Làm một người lạc quan
Đời người việc không như ý thì có 8, 9 phần, không thể nào việc gì cũng đều thuận lợi. Ngày tháng cứ thế trôi về phía trước, đẹp tốt cũng chỉ một ngày, phiền não cũng một chỉ ngày, thế nên hãy nhìn mặt tốt đẹp trong cuộc sống, để mình sống vui vẻ an lành.
Tô Đông Pha là nhà thơ từ lớn và là một trong Bát đại gia Đường Tống. Cuộc đời ông long đong lận đận, vận mệnh gian truân. Nhưng ông là người khoáng đạt, trong bất kỳ nghịch cảnh nào cũng không than thở, buồn rầu, không oán Trời trách người. Cho dù vào bất kỳ lúc nào, nơi nào, ông đều giữ được hứng thú nồng nàn, leo núi ngắm cảnh, ngắm hồ nước ngâm thơ, luôn luôn nỗ lực tìm niềm vui trong cuộc sống, vui với thiên nhiên, mỉm cười với vận mệnh.
10. Làm một người nhân hậu
Nhân hậu là nguyên tắc đối nhân xử thế của người xưa. Quẻ Khôn trong Chu Dịch có viết rằng: “Địa thế Khôn, quan tử dĩ hậu đức tải vật” tức ý muốn nói: “Địa thế Khôn, người quân tử dùng đức dày để nâng đỡ mọi vật”.
Hậu đức tải vật chính là dùng đức dày để bao dung vạn vật. Đất có đức lớn dày, nâng đỡ bao dung vạn vật.
Người quân tử nên thuận theo đức của đất, hậu đức tải vật. Hậu đức là một tấm lòng tỏa sáng, có thể bao dung những người bất đồng, ý kiến bất đồng, bao dung cả những sai trái, lỗi lầm của người khác.
Nhân hậu là nhân phẩm tốt nhất, là sáng suốt cao nhất. Một người nhân hậu thì ai ai cũng muốn chung sống, muốn kết giao, và cảm thấy hoàn toàn tin tưởng.
Có thể nói, văn hóa truyền thống bác đại tinh thâm, bao hàm giá trị nhân sinh quan vô cùng sâu sắc. Làm một con người lương thiện, thật thà, bao dung nhẫn nại, không ngừng tu dưỡng phẩm chất của bản thân, chính là con đường trở về với truyền thống, trở về với con đường nhân sinh tốt đẹp nhất của mỗi sinh mệnh.
Nguồn dịch: Sohu/Tham khảo: NTDVN
Chân Nhiên biên tập