Ai bảo mẹ ghẻ con chồng chẳng biết thương nhau? “Châu nhai nhị nghĩa” – câu chuyện khiến người người rơi lệ
“Thiêng liêng nhất phải chăng là lòng mẹ Nhớ đến người nước mắt trào rơi…”
Trong lòng mỗi người con, tình mẹ là bao la nhất; còn đối với mẹ, con luôn là tất cả. Tình mẫu tử được ví như tình cảm đẹp đẽ nhất trên thế gian, điều này hẳn không ai là không thấu hiểu, nhưng đó là trên cơ điểm hai người có quan hệ cùng huyết thống. Vậy tình nghĩa chân chính đó có thể có được giữa hai người không cùng huyết thống không? Câu chuyện dưới đây sẽ mở ra một cánh cửa mới mẻ về nhận thức.
Chuyện kể rằng: Vào thời nhà Hán, có vị Châu Nhai Lệnh nọ (huyện lệnh ở trấn Châu Nhai) có hai người vợ và hai người con. Người vợ cả đã mất của ông để lại một cô con gái 13 tuổi tên là Sơ, người vợ thứ hai có một cậu con trai nhỏ. Năm cậu bé lên chín tuổi, Châu Nhai Lệnh qua đời, gia đình chỉ còn lại ba người sống nương tựa vào nhau. Vì vậy họ quyết định rời trấn, đưa linh cữu của huyện lệnh về quê nhà.
Trấn Châu Nhai được biết đến với tài nguyên ngọc trai phong phú, phu nhân thứ hai của huyện lệnh thường ngày hay đeo vòng được xâu bằng mười viên ngọc trai lớn trên tay. Tuy nhiên, thời đó nhà Hán có quy định không cho phép mang theo ngọc trai khi xuất nhập cảnh qua các vùng miền, ai vi phạm sẽ bị khép vào tội chết. Vì để đưa được linh cữu của huyện lệnh về quê hương an toàn, vị phu nhân đành vứt bỏ chiếc vòng ngọc trai phòng có chuyện bất trắc xảy ra. Không ngờ rằng con trai của bà thấy đã liền lén nhặt lại chiếc vòng, đem cất vào chiếc hộp trang điểm của mẹ.
Ba người họ trải qua một đoạn đường dài vất vả cuối cùng đã đến được đến cổng hải quan tiếp giáp giữa hai vùng, nhưng lính gác sau khi kiểm tra đã phát hiện thấy những hạt ngọc trai to tròn trịa nằm gọn trong chiếc hộp của phu nhân, theo luật của triều đình đó vốn là vật cấm.
Người dân xung quanh nhìn thấy đều xì xào bàn tán: “Chẳng phải mang ngọc trai ra ngoài địa giới sẽ phải chịu tội chết sao?”. Người lính gác quay sang hỏi: “Ai đã mang chiếc vòng qua hải quan? Ai sẽ chịu trách nhiệm?”. Cô con gái vội vàng nhanh chóng tiến lên phía trước gấp gáp nói: “Thưa ông, việc này là do tôi làm, tôi sẽ chịu trách nhiệm”. Lính gác cau mày hỏi lại: “Cô hãy kể tường tận sự việc ra xem!”, nàng Sơ đáp: “Phu nhân vì đưa linh cữu cha về quê nhà, vì biết luật lệ không thể mang theo ngọc trai nên đã vứt bỏ, tôi thấy tiếc nên đã nhặt lại cất vào hộp”. Kỳ thực cô nghĩ rằng mẹ kế đã làm việc này, lo cho tính mạng của bà nên không e dè gì mà đứng ra nhận tội về mình.
Phu nhân khi thấy con nói vậy sốt ruột quay sang hỏi thực hư câu chuyện. Nàng Sơ vẫn kiên quyết khẳng định: “Là con nhặt vào hộp nên con sẽ chịu trách nhiệm”. Bà thấy con còn nhỏ, cha mẹ ruột đều đã mất, thật đáng thương nhường nào, bà quay lại nói với lích gác: “Xin ông hãy từ từ định tội, vòng hạt này là tôi hay đeo, khi chồng mất không nên đeo trang sức nên tôi đã cất nó vào hộp, hôm trên đường xuất hành đã quên không lấy ra, vậy nên tội này là của tôi”.
Nàng Sơ thấy vậy sốt sắng nói: “Không phải, vòng hạt này xác thực là tôi mang theo”.
Mẹ kế nước mắt lưng tròng giãi bày trước lính gác: “Không, là con gái vốn lo lắng cho tôi nên nhận tội vậy, vốn dĩ chuyện này không liên quan đến nó, là tôi làm”…
Hai người mãi cứ tranh nhau nhận tôi, cô con gái vẫn kiên quyết: “Phu nhân thương tôi còn nhỏ dại, mong tránh được hình phạt mà sống tiếp nên mới làm vậy, chuyện này bà hoàn toàn không hay”. Nói đến đây hai mẹ con không nhịn được ôm chầm lấy nhau oà lên khóc, những người chứng kiến sự việc đều không khỏi sụt sùi xót xa.
Chiểu theo luật nước, bất cứ ai đem theo ngọc trai mà nhập xứ, nhất định phải chịu tội chết. Khi viên quan chuẩn bị giấy viết tội trạng, nhìn lại hai mẹ con tình nghĩa sâu đậm, hơn nữa lại không chung huyết thống khiến trời cao cảm động. Vậy nên ông mãi không thể hạ bút, người hầu cận gần quan cũng khóc, trầm mặc một lúc lâu mà quan vẫn không thể đưa ra được phán quyết.
Viên quan sau đó nói: “Hai mẹ con nhà ngươi thật có tình nghĩa, ta làm sao kết án? Người này sợ người kia chịu khổ nên cứ mãi nhận tội, ta cũng không biết được ai đúng ai sai. Hơn nữa tình nghĩa này thật khiến trời xanh cảm động. Chi bằng ném chuỗi hạt xuống đất, đập cho nát đi là được, các ngươi có thể rời đi”. Ba người họ nghe xong vô cùng cảm kích khấu tạ viên quan, trở về quê nhà. Sau khi đi xa được một đoạn họ mới biết rằng chính cậu con trai đã đem chuỗi ngọc bỏ vào hộp.
Câu chuyện về tình nghĩa mẹ con không chung huyết thống mà sẵn sàng hy sinh cho nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn sau này vẫn được hậu thế truyền tụng mãi mà trở thành điển tích, điển cố. Người đời sau có câu thành ngữ: “Châu Nhai nhị nghĩa” – (Hai tấm gương nhân nghĩa đất Châu Nhai) chính là nhắc tới giai thoại này.
Anh Kỳ/NTD.com/Dịch
Nguồn Epochtimes