Cái đức là gốc muôn đời, có đức là có tất cả
Trong tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử, một tác phẩm đặc sắc trong lịch sử văn hóa truyền thống Trung Hoa, người được coi là ông tổ của Đạo giáo đã nói: “Tất cả các chúng sinh trong thế giới này, được sinh ra bởi Đạo, nuôi dưỡng bởi Đức, định hình bởi vật chất, hình thành bởi hoàn cảnh”.
Trong văn hóa truyền thống phương Đông, người ta cho rằng Đức là nguồn gốc của mọi phúc phận, giàu sang, phú quý, công danh, sức khỏe, tài năng,… Người không có hoặc có ít phúc phận là vì họ không có hoặc có ít Đức. Lão Tử cũng nói “Trọng tích đức không gì là không được”, bởi vậy mà người xưa thường nhắc nhở con cái, hãy “tích đức”, khuyên con cháu đừng để mất đức, thất đức.
1. Khẩu đức
Người xưa có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, đời người họa hay phúc đều do cái miệng mà ra, vậy nên, làm người thì việc trước nhất chính là tu dưỡng cái miệng của mình.
Khi giao tiếp, chúng ta hãy nhớ luôn nói lời Chân, tránh những lời nói thô lỗ, lộng ngữ thị phi, tránh làm tổn thương người đối diện, mỗi khi nói phải nghĩ trước nghĩ sau, đặt vị trí của bản thân vào người khác để cảm nhận đối phương.
2. Ban đức
Có câu: “Tay tặng hoa hồng luôn phảng phất hương thơm”, người biết cho đi, luôn nghĩ tốt về người khác, mong những điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người, là người hạnh phúc nhất, bởi vì nội tâm của họ chan chứa thiện lương.
Khổng Tử từng nói: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị”, ý tứ rằng người quân tử tạo cái hay cho người khác, không gây thành cái ác cho người khác, tiểu nhân thì ngược lại.
3. Tín đức
Chữ tín luôn là cái vốn ở đời, làm người không có chữ tín hỏi liệu có ai muốn kết giao? Bởi vậy, tín chính là tài sản lớn nhất của đời người, có thể lấy được sự tín nhiệm, lòng tin của mọi người chính là tài sản vô giá.
Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý tứ rằng, người không giữ chữ tín thì không có chỗ sinh tồn, không có chỗ đứng nơi thế gian này. Cũng có câu, chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người, câu nói này quả thực rất có đạo lý.
4. Khiêm đức
Cổ nhân xưa nay vẫn luôn nhìn nhận rằng khiêm nhường chính là một cảnh giới nội tâm cao quý, là một loại mỹ đức thể hiện tinh thần hàm dưỡng mà bậc quân tử đều có. Nhường người ba tấc mình cũng được lợi hai phần, trong “Chu Dịch” có viết rằng: “Khiêm tốn là cái gốc của đạo đức, nhường nhịn là đứng đầu mọi loại lễ nghi và phép tắc”.
Người khiêm nhường, tao nhã là người có đức hạnh cao, tấm lòng khoáng đạt, độ lượng mà bao dung, cũng là người có một lòng cung kính đối với mọi việc, mọi người xung quanh. Sự cung kính không bắt nguồn từ sự sợ hãi, mà hoàn toàn xuất phát từ sự khiêm nhường, tôn trọng.
5. Trọng đức
Mạnh Tử từng nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”.
Câu nói nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết tôn trọng người khác, khi kết giao với người khác, nếu có thể hiểu và tôn trọng họ, vậy thì ta cũng sẽ được họ hiểu và tôn trọng lại mình gấp nhiều lần.
Người có phẩm hạnh và tu dưỡng thì đối với bất kể ai cũng đều tỏ thái độ khiêm nhường, tôn trọng, kính cẩn.
Tôn trọng người dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng người dưng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là cảnh giới cao của độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.
Sống ở đời, con người nếu biết lấy đức làm gốc rễ, là cái Đạo để tu dưỡng thì ắt hẳn đó là bậc minh trí. Một người biết trọng đức hành thiện, tu tâm dưỡng tính ắt sẽ gia tăng trí huệ, có được cuộc sống viên mãn.
Nguồn: Tinvn
Lan Hòa biên tập