Hoàng đế Khang Hy: Muốn dạy con thành tài, hãy chấp nhận cho chúng chịu 3 loại khổ
Hoàng đế Khang Hy không chỉ là một vị hoàng đế anh minh, lỗi lạc, nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa mà còn là người rất quan tâm đến giáo dục con cái. Ông giỏi việc cai trị đất nước, chăm lo đời sống con dân và là một người cha mẫu mực, có phương pháp dạy con độc đáo, lưu truyền cho hậu thế đến hàng nghìn năm sau.
Nhà tư tưởng, nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Thanh, Hoàng Tông Hy đã từng nói: “Yêu thương con mà không dạy dỗ con cũng như ghét bỏ chúng; dạy mà không dựa vào Thiện thì dạy cũng như không”. Nuông chiều con kì thực không phải là yêu thương con, yêu con chính là phải cho con học cách chịu đựng 3 loại khổ dưới đây:
Cái khổ thứ nhất: Chịu đựng vất vả trong học tập
Trong di huấn của Hoàng đế Khang Hy có viết: “Lúc còn bé, tâm hồn trong sáng ngây thơ không nghĩ ngợi quá nhiều nên tư tưởng rất tập trung và suy nghĩ thông suốt. Khi trưởng thành rồi, con người có quá nhiều thứ chi phối, việc học không còn tập trung như trước được nữa. Học từ lúc nhỏ giống như ánh mặt trời tỏa sáng, còn đợi đến trưởng thành mới học thì chỉ giống như ánh sáng phát ra từ ngọn nến. Do vậy lúc còn ít tuổi, nhất định không nên lãng phí thời gian học hành.”
Thuở nhỏ, chúng ta thường nghĩ rằng học tập và nghiên cứu là một việc quá vất vả, đặc biệt với một đứa trẻ. Tuy nhiên, khi trưởng thành chúng ta mới hiểu được, trang bị một kiến thức sâu rộng, học tập tốt chính là đang trang bị hành trang rộng mở để bước vào tương lai. Đọc một cuốn sách sẽ được lợi ích từ một cuốn sách, đọc một ngày có lợi một ngày. Lợi ích của học hành chỉ người chăm chỉ nỗ lực mỗi ngày mới có thể hiểu được.
Cha mẹ yêu thương con đến như thế nào thì cũng cần phải sẵn sàng để con vượt qua cái khổ của học tập. Khi trẻ ham chơi, thấy việc học quá mệt mỏi muốn bỏ cuộc, bậc cha mẹ cần khuyên con đừng hủy bỏ giữa chừng. Một ngày nào đó trong tương lai, đứa trẻ sẽ hiểu rằng, sự cực khổ học tập của ngày hôm nay đang trải ra con đường rộng mở cho tương lai của chúng.
Cái khổ thứ 2: Lao động vất vả
Di huấn của Hoàng đế Khang Hy có viết: “Thánh nhân lấy lao động làm phúc phận, coi hưởng thụ an nhàn là căn nguyên của mọi tai họa. Trên đời này có nhiều người thích an nhàn, thoải mái mà lười lao động. Ta cho rằng một người chăm chỉ lao động mới có thể thực sự cảm nhận được sự an nhàn chân chính. Nếu như chỉ biết theo đuổi thú vui mà không lao động thì khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn sẽ không thể vực lên được. Một khi người này phải lao động vất vả liền không chịu đựng nổi và không còn cơ hội có thể hưởng thụ nữa.”
Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta thực sự yêu con, mong chúng có một tương lai thực sự tốt đẹp, vững chắc thì cần cho chúng tự tay làm từ những việc nhỏ hằng ngày. Nhiều bậc cha mẹ sợ con vất vả mệt nhọc mà không đành lòng để con chịu khổ, chịu khó nhọc. Họ nghĩ rằng con cái đã học hành vất vả, bài vở nhiều nên không nỡ để việc nhà làm mất đi thời gian quý báu của con.
Lâu dần, con trẻ sẽ phát triển một thói quen xấu, đòi hỏi cơm bưng nước rót tận tay. Khi gặp phải hoàn cảnh éo le, chúng sẽ không tự biết lo liệu và vực lên bằng chính đôi chân của mình. Cha mẹ cần để con hiểu rằng cha mẹ được hưởng an nhàn và có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ những ngày lao động vất vả, đánh đổi bằng sự hy sinh, những giọt mồ hôi mới có. Làm vậy mới giúp con trẻ thừa hưởng đức hạnh tốt đẹp của lao động và mài giũa khả năng vượt qua khó khăn, biết trân quý cuộc sống và những nỗ lực của mình hơn.
Cái khổ thứ 3: Khổ trong cuộc sống sinh hoạt
Di huấn của Khang Hy ghi lại: “Tu thân sửa tính là việc cần phải làm hằng ngày. Đức hạnh của tiết kiệm được vun đắp từ mỗi hành động chi tiêu cho cuộc sống. Chiếc thảm ta dùng trong điện Kim Loan đã 30 đến 40 năm vẫn chưa thay mới. Đây là bởi vì ta tôn trọng đức hạnh của tiết kiệm, không dám ăn, ở, mặc một cách xa hoa, lãng phí”.
Nhiều bậc cha mẹ có thể hy sinh bản thân, chịu đựng mọi thứ chứ không muốn để cho con chịu khổ. Họ chăm con như những hoàng tử và công chúa nhỏ ở nhà, suốt ngày cưng chiều, nâng như nâng trứng. Tuy nhiên, vị hoàng đế thực sự lại không nâng niu con như những bông hoa trong nhà kính mà họ chọn cách “buông tay” để trải nghiệm và vượt qua mọi cái khổ của đời người.
Chúng ta luôn than phiền rằng con cái của chúng ta không hiểu chuyện, rằng chúng ta thể hiểu những vất vả và tấm lòng của chúng ta. Kỳ thực, chính là do cha mẹ nuông chiều quá mà dưỡng thành. Ngày nay, nhiều trẻ em chưa từng biết đến cảnh “đói bụng” là gì, bởi vậy, nên càng cần phải dạy cho chúng học cách trân trọng, học cách quý tiếc phúc phận.
Sẵn sàng “buông tay” con, để con tự do trải nghiệm và đối mặt với những khó khăn vất vả của cuộc sống từ khi còn nhỏ sẽ giúp chúng biết trân quý thành quả lao động từ đôi bàn tay làm ra. Điều này giúp trẻ có thể chịu đựng đắng cay của đời người. Sẵn sàng để con đối mặt và giải quyết khó khăn mới có thể giúp chúng tự mình trải nghiệm cuộc sống, đây mới là cha mẹ có trách nhiệm với con cái, mới là cách dạy con thông tuệ nhất.
Nguồn: Secretchina
Lan Hòa