Trải nghiệm cuộc sống là cách mà chúng ta lớn lên
Sự trải nghiệm cũng sẽ có thể giúp bạn nhận ra rằng, cuộc sống này để kiên trì và đủ sức mạnh vượt qua khó khăn, chướng ngại, ngoài dựa vào chính mình thì bạn chẳng thể dựa vào bất kỳ ai.
Trong hành trình một đời người, điều mang lại cho người ta giá trị nhất có lẽ là sự trải nghiệm. Thực sự trải qua rồi mới có thể thấu hiểu, mới có thể đồng cảm bằng một tấm lòng chân thành nhất.
Khi vừa sinh ra, ai cũng chỉ là một đứa trẻ bé xíu, đỏ hỏn trong vòng tay ba mẹ, ông bà; đầy yếu ớt, mong manh và luôn cần sự bao bọc che chở.
Tuy vậy, ngay từ lúc đó, chúng ta đã có bản năng để sinh tồn, để báo hiệu với thế giới rằng chúng ta đang tồn tại và sẽ còn tồn tại. Lúc đó chúng ta đâu thể thể hiện được mong muốn, suy nghĩ bằng lời nói. Chỉ là đói thì khóc, khó chịu thì khóc hay trớ để biểu đạt rằng mình không muốn ăn thêm nữa,…
Và cũng chính những điều đó mang lại cho những người làm cha mẹ sự trải nghiệm, trải nghiệm về việc chăm sóc con cái, nuôi dạy con cái, trải nghiệm được cách nhìn biểu đạt của con mà thấu hiểu con. Cũng từ đó hiểu được sâu sắc hơn về tình yêu thương của cha mẹ trước đây dành cho mình như thế nào, mà thêm trân trọng, trân quý từng thời khắc ở bên gia đình.
Từ một đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, chúng ta đã phải trải qua biết bao nhiêu điều để có thể đi đến bước đường ngày hôm nay?
Có những điều chúng ta học được từ người lớn, dạy chúng ta cần phải làm gì khi gặp tình huống này, tình huống kia. Nhưng cũng có những điều chúng ta phải tự mình trải qua, tự mình vấp ngã thì mới có thể khiến cho chúng ta trưởng thành, ghi ấn sâu sắc trong cuộc đời.
Giống như một việc đơn giản là ăn cơm. Nếu bạn không ăn cơm thì bạn sẽ không biết được vị của những hạt cơm thực sự là như thế nào nếu chỉ nghe qua lời kể của người khác. Hoặc khi bạn nhường lại phần cơm ngon hơn cho một người nào đó có lẽ bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của những lời nói dối dễ thương như: “Nãy bố ăn rồi, con ăn đi”, “Mẹ không thích món này”, “Răng bà yếu rồi, không nhai được”,…nếu bạn đã từng trải qua những ngày khó khăn.
Rồi khi đi làm, bạn sẽ không thể tư vấn cho khách hàng về sản phẩm của công ty nếu như bạn không nhìn thấy nó, sử dụng nó, hiểu được các tính năng của nó. Hay phải đến khi yêu một ai đó, bạn mới có thể trải nghiệm được cả niềm hạnh phúc hay nỗi đau mà tình yêu mang lại.
Trải qua thời khắc cận kề sinh tử của một người ta mới hiểu được đời người ngắn ngủi, sinh tử vô thường. Khi đó mọi quyền, danh, lợi, tình đều chỉ là hư không. Sau những trải nghiệm về cuộc sống, bạn cũng đang từng bước được trải nghiệm chính bản thân mình, cũng là tích lũy những giá trị của bản thân mình. Bạn sẽ hiểu được bản thân mình hơn.
Ừ, sự trải nghiệm để bạn thấy rằng làm người lớn thật khó khăn, ước gì chỉ mong là đứa trẻ mãi mãi. Có những khi công việc làm người lớn quá mệt mỏi, cứ loanh quanh ở một chỗ mà không tiến lên được, lúc đó chỉ muốn bật khóc tu tu như một đứa trẻ, sao cứ vấp ngã hoài ở chỗ đó vậy?
Sự trải nghiệm cũng sẽ có thể giúp bạn nhận ra rằng, cuộc sống này để kiên trì và đủ sức mạnh vượt qua khó khăn, chướng ngại, ngoài dựa vào chính mình thì bạn chẳng thể dựa vào bất kỳ ai. Bởi mọi người có chìa tay ra mong muốn giúp đỡ bạn mà bạn không muốn thì cũng không ai làm gì được. Chỉ là khi bạn muốn vượt qua, có thêm sự giúp sức của những người xung quanh, bạn sẽ vượt qua nhanh hơn mà thôi. Nhưng điều đó phải xuất phát từ chính bạn.
Nhà văn trẻ Minh Nhật đã từng viết như thế này: “Đời người giống như cuộn băng xem một lần, mỗi tình tiết đều đáng giá, đều quan trọng, không có nút tua lại, cũng không chỉnh được các hiệu ứng đặc biệt. Chúng ta sẽ phải chấp nhận mọi quyết định đã đưa ra”.
Tôi hiểu rằng, anh ấy hay những người khác nữa, kể cả bản thân mình có lẽ đã phải trải qua nhiều thứ lắm, mất mát có, hạnh phúc có, nhưng có lẽ là mất mát nhiều hơn ở đây. Nên mới có một nỗi trằn trọc đau đáu ấy, là hãy trân quý mọi thời khắc bạn đang được sống, trân quý mỗi người ta đã và sẽ được gặp, trân quý từng đoạn đường chúng ta đã đi qua. Dù tốt đẹp hay có chưa được tốt đẹp thì đó cũng là những tài sản của chúng ta. Tài sản mà chúng ta đều có thể dựa vào đó để làm vốn liếng cho cuộc đời sau này của chính mình.
Nếu như trước đây đã phạm nhiều sai lầm rồi, thì nó sẽ là nguồn vốn quý giá để ta học được cách sửa sai. Nếu như trước đây ta đã may mắn có được niềm vui, niềm hạnh phúc nhiều hơn thì đó cũng là một nguồn vốn quý để nuôi dưỡng sự lương thiện, trong sáng trong tâm hồn chúng ta, không bị vấy đục bởi những thị phi, ai oán cuộc đời.
Đi thật nhiều nơi, cho ta thêm kiến thức về văn hóa từng vùng miền, cho ta học được cách tự lập, tự chăm sóc và bảo vệ bản thân.
Tiếp xúc với nhiều người, cho ta thấy được nhiều góc nhìn hơn về cuộc sống qua lăng kính của mỗi người. Chúng ta sẽ hiểu được rằng, cuộc sống này không phải ai cũng giống ai, không phải ai cũng có suy nghĩ và cách nhìn giống nhau. Có người tốt, có người chưa tốt, có người giàu, có người nghèo, có người hạnh phúc cũng sẽ có người khổ đau.
Sự trải nghiệm là hành trình lớn lên của mỗi chúng ta. Trải nghiệm càng nhiều, thấu hiểu càng nhiều, nhưng đau thương cũng càng nhiều.
Vậy đó, sự trải nghiệm sẽ luôn là những món quà tuyệt vời và có giá trị nhất đối với mỗi người. Dù có thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau thì sự trải nghiệm đều sẽ mang đến cho bạn sức mạnh tuyệt vời. Sức mạnh ấy đến từ sự thấu hiểu, đến từ lòng trắc ẩn, bao dung, đến từ chính nội lực của bạn.
Khi sự trải nghiệm của bạn đến ngày chín muồi, cũng là lúc bạn có thể tĩnh tại nhìn mọi việc xảy ra mà không vội vàng, hấp tấp đánh giá hay phán xét, bạn có thể cảm nhận và tiếp nhận mọi thứ với một nụ cười đẹp nhất đời mình.
Nguyên Hóa biên tập