Nhạc Phi – bậc danh tướng tận trung bậc nhất, bị chết trong hàm oan
Nhạc Phi (1103-1142) là một trong những danh tướng được ca tụng nhiều nhất ở Trung Quốc. Sinh ra vào cuối triều đại Bắc Tống, ông không chỉ được biết đến bởi những chiến thắng trong các trận chiến mà còn bởi đạo đức và tính kỷ luật cao độ của mình.
Thông qua các sự tích và các đền thờ dành riêng cho Nhạc Phi, hình tượng của ông được lưu truyền như một biểu tượng về lòng thành của người Trung Quốc.
Khi Nhạc Phi lớn lên, đất nước ông đang bị triều Kim xâm lược, triều đình cần những binh sĩ tài ba. Nhạc Phi không khỏi ưu tư. Ông muốn tham gia vào cuộc chiến chống quân xâm lược bảo vệ đất nước, nhưng ông cũng muốn được chăm sóc mẹ già. Giữa lòng trung thành với đất nước và sự hiếu thảo với mẹ già ông không biết phải làm sao.
Để cổ vũ tinh thần cho Nhạc Phi, mẹ ông đã xăm lên mình ông bốn chữ lớn “Tận trung báo quốc”. Để hoàn thành tâm nguyện của mẹ và cống hiến hết mình cho đất nước, Nhạc Phi lên đường tham chiến với quyết tâm cao độ.
Năm 1127, triều Kim vây hãm kinh đô Bắc Tống, Hoàng Đế và các đại thần đều bị bắt. Em trai của Hoàng đế chạy trốn về phía nam qua sông Trường Giang, thành lập triều đại Nam Tống.
Mặc dù quân Tống rút lui nhưng Nhạc Phi không bị đánh bại trong cuộc chiến. Nhạc Phi được định vị là biểu tượng của hy vọng trong lúc khó khăn. Chỉ với khoảng 500 binh lính, đội quân của ông đã đánh tan gần 100.000 quân Kim, khiến quân Kim phải tháo chạy toán loạn.
Ngoài sự dũng cảm và kỹ năng quân sự, Nhạc Phi còn nổi tiếng vì luôn quan tâm đến binh lính trên chiến trường và yêu thương bách tính. Ông nghiêm cấm binh lính làm ảnh hưởng đến người dân khi đi qua thôn làng.
Vài năm sau, khi triều đại Nam Tống hưng thịnh, có một cuộc nổi loạn ở Kiền Châu vào năm Thiệu Hưng thứ 3. Sau khi cuộc nổi dậy được dẹp yên, hoàng đế triều Nam Tống – Tống Cao Tông ra lệnh cho Nhạc Phi xử tử tất cả bách tính trong vùng. Nhạc Phi đã nhiều lần tấu trình cầu xin Hoàng đế không lấy mạng bách tính.
Sau cùng nguyện vọng của ông đã được Hoàng đế chấp thuận và chỉ những kẻ cầm đầu âm mưu nổi dậy mới bị thi hành án. Bách tính trong thành cảm kích ân đức của Nhạc Phi, đã tổ chức nghi lễ cung phụng Nhạc Phi. Nhân lúc này, Hoàng Đế Cao Tông cũng xuất hiện, ông ban tặng cho Nhạc Phi lá cờ có ghi dòng chữ: “Tối cao trung tận Nhạc Phi” do chính tay ông viết.
Nhạc Phi còn rất quan tâm đến những gia nhân trong nhà, khi họ bị bệnh, ông tự tay sắc thuốc cho họ uống. Những chiến binh bị tử vong trên chiến trường, ông tận lực trợ giúp gia đình họ. Khi nhận được bổng lộc của triều đình, ông thường chia sẻ cho những gia nhân.
Vậy nhưng, Nhạc Phi lại bị quan Đại thần Tân Cối ghen tức, Tần Cối đã tâu với Hoàng thượng rằng: “Nhạc Phi quá mạnh và quá nguy hiểm, không nên tin tưởng tuyệt đối vào Nhạc Phi”. Kết quả Nhạc Phi bị triệu hồi về triều đình, đất đai đã bị quân địch chiếm lại. Nhạc Phi bị dồn ép vào thế khó ngửa mặt lên than rằng: “Công sức trong 10 năm, nay tan biến trong chốc lát”.
Tai họa của Nhạc Phi chưa dừng lại ở đó. Khi Nhạc Phi trở về triều đình, ông bị tước hết quyền hành. Một năm sau, ông bị Tể tướng Tần Cối mưu hại kết án tử hình vì tội phản quốc. Khi đó ông 39 tuổi.
Có giai thoại kể rằng, Nguyên soái Hàn Thế Trung đã chất vấn Tần Cối rằng: “Ông xử tội Nhạc Phi, bằng chứng đâu? Tần Cối trả lời: “Không có, mà cũng không cần có”, 3 chữ “không cần có” (莫須有-mạc tu hữu) từ đó gắn liền với tên Nhạc Phi và đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo.
Đến năm Thiệu Hưng thứ 32 (1162), vua Tống Hiếu Tông đã giải nỗi oan cho Nhạc Phi, làm nghi lễ cải táng và lập miếu cho ông trên đất Ngạc, truy hiệu là Trung Liệt. Cho con cháu Nhạc Phi được hưởng ân điển của triều đình. Năm 1179 ông được ban thụy hiệu là Vũ Mục. Đến đời Ninh Tông năm 1211, ông được truy phong vương vị là Ngạc vương. Miếu Nhạc Phi trở thành một địa điểm tâm linh quan trọng của người dân trong vùng từ xưa cho tới nay.
Hình ảnh mẹ Nhạc Phi xăm bốn chữ “Tận Trung Báo Quốc” lên lưng con trai mình và hình ảnh Nhạc Phi dẫn quân là một phân cảnh trong buổi công chiếu của Thần Vận được rất nhiều người yêu thích.
Nguồn: visiontimesjp.com
Mộc Hương biên dịch