Tại sao phụ nữ đanh đá, hung dữ lại bị ví là “Sư tử Hà Đông”? Phía sau là hàm nghĩa sâu xa
Khi muốn ám chỉ một người phụ nữ ghê gớm, đanh đá, hay nổi “máu ghen”, người ta thường so sánh với câu thành ngữ “Sư tử Hà Đông”. Phụ nữ nào bị gán cái mác “Sư Tử Hà Đông” thì ngầm hiểu người này hay nổi cơn tam bành, lại có tính ghen tuông dữ dội, đanh đá, không nhường nhịn ai.
Vậy rốt cuộc, thành ngữ “Sư Tử Hà Đông” có nguồn gốc từ đâu? Có liên quan đến điển tích, giống sư tử nào hay địa danh Hà Đông của Việt Nam?
Người phụ nữ đức hạnh là chốn đi về bình yên của người đàn ông
Thiên tính của người phụ nữ là dịu dàng, nhu thuận; phẩm chất cao quý, thanh tao. Bản tính của người phụ nữ thường nhân hậu, nhẹ nhàng, đảm đang, khéo léo, thương chồng, thương con. Một người con gái luôn giữ cho mình tính cách dịu dàng, nhân hậu chính là người xinh đẹp nhất.
Họ luôn dịu dàng, chăm sóc chu đáo cho người bạn đời của mình, thấu hiểu và san sẻ nỗi vất vả của chồng nên họ chẳng phàn nàn, oán trách. Một ánh mắt dịu dàng, một lời nói nhẹ nhàng, một cử chỉ quan tâm, gần gũi, sẽ khiến đàn ông luôn ấm lòng, luôn khiến cho người chồng cảm thấy “Nhà” luôn là chốn bình yên, luôn muốn trở về sau tan ca, vì ở nơi đó có bóng dáng của người vợ hiền.
Trong gia đình truyền thống xưa, vợ chồng “tôn kính như tân”, vô cùng hòa thuận, tôn trọng nhau. Bởi giá trị đạo đức thuận theo nền tảng phu xướng phụ tùy (chồng đề xướng vợ thuận theo). Tuy người phụ nữ không tham gia chính sự nhưng họ làm chủ gia đình, là phong thủy của gia đình. Đảm nhận trách nhiệm hỗ trợ chồng, dạy con nên người, quán xuyến những việc trong gia đình.
Người đàn ông làm chủ bên ngoài, kiếm tiền nuôi gia đình, là trụ cột tài chính của gia đình. Mỗi người thực hiện đúng vị trí, trách nhiệm của mình. Đàn ông là dương, là cương, phụ nữ là âm, là nhu. Một âm một dương, cương nhu tương hỗ. Họ cùng chung tiếng nói, thuận vợ thuận chồng, mưa gió thuận hòa, tất sẽ đắc niềm vui, cuộc sống hôn nhân ắt viên mãn tròn đầy.
Phụ nữ “nổi cơn tam bành” thì được gì mất gì?
Trái với bản tính nhân hậu, dịu dàng là tính khí nóng giận, khó kìm chế cảm xúc, thường hay nổi cơm tam bành. Không kìm giữ được cảm xúc, đồng nghĩa sẽ mất đi lý trí. Khi lý trí không được kiểm soát bởi những quy phạm đạo đức, nó dễ xui khiến người ta làm việc xấu.
Khi trong đầu chỉ chứa những cảm xúc tiêu cực, sẽ không phân biệt đúng – sai, tốt – xấu. Họ đổ lỗi, trút oán hận nên người khác mà không tìm nguyên nhân ở chính mình. Mâu thuẫn vì thế không được giải quyết, thậm chí còn nặng nề hơn và để lại hậu quả. Chỉ khi cơn nóng giận qua đi, lúc đó mới thấy ân hận, tự trách mình khi đó đã không cư xử đúng mực.
Nếu một người con gái la hét như “sư tử Hà Đông”, mắt mũi trợn trừng, mặt đỏ tía tai thì đâu còn phong vận tao nhã, mất đi vẻ dịu dàng, thiện lương vốn có của người phụ nữ. Ngược lại, nam giới mà bị nữ giới trấn áp, thì khác gì chú dê con, đâu đáng mặt nam nhi chân chính.
Bởi vậy, câu “Sư tử Hà Đông” là câu “khẩu ngữ” nhằm ám chỉ về những người đàn bà có tính ghen tuông dữ dội, đanh đá và không hề chịu nhường nhịn ai. Khi nổi “máu tam bành”, họ có thể làm cho các ông chồng kinh hồn bạt vía. Bao khí phách của đấng mày râu cũng tiêu tan thành mây khói, khi gặp phải những bà vợ như thế này.
Phụ nữ xưa được răn dạy, ước thúc bởi quy phạm “Tứ đức” nên hành xử không tuỳ tiện. Tuy nhiên, nếu phụ nữ nào ứng xử đi ngược với quy phạm đạo đức đều nhận những lời giáo huấn. Đồng thời, họ cũng làm mất đi sự tôn trọng của người chồng dành cho mình. Câu thành ngữ “sư tử Hà Đông” là ám chỉ lời răn dạy trong đó.
Hàm nghĩa “Sư Tử Hà Đông” là gì?
Hà Đông là một địa danh thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc (không phải Hà Đông của Việt Nam). Sư tử là loài thú dữ, có lông màu vàng hung, sống trong tự nhiên. Tại Việt Nam, khi nghe cụm từ “Sử tử Hà Đông”, nhiều người nghĩ tới mảnh đất Hà Đông xưa. Nhưng không phải vậy, nó không liên quan đến bất kì địa danh nào của Việt Nam.
“Sư Tử Hà Đông” bắt nguồn từ câu thơ có một vị danh sỹ tên là Tô Đông Pha. Tô Đông Pha (1037-1101) tên Tô Thức, tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ nên người đời gọi là Tô Đông Pha. Ông là nhân vật lịch sử được hâm mộ nhất ở Trung Quốc. Bởi tài năng xuất chúng của ông trên các lĩnh vực: văn học, thư pháp, hội họa, âm nhạc, ẩm thực, giáo dục, y học, trị thủy…
Sau khi ông biết được câu chuyện đánh ghen của bà Liễu Thị, vợ Trần Tháo. Trần Tháo lại là người bạn nên ông đã sáng tác câu thơ dành tặng cho bạn. Câu thơ:
“Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.”
Ý nghĩa là:
“Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống
Gậy tuột khỏi tay tim bàng hoàng.”
Sau này nhà thơ Đỗ Phủ (nhà thơ nổi tiếng thời Đường, Trung Quốc), cũng có câu thơ về người đàn bà Liễu Thị: “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu”.
Vậy nên, nguồn gốc xuất xứ của câu nói “Sư tử Hà Đông” chính là nói về cái tính đanh đá, ghen tuông của người đàn bà họ Liễu. Còn “sư tử hống” là cách chơi chữ mạch lạc, biểu thị cho sự uy nghiêm (lời của nhà Phật).
Bà Liễu Thị là ai?
Bà Liễu Thị xuất thân từ vùng Hà Đông (thuộc tỉnh Sơn Tây, phía Đông của sông Hoàng Hà). Liễu Thị vốn có tiếng đanh đá, hay ghen tuông vô cớ. Bà là thê tử của Lý Thường.
Trần Lý Thường (Trần Tháo) sống tại Kỳ Đình của Hoàng Châu (nay thuộc Hoàng Châu, Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc). Trần Tháo rất tín ngưỡng Phật Pháp, thường tìm hiểu về thiền định, tự xưng là Long Khưu. Ông vốn là người sống có nghĩa tình, lại rất hiếu khách. Nên các huynh đệ, chiến hữu thường xuyên lui tới đàm đạo thế sự, cùng giải khuây bên chén rượu, cuộc trà. Tô Đông Pha cũng thường xuyên lui tới.
Trong nhà của ông có cả một đoàn ca kỹ riêng, khi có tiệc đãi khách cùng nhau tấu nhạc múa hát vui vẻ. Liễu Thị vốn có tính ghen, lại thấy hoài những cảnh đó ngày càng ấm ức, cơn ghen nổi lên. Vào lúc khách khứa trong nhà đang ca hát vui vẻ thì từ sát vách trong phòng truyền ra tiếng gầm gừ tức giận như tiếng sư tử. Lý Thường sợ run người, trong lòng lo sợ không yên, cây gậy cầm trong tay cũng rơi xuống.
Một lần, không kìm được máu ghen, Liễu Thị cầm cây gậy vụt mạnh vào tường, vào phản, vào bàn. Vừa vụt, Liễu vừa quát tháo, chửi bới, kêu la ầm ĩ. Khách khứa kẻ thì ngại ngùng, kẻ thì e sợ điều tiếng nên ba chân bốn cẳng tìm lối tháo thân.
Trần Tạo vốn sợ vợ, nên không dám đứng ra khuyên ngăn, anh ta đứng im một chỗ. Còn Liễu Thị khuôn mặt đỏ phừng phừn vì đang trong “cơn nổi tam bành”.
Ý nghĩa của từ “Sư Tử hống”
“Sư tử hống” vốn là từ trong Phật giáo. Khi Bồ Tát, Phật Đà giảng Pháp có uy lực thần kì, trấn áp hết thảy tà thuyết ngoại đạo. Giống như khi sư tử hống mạnh mẽ, uy nghiêm khiến muông thú phải khuất phục. Trong “Phẩm Phật Quốc – Kinh Duy Ma Cật”, có ghi: “Diễn Pháp vô úy, do như sư tử hống”. “Kinh niết bàn” cũng ghi chép có “Phẩm sư tử hống”. “Sư tử hống” trong Phật giáo hiểu như truyền kinh thuyết Pháp, đồng thời chỉ sự uy nghiêm của Đức Phật.
Bà Liễu Thị là người vùng Hà Đông, nên Tô Đông Pha thêm chữ “Hà Đông” trước chữ “Sư tử”. Lý Thường có tâm hướng Phật nên Tô Đông Pha đã mượn từ “Sư tử hống” trong Phật giáo để trêu đùa ông.
“Sư tử hống” và “Hà Đông” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. “Sư tử” và “Hà Đông” được Tô Đông Pha tiên sinh hóm hỉnh, khéo léo ghép lại với nhau. Vì Liễu Thị quê Hà Đông, sánh duyên Trần Lý Thường, tạo ra một điển cố lưu truyền cho đời sau. Cụm từ “Sư tử Hà Đông” vì thế mà trở nên có hàm ý rất sâu xa.
Bởi vậy, muốn có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc viên mãn, mối quan hệ vợ chồng hài hòa, thì phụ nữ nên nhớ, đừng giống như “Sư tử Hà Đông” kia nhé.
Nguồn: Epochtimes
Tài liệu tham khảo: Từ điển tổng hợp, Mucwomen
Lan Hòa biên tập