Nói nên chậm, tâm nên Thiện
Tạo hóa rất công minh khi ban tặng cho con người hai mắt để nhìn cho thấu, hai tai để nghe cho nhiều, hai chân để đi cho xa, hai tay để năng làm việc giúp đời nhưng lại chỉ cho ta một cái miệng, chính là để ta nói ít đi.
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Mỗi người đều cần phải có trách nhiệm về lời mình đã nói ra, bởi có những lời mà “người nói vô tâm, người nghe hữu ý”, từ đó sẽ làm tổn thương người khác.
Bí quyết của gia tộc danh giá nhất Trung Hoa: “Nói nên chậm, tâm nên thiện”
Gia tộc họ Vương ở Lang Gia, Sơn Đông được ghi nhận là “Trung Hoa đệ nhất vọng tộc” trong lịch sử Trung Hoa. Trong chính sử có minh xác ghi lại, suốt hơn 1700 năm kéo dài từ Đông Hán đến Minh Thanh, gia tộc này đã bồi dưỡng được 36 Hoàng hậu, 36 Phò mã và 35 Tể tướng.
Đáng ngạc nhiên là, gia huấn của gia tộc hiển hách này chỉ có vỏn vẹn sáu chữ: “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện”, ý tứ rằng: Nói nên chậm, tâm nên Thiện.
Chúng ta đều không phải Thánh nhân, miệng nói quá nhanh, quá nhiều ắt sẽ dễ dàng phạm sai lầm. Có một số người, nói chuyện rất nhanh, nhìn qua có vẻ như ăn nói rất khéo léo, thật ra lời nói ra khó mà cân nhắc được, trăm ngàn chỗ sơ hở. Kiểu người này kỳ thực chính là nói năng tùy tiện.
Chưa đến lượt nói mà đã cướp lời người khác, là phạm vào “Nóng” (nôn nóng, hấp tấp). Đến lúc nên nói mà lại im lặng không nói là “Ẩn” (che giấu, lấp liếm). Chưa nhìn thấy sắc mặt người nghe, chưa hiểu được tâm tình, chưa phân tích hoàn cảnh mà đã nói lung tung, gọi là “Mù” (mù quáng), tất nhiên phạm sai lầm lớn, chiêu mời rắc rối.
Một người có tu dưỡng, chính là mọi việc cứ để từ từ tới, cần phải thuận mạch suy nghĩ, không thể làm liều, nói bậy. Đạo lý trong Đạo gia là làm việc không nóng vội, không “bừa bãi”, ung dung mà thuần thục.
Nhiều lời là đại bệnh, cần học cách khép miệng lại
Tăng Quốc Phiên tứng có câu: Nhiều lời là cái xấu tệ nhất của con người.
Tăng Quốc Phiên cả đời đặt công phu vào việc “Giới đa ngôn” – Tránh nói nhiều. Trong nhật ký, Tăng Quốc Phiên vẫn thường tự kiểm điểm bản thân: “Mỗi nhật ngôn ngữ chi thất, chân thị quỷ vực tình trạng!”: Mỗi ngày bị lỡ lời, thực sự là tâm trạng rất tồi tệ. Ông còn coi “Giới đa ngôn” là giáo điều vô cùng trọng yếu trong gia huấn để giáo dục hậu nhân.
Trên mạng internet có lưu truyền đạo lý về “Ba cái sàng” của nhà triết học phương Tây vĩ đại Socrates.
Socrates cho rằng: Khi bạn muốn nói với ai đó điều gì, ít nhất cũng nên dùng ba cái sàng này để sàng lọc trước một lượt. Cái sàng thứ nhất gọi là “Chân thật”, cái thứ hai gọi là “Thiện ý”, cái thứ ba gọi là “Hữu dụng”. Nói cách khác, nếu như một người nói ra điều gì đó mà bản thân không thể tự xác định tính chân thực, lại có liên quan đến những điều xấu của người khác, hơn nữa cũng không giúp ích được gì, hoặc không liên quan gì đến người nghe, vậy thì không cần phải nói điều đó.
Nếu như chúng ta mỗi khi muốn phát biểu một kiến giải nào đó, một câu chuyện nào đó, có thể ngẫm lại “ba cái sàng” của Socrates. Thế thì tự nhiên có thể tránh được những lời vô nghĩa, đắc tội với người khác, tất nhiên cũng nâng cao trình độ nói chuyện của mình.
Khi người ta thường giữ cho mình một nguyên tắc nói chuyện như vậy, sẽ có tác dụng tốt với người nghe, cũng sẽ không làm tổn thương người được nói đến, so với việc làm một diễn giảng sướt mướt tình cảm thì còn khó hơn nhiều lần. Im lặng là vàng, và biết nói điều hay cũng không phải là dễ dàng, đó cũng chính là một loại tu dưỡng vậy.
Học lắng nghe để nói ít hơn, để thấu hiểu, để cảm thông
Tạo hóa rất công minh khi sinh ra hai con mắt để nhìn cho thấu, hai tai để nghe cho nhiều, hai chân để đi cho xa, hai tay để năng làm việc giúp đời nhưng lại chỉ cho ta một cái miệng, chính là để ta nói ít đi. Chúng ta chỉ nói cho người biết lắng nghe mà thôi.
Ngày ta chập chững tập đi, ta được học nói: Gọi mẹ, gọi cha, đòi ăn, đòi chơi,…ta đặt câu hỏi, ta giãi bày lòng mình, ta chia sẻ học thức. Nhưng rồi, cái miệng cũng bắt đầu biết buông lời nói dối, lời cay đắng, lời nóng giận, có thể vô ý làm tổn thương người khác.
Chúng ta đã học nói, phải chăng đến lúc chúng ta cũng phải học cách lặng im và lắng nghe người khác nhiều hơn. Chúng ta lặng im để không làm tổn thương người khác, không gây thị phi, không phàn nàn, không phán xét, không chì chiết; để không nói ra những lời giả dối, sáo rỗng; để không khiến người khác nổi giận; để không mang những tiếng xấu gieo rắc trong đời.
Trong mọi mối quan hệ, khi xảy ra mâu thuẫn hoặc tranh cãi, nếu chúng ta thắng, thì cũng là chúng ta đã thua, thua vì có thể dẫn đến sự bất hòa giữa hai người. Đúng sai ra sao, rồi cuộc đời sẽ dạy cho họ, không sớm thì muộn họ sẽ nhận ra được bài học của mình.
Tai con người rất lạ, nó chỉ thích “vểnh” lên nghe tiếng trên cao mà lờ đi âm thanh dưới thấp. Người đặt bản ngã mình cao hơn người khác sẽ chẳng thể nghe được gì, chẳng học được gì mà cứ lẩn quẩn trong u minh mãi.
Tai con người cũng rất kỳ, nó hướng ra nghe bên ngoài mà quên nghe tâm mình, nó chỉ thích nghe những lời hay ý đẹp, những bóng bẩy sáo rỗng mà không biết nghe lời ngay thẳng, dù đó là sự thật đắng hơn thuốc. Nó thích nghe lời khen mà bỏ qua lời chê chân thành góp ý.
Sống ở đời, hãy học cách lắng nghe để đừng rơi vào ảo tưởng của những lời hoa mỹ giả dối, để đừng giận ghét người có tâm, để cúi đầu học hỏi được điều hay lẽ phải, để tránh được cạm bẫy giữa dòng đời vô thường.
Phải chăng, học im lặng rồi, ta vẫn cần phải học lắng nghe? Học lắng nghe để nói ít hơn, để thấu hiểu, để cảm thông, để yêu thương nhiều hơn.
Lan Hòa biên tập