Ông Tây được ngư dân nghèo ‘nuôi’ vì bị mắc kẹt trong đại dịch
Ông Tây được những người dân chài nghèo miền biển Mũi Né cưu mang hơn 6 tháng qua đang khiến nhiều người xúc động. Trong cái nghèo cái khổ, tình người lúc hoạn nạn vẫn còn đó, dù cho họ không có cùng ngôn ngữ, dòng máu.
Câu chuyện được trang 60 New kể lại: Ở một thôn chài nghèo nơi miền biển Mũi Né, có một người tây xa lạ, mà bà con nơi đây đặt cho cái tên gần gũi là “ông Tây cô đơn”, được ngư dân nghèo hùn tôm, gom cá cưu mang trong suốt thời gian lưu lạc.
Du khách và người dân Mũi Né trong vài tháng gần đây tỏ ra bất ngờ khi trông thấy hình ảnh một người đàn ông nước ngoài gầy gò, râu trắng như cước loanh quanh bên chiếc chòi rách nát ven biển. Tìm hiểu kĩ, đó là ông Andrey (70 tuổi) từ Nga sang Việt Nam du lịch từ cuối năm 2019.
Chẳng may dịch bệnh ập đến và không thể biết khi nào có chuyến bay về lại nước, ông Andrey đành xin những ngư dân cho tá túc tạm trong căn chòi nhỏ dựng bằng tôn, bạt cũ, trên bờ biển Hàm Tiến, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Hàng ngày, ông ra biển kiếm con cá con tôm ăn sống qua ngày. Thế rồi, bà con nơi đây thấy ông già cả, cô đơn, nên rủ nhau gom góp mớ rau, ít nắm, chút gạo… “nuôi” ông, của ít mà lòng nhiều.
Hoạ vô đơn chí
Thời gian đầu còn khỏe mạnh, ông Andrey thuê xe máy đi vòng quanh Mũi Né nhưng không may bị ngã vỡ xương chậu phải nhập viện phẫu thuật. Họa vô đơn chí, hơn nửa tháng trước loanh quanh căn chòi nhỏ, Andrey lại té và bị gãy tay. Tuy nhiên, do mắc kẹt ở Việt Nam quá lâu mà số tiền mang theo bên người đã cạn kiệt gần hết, ông Andrey chỉ băng bó sơ sài rồi nén đau quay về bên căn chòi nhỏ bên sát biển chờ hồi phục.
Hiện tại, ông Andrey sống bằng tiền lương hưu (khoảng 5 triệu đồng/tháng). Tuy số tiền ít ỏi nhưng mỗi tháng ông đều trích ra một số tiền để góp với bà con, xem như phụ một phần tiền chợ để đáp lại tình cảm của mọi người.
Theo lời kể của Chị Hoa (một ngư dân tại Hàm Tiến) chia sẻ: “Thời gian đầu, sức khỏe ông Andrey rất yếu, người còn da bọc xương, đi lại khó khăn nên hàng ngày tôi nấu cháo cho ổng ăn. Bà con ngư dân nghèo xung quanh hay chuyện, mỗi người đóng một ít cùng nuôi ông Andrey. Nhờ tình thương của bà con xung quanh đến hôm nay ông Andrey đã có da thịt và đi lại dễ dàng hơn trước rất nhiều…”.
Sau có người biết nhờ giúp phiên dịch, ông Andrey viết ra giấy những vật dụng cá nhân nhờ mua giúp như thuốc chống muỗi, thuốc cao huyết áp, thuốc giảm đau, bông băng y tế để tự chăm sóc vết thương; thẻ điện thoại; kính lão từ 3,5 đến 4 độ và một cuốn sổ ghi chép.
Mỗi khi được ai đó tặng quà, ông Andrey đều cảm ơn không ngớt, rồi cẩn thận lấy cuốn sổ nhỏ và bút ra ghi những dòng tiếng Nga vào. Ông muốn ghi lại để mai mốt khỏe mạnh rồi cám ơn người tặng.
Khi được hỏi “Nếu có người giúp ông tài chính để đưa ông về lại nước Nga ông có đồng ý không? Ông Andrey lặng thing nhìn biển một hồi rồi nói rằng: “Tôi chưa muốn về lúc này vì tôi còn rất yêu vùng biển và con người nơi đây. Tôi chưa trả được ơn họ cưu mang mình nên tôi không nỡ ra đi…”.
Cả người cho và người nhận đều thật trân trọng và đáng quý biết bao… Dù bất đồng ngôn ngữ, không chung giống nòi, nhưng tình người và sự thiện lương đã đưa họ lại gần nhau, thân thiết như người nhà!
Câu chuyện đượm tình người của một ông Tây xa lạ với những người dân ở vùng biển nghèo có khiến bạn cảm động? Hãy chia sẻ cho chúng tôi cảm xúc của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé!
Thiên Hà biên tập
Nguồn: plclagi