Dùng lòng yêu thương mình để yêu thương người, đó là tận cùng của nhân đức
Trong văn hóa truyền thống Á Đông, Nho gia chứa đựng nội dung rất rộng, cốt lõi của nó là “Yêu thương người”. Khổng Tử cho rằng, từ trên xuống dưới đều có thể nhân ái tuân theo lễ, thì toàn bộ xã hội mới hòa thuận, người dân mới an cư lạc nghiệp. Khổng Tử luôn nhấn mạnh, thực hiện “nhân đức” không phải là vấn đề năng lực, mà là vấn đề thái độ. Mạnh Tử cho rằng, “lòng trắc ẩn” là khởi đầu của “nhân ái”. Có thể nói rằng, “nhân ái” là đạo đức truyền thống quan trọng của các dân tộc Á Đông.
Khổng Tử nhiều lần đề cập đến tư tưởng “nhân ái”, ông nói: “Duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân” (Luận Ngữ – Lý nhân), nghĩa là “Chỉ có người nhân đức mới có thể có khả năng yêu thích người, ghét người chính xác”. Tức là chỉ có người nhân đức mới có thể thận trọng yêu thích người, mới có thể nghiêm khắc ghét người.
Đối với người xưa mà nói, mọi người thường xuất phát từ yêu ghét cá nhân, thích người tốt với mình, ghét người không tốt với mình, vì vậy khó mà phân biệt rõ được thiện ác. Con người lại thường bị tư tâm trói buộc, không dám biểu lộ kính trọng với người tốt, không dám biểu lộ chán ghét với người xấu, vì vậy, không thể yêu ghét rõ ràng. Còn người nhân đức thì công chính vô tư, tấm lòng ngay thẳng, vì thế có thể làm được phân biệt rõ thị phi, yêu ghét rõ ràng. Chỉ có người nhân đức mới có thể làm được yêu cái đáng yêu, ghét cái đáng ghét.
Khổng Tử cũng nói: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?” (Luận Ngữ – Bát Dật), nghĩa là: “Người mà không nhân đức thì lễ nghi có ý nghĩa gì? Người mà không nhân đức thì âm nhạc có ý nghĩa gì?”
Đối với Khổng Tử mà nói, nhân đức là nền tảng của việc giáo hóa lễ nhạc. Nếu một người từ nội tâm không có đạo đức chân thành, không có tư tưởng nhân ái, thế thì những quy phạm của lễ và nhạc đối với người đó mà nói là không có ý nghĩa gì. Bởi vì, người đó chỉ dùng lễ nhạc để trang sức, khó tránh khỏi giả dối.
Khổng Tử còn nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Luận Ngữ – Nhan Uyên), nghĩa là: “Điều mình không muốn thì chớ làm cho người.”
Trong “Luận Ngữ – Ung dã” có ghi chép: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, nghĩa là: “Mình muốn tạo dựng chỗ đứng của mình thì hãy tạo dựng chỗ đứng cho người, mình muốn thành công cho mình thì hãy tác thành cho người.” Đó đều là những nguyên tắc đạo đức phổ biến mà con người cần tuân theo.
Khổng Tử còn nói: “Khoan tắc đắc chúng” (Luận Ngữ – Dương Hóa), nghĩa là “khoan dung thì đắc được nhân tâm”, khoan hậu với người thì sẽ được mọi người ủng hộ.
Khoan hậu nhân ái là phương diện quan trọng của tư tưởng Nho gia. Nho gia xưa nay luôn đề xướng lấy đạo đức để cảm hóa con người. Mạnh Tử từng ca ngợi Thương Thang với địa bàn 70 dặm mà cuối cùng có được cả thiên hạ, đó chính là kết quả đắc được lòng dân. Thương Thang chinh phạt phía Đông mà người phía Tây oán, chinh phạt phía Nam mà người phía Bắc oán, “người dân mong đợi ông như đại hại mong đợi bóng mây”. Thương Thang là mẫu mực của việc dùng nhân ái khoan hậu mà có được thiên hạ.
Mạnh Tử nói: “Quân tử mạc đại hồ dữ nhân vi thiện” (Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng), nghĩa là “Đức hạnh cao nhất của người quân tử chính là làm việc thiện cho người khác.”
Mạnh Tử nói câu này, chủ yếu là để nhấn mạnh cần tiếp thu ưu điểm của người khác. Ông nói, Tử Lộ nghe thấy người khác chỉ ra những sai lầm của mình thì vô cùng vui mừng. Đại Vũ nghe được lời thiện liền hành lễ với người ta. Thuấn lại càng giỏi việc học tập người khác, vứt bỏ khuyết điểm của mình, tiếp nhận cái tốt của người khác, để cải thiện hành vi của mình. Do đó, đức hạnh cao nhất của người quân tử chính là cùng người khác hành thiện.
Mạnh Tử còn nói: “Lão ngô lão, dĩ cập nhân chi lão; ấu ngô ấu, dĩ cập nhân chi ấu” (Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng), nghĩa là “Hiếu kính với cha mẹ mình, rồi mở rộng hiếu kính đến cha mẹ người; Yêu thương con mình, rồi mở rộng đến yêu thương con người.” Ông cũng nói: “Ái nhân giả, nhân hằng ái chi; kính nhân giả, nhân hằng kính chi” (Mạnh Tử – Ly Lâu hạ), nghĩa là “Người mà yêu thương người khác thì mọi người mãi yêu thương họ; người mà kính trọng người khác thì mọi người mãi kính trọng họ.”
Mạnh Tử cho rằng, lòng trắc ẩn, cái tâm không nỡ, đó là khởi đầu của nhân ái. Đức hạnh tốt đẹp chính là từ mình rồi mở rộng ra tới người khác. Chính sự nhân đức chính là yêu thương người khắp trong thiên hạ. Hơn nữa, sự quan tâm yêu thương và tôn kính giữa người với người luôn là quan hệ tác động lẫn nhau, không lễ độ với người khác thì cũng khó khiến người khác lễ độ với mình.
Trong “Chính mông – Trung chính”, Trương Tái viết: “Dùng cái lòng yêu thương mình để yêu thương người, đó là tận cùng của nhân đức.” Nếu một người có thể yêu thương người khác như yêu thương bản thân, thế thì có thể nói là đã hoàn toàn đạt đến cảnh giới tinh thần của người nhân đức rồi.
Trương Tái cả đời dốc sức thực hành tư tưởng “nhân đức” và “yêu thương người” của Nho gia. Ông luôn luôn nghiêm khắc yêu cầu bản thân mọi lúc mọi nơi về lời nói cử chỉ hành vi của mình, trong cuộc sống thì cơm thô trà nhạt, mà vui quên hết ưu lo, là chính sự thì chú ý kính già yêu trẻ, cứu tế người nghèo khó thiên tai. Ông từng nói: “Tôn cao niên” (tôn kính người cao tuổi), “Từ cô nhược” (nhân từ với người cô đơn yếu nhược), đó mới hợp với đạo đức. Những hành vi và tư tưởng của ông đã ảnh hưởng đến những người xung quanh, người ta nói rằng, phong tục ở khu vực Quan Trung, Thiểm Tây mà ông ở, chính vì chịu sự ảnh hưởng của Trương Tái mà đã thay đổi tốt đẹp.
Nguồn Minhhui