Trí tuệ của cổ nhân: Tại sao trẻ em ngày xưa thường mặc quần hở đũng?
Người xưa nhìn nhận rằng, âm dương là tương đối và hòa hợp, dương lớn nhanh, âm sẽ không đủ, vậy nên nếu như thân dưới của trẻ em được bao bọc quá ấm, sẽ khiến âm tiêu mất.
Liên quan đến chiếc quần hở đũng của trẻ em, trên mạng Internet dường như không có lời khen ngợi, đều chỉ là những lời chê bai, chỉ trích như: mất vệ sinh, không an toàn, gây chấn thương…
Nếu là như vậy, vì sao trẻ em thời xưa vẫn mặc quần hở đũng? Chúng ta hãy cùng nhau quay ngược thời gian để tìm hiểu về chủ đề này.
Nói về bí quyết nuôi trẻ con, Vạn Mật Trai – lương y thời nhà Minh đã nói rằng: “Đầu phải mát, lưng phải ấm, để lộ thân dưới dưỡng chân âm”.
Tại sao “phải lộ thân dưới để dưỡng chân âm”? Lương y Vạn Mật Trai cho rằng: “Con người trước mười sáu tuổi, khí huyết đều thịnh, như mặt trời mọc, như trăng tròn, chỉ có âm thường không đủ”. Thể chất trẻ con có đặc điểm “dương thường có thừa, âm thường không đủ”.
“Âm thường không đủ” có biểu hiện như thế nào? Âm hư hỏa vượng, ngũ tâm phiền nóng, đều là biểu hiện của âm thường không đủ.nNhư vậy, nên mặc quần áo cho trẻ em như thế nào để khắc phục tình trạng này? Chính là mặc quần hở đũng.
Vạn Mật Trai nói rằng: “Đồng tử, thường bất cừu bạch”. “Thường”, chính là váy, quần che phần dưới cơ thể; “bạch”, là vải lụa mềm mại hơn vải bố; “cừu”, là áo lông, áo cừu mềm mại hơn cả lụa. Ở đây chính là nói, phần dưới cơ thể của trẻ con cần phải mặc vải mỏng, không nên dùng vải bông dày, thậm chí không mặc gì.
Vạn Mật Trai còn nói: “Thân dưới chủ âm, khi lạnh thì âm dễ phát triển, khi ấm áp thì âm tiêu mất”.
Trẻ con trong vòng một thời gian ngắn có thể thay đổi rất lớn. Ban đầu là lẫy, đến việc có thể xoay người, có thể ngồi, có thể bò, có thể đi… phát triển rất nhanh, đây chính là tác dụng của dương.
Người xưa nhìn nhận rằng, âm dương là tương đối, dương lớn nhanh, âm sẽ không đủ, vậy nên nếu như thân dưới của trẻ được bao bọc quá ấm, sẽ khiến âm tiêu mất. Sự thiếu hụt này sẽ dẫn đến dương phát triển quá nhanh, trong tương lai sẽ khiến dương không đủ – Về sau trẻ có thể chậm phát triển.
Vì vậy, cho dù là bé trai hay bé gái, muốn phát triển thật tốt, thân dưới nhất định không nên mặc nhiều. Đây không đơn giản chỉ là sự tiện lợi, mà là trí tuệ trong cách nuôi dưỡng có ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời của đứa trẻ.
Vạn Mật Trai (1499-1582), người Dự chương (nay là Nam Xương, Giang tây), sinh tại La Điền (nay thuộc Hồ Bắc). Ông là nhà y học nổi tiếng thời nhà Minh, được Cục quản lý Trung y quốc gia Trung Quốc đánh giá là một trong 30 nhà y học nổi tiếng thời Minh và Thanh. Vạn Mật Trai là người có kiến thức và tài năng, ngoài y thuật, ông còn giỏi thơ văn, thư pháp. Ông nghiên cứu học vấn nghiêm cẩn, y đức cao thượng, làm nghề y 50 năm, nổi tiếng về nhi khoa, phụ khoa. Khắp vùng Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy và Giang Tây khi ấy, hầu như ai ai cũng biết đến danh tiếng của ông. Về sau ông được Hoàng đế Khang Hi phong làm “Thánh Y”.
Ngoài ra, Vạn Mật Trai còn là nhà dưỡng sinh học ưu tú. Cuốn “Dưỡng sinh tứ yếu” của ông có những kiến giải độc đáo về dưỡng sinh đối với các phương diện bảo vệ sức khoẻ, dự phòng tật bệnh, ưu sinh ưu dục. Ông đề xướng “Ít ham muốn, thận động, pháp thì, khước tật”, có nội hàm toàn diện, tân tiến và khoa học, được mệnh danh là “đệ nhất dưỡng sinh Trung Hoa”.
Trong Đông y có một câu nói rằng, “y không tam thế không là lương y”. Thánh y Vạn Mật Trai sống đến 97 Tuổi, nhà ông gia truyền ba đời là bác sĩ nhi khoa, đến ông là đời thứ ba, rất nhiều quan điểm nhi khoa của ông đều là do tổ tông tích lũy tri thức lưu truyền lại. Chuyện này cũng hẳn là để chúng ta suy ngẫm lại, trong những tập tục truyền thống cổ xưa rốt cuộc ẩn giấu trí tuệ gì? Và chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu điều đặc sắc trong văn hóa truyền thống xưa?
Có nhiều điều được người xưa truyền lại, nhưng con người ngày nay không thể lý giải thấu đáo, cho nên cứ mải miết phủ nhận. Điều này đối với các tập tục truyền thống quả thực là không công bằng.
Bởi vậy, chúng ta hẳn là nên giữ một đôi mắt khám phá và đôi tai lắng nghe đối với những phong tục văn hóa truyền thống này, để tìm hiểu lý do vì sao nó tồn tại. Đừng để trí tuệ của cổ nhân ẩn sau những phong tục truyền thống ấy tan biến vì sự thiếu minh bạch của chúng ta.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: NTDVN