Ai cũng có thể đem đến cho cuộc sống sự quan tâm và tình yêu thương
Tình yêu thương là một khái niệm chỉ phẩm chất tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn của con người. Đó là tình cảm thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Còn được hiểu là sự yêu thương, chia sẻ, cảm thông, gắn bó lẫn nhau để cùng sống và tồn tại. Là thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng, xuất phát từ thành tâm, thành ý.
William Arthur Ward(1921 – 1994) Nhà giáo dục người Mỹ từng nói rằng: “Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện chính là: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, chia sẻ cùng người khác”. Bởi vì bất cứ ai cũng có thể đem đến sự khác biệt cho cuộc sống của người khác bằng sự quan tâm và tình yêu thương.
Khi không quan tâm đến một người khác, con người ta dễ dàng trở nên ích kỷ; khi không quan tâm đến một người khác, con người ta có thể ngày càng vị tư; và khi không biết quan tâm đến một người khác, con người ta cũng dễ dàng cam tâm chịu đau khổ chứ nhất định không mở lòng mình. Như vậy thái độ này sẽ biến con người thành kẻ lạnh lùng vô cảm và ích kỷ.
Ngược lại, một con người luôn biết quan tâm đến người khác thì họ thường có cuộc sống cởi mở, tấm lòng vị tha, nhân hậu sẵn sàng chia sẻ vui buồn với người xung quanh. Người như thế họ không bao giờ thấy cuộc sống của mình nhàm chán vì họ luôn thấy những người bạn hiện hữu quanh mình.
Trước khi học cho mình một cái nghề nào đó thì ta hãy học cách làm một con người có nhân đức, có đạo lý. Bài kiểm tra nhớ đời, sâu sắc cách học làm người nhân đức. Khi tôi đang còn học năm thứ hai trường nữ hộ sinh, một ngày nọ, vị giáo sư già cho chúng tôi làm bài kiểm tra.
Việc đầu tiên của tôi là lướt mắt qua toàn bộ các câu hỏi. Không có câu nào quá khó, vì tôi vốn là cô học trò thông minh ! Duy chỉ có câu hỏi cuối cùng làm tôi bật ngửa người: Chị hãy cho biết tên của bà lao công trong trường ta?
Trời đất ạ ! Bà lao công thì có liên quan gì tới chuyện đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ kia chứ ? Ngày nào tôi chẳng gặp bà. Bà ấy già lắm rồi, chẳng biết là 60 hay đã 70 tuổi. Mặt nhăn nheo, dáng vẻ khắc khổ, bà hầu như không bao giờ nói tiếng nào, suốt ngày chỉ cắm cúi cầm giẻ, cầm chổi lau nhà.
Nhiều khi cả bọn chúng tôi vừa bô bô tán chuyện vừa đi trên hành lang, không thèm tránh lối cho bà lão đang còng lưng lau sàn nhà. Trông bà lão vội vàng né sang một bên, có lúc lòng tôi cũng cảm thấy hơi nao nao.
Một lần nọ, mải chạy, một cô bạn tôi vấp té đánh đổ bịch sữa đang uống dở ra sàn. Bà lão tội nghiệp vội lắp bắp: “Các cô để đấy cho già. Các cô vội, cứ làm việc của mình đi. Đây là việc của già mà!”.
Chỉ có thế thôi thì làm sao tôi biết họ và tên của bà! Mà có biết cũng chẳng để làm gì. Bà ấy chẳng qua chỉ như cái bóng âm thầm bên lề cuộc sống sôi động đang cuốn hút lũ sinh viên ồn ào chúng tôi. Tôi quyết định để trống câu trả lời. Cũng không có gì là quan trọng. Miễn tôi trả lời xuất sắc những câu hỏi liên quan tới chuyên môn là được.
Vài ngày sau, vị giáo sư trả lại bài kiểm tra. Ông chậm rãi nói: “Đa số các em đều viết được. Nhưng tôi lo ngại rằng nếu cứ cái đà này khi tốt nghiệp lớp ta sẽ cho ra trường toàn là những… người máy. Đó sẽ là một thảm họa!”.
Phía dưới, lũ học trò chúng tôi lao xao, không hiểu thầy muốn nói gì. “Nghề của các em là chăm sóc, giúp đỡ những người phụ nữ trong những giờ phút đau đớn nhất và cũng là hạnh phúc nhất trong đời. Các em là thiên thần hộ mệnh cho những sinh linh mới.
Nỗi đau của họ cũng phải là nỗi đau của chính các em. Nghề nghiệp của các em cần những con người nhạy cảm, biết quan tâm, nâng đỡ số phận của mọi người, dù họ là mệnh phụ phu nhân, một ngôi sao hay chỉ là một bà quét rác.
Một bà lão cần mẫn phục vụ các em năm này qua năm khác mà các em cũng không thèm biết tên, không biết hoàn cảnh của bà ấy là một điều đáng để các em cần suy nghĩ. Vì thế, thầy cho rằng toàn bộ số bài kiểm tra của lớp ta đều không đạt yêu cầu”.
Một bài học nhớ đời đối với tôi! Sau này, tôi dò hỏi và biết được tên của bà lão là Dorothy. Bà đã làm việc ở đây gần nửa thế kỷ, từ lúc còn con gái. Hai người con trai của bà đã hy sinh trong chiến tranh. Bà ấy có quyền nghỉ hưu nhưng vẫn xin ở lại làm việc không lương.
Đề kiểm tra mà vị giáo sư ra cho học trò của mình đã giúp ta thấy ông ấy là một người đức trọng quyền cao, một người có nhân cách. Ông đa thông qua đề bài kiểm tra để dạy cho trò của mình bài học về lòng yêu thương con người, đức tính biết quan tâm người khác.
Với những con người làm nghề y lại càng cần có trái tim từ mẫu ấm áp, nhạy cảm, biết chia sẻ, biết cảm thông và yêu thương con người. Những học trò của ông đã thấm thía một bài học nhân cách nhớ đời.
Nhìn chung, dù là tình yêu thương, tình yêu hay tình thương thì cũng đều đáng trân trọng. Chúng là những chất liệu, gia vị cần thiết trong cuộc sống. Thật hạnh phúc khi chúng ta được đón nhân tình cảm yêu thương từ người khác. Và còn hạnh phúc hơn nữa khi bản thân mình có thể san sẻ yêu thương tới mọi người. “Cho đi là nhận lại”.
Nhung Nguyễn sưu tầm