Bài học cuộc sống: Vì sao nói người thường xuyên vượt đèn đỏ khó đạt thành công?
Vượt lên trên đoàn người đang kiên nhẫn chờ đèn xanh, họ luồn lách, tăng ga, họ đạp phanh, đánh lái, họ khéo léo đi xuyên qua dòng xe cộ và thoát ra an toàn.
Đôi khi họ phải phanh lại giữa ngã tư vì xe đông quá, đứng trơ khấc giữa dòng người vừa né họ ra một cách khó chịu, giận dữ hoặc lắc đầu ái ngại.
Tôi đã nhiều lần cố gắng nhìn vào mắt những người cố tình vượt đèn đỏ này để cảm nhận suy nghĩ của họ. Tiếc thay, chưa lần nào tôi thành công.
Những người cố tình vượt đèn đỏ ấy tuy hiếm khi bị phạt bởi cảnh sát giao thông, nhưng thực ra ngoại trừ trường hợp cấp cứu hay rất cần kíp, họ có thể đang phải chịu một hình phạt lớn hơn nhiều.
Câu chuyện dưới đây cho chúng ta nhìn nhận ấy.
Câu chuyện qua lăng kính bác trung niên
Một bác trung niên đang ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, đưa mắt ra đường nhìn dòng xe đang di chuyển chậm chạp vì lưu lượng lớn.
Bác để ý thấy trong đám đông ấy, có vài người đang cố vượt lên trên những người khác, chen nhanh vào tất cả khoảng trống có thể chen.
Gần chỗ bác ngồi nhất, một thanh niên diện đồ rất chỉnh tề, cũng đang cố gắng luồn lách, gương mặt cau có đầy vẻ khó chịu.
– “Chà…”, bác quan sát anh chàng này.
Sau một hồi miệt mài đánh lái, phi lên trên cả vỉa hè, anh ta cũng đã leo lên được hàng đầu, chễm chệ đứng trước cột đèn giao thông vẫn đang tín hiệu đỏ.
Ngay sau đó, “vèo” một cái, anh ta phóng ga lao đi. Dĩ nhiên, chẳng có cảnh sát giao thông nào đứng ở đó cả, bởi chẳng ai dại gì mà vượt đèn đỏ trước mặt những người thi hành công vụ.
Ở đất nước này, chuyện vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông không phải chuyện hiếm gặp. Nhiều người thấy khó chịu, nhiều người thấy mãi rồi cũng quen.
Bác chậm rãi nhấp nốt ngụm cà phê rồi chuẩn bị đi làm. Hình ảnh chàng thanh niên hồi nãy vẫn còn lưu lại trong tâm trí bác…
Vừa bước chân vào công ty, bác giật mình vì “gương mặt thân quen” ấy đang xuất hiện ở ghế ứng viên.
Trưởng phòng nhân sự của bác đang phỏng vấn anh ta cho vị trí nhân viên bán hàng.
Chị hồ hởi:
– A, anh đến rồi. Anh chờ em chút nhé, em đang phỏng vấn bạn này.
Chị tươi cười giới thiệu:
– “Giám đốc công ty mình đấy em ạ”.
Chàng thanh niên tặng bác một nụ cười lịch sự, khác hẳn với vẻ mặt cau có khi luồn lách trong luồng xe ban nãy.
Bác giám đốc cũng mỉm cười, nói với trưởng phòng nhân sự:
– Ừ, em cứ làm việc đi, sau đó anh xin hai chị em vài phút nhé, anh cần mọi người góp ý cho bản thảo “Bài học tuần này”, biết đâu bạn ứng viên này có thể cho chúng ta một góc nhìn thú vị.
– Vâng anh.
Chị trưởng phòng tiếp tục làm việc với ứng viên và giải thích cho anh ta về “Bài học tuần này” – một hoạt động bổ ích của công ty.
Mỗi người sẽ rút ra những điều mình học hỏi và chiêm nghiệm được trong cuộc sống, sau đó mỗi tuần sẽ có một người trình bày, chia sẻ bài học cho công ty và mọi người cùng nhau thảo luận.
Khi nhận được bản thảo do vị giám đốc đưa, người thanh niên nhíu mày, đỏ mặt, bởi tiêu đề rất rành mạch:
“Những người vượt đèn đỏ có lẽ khó đạt được thành công”.
Cố gắng giữ bình tĩnh trước mặt hai người kia, chàng ta đọc lướt qua 4 nguyên nhân được bác giám đốc chỉ ra :
1. Thiếu sự kiên nhẫn
Thời gian chờ đèn thường không lâu, nhưng nếu ngay cả mấy chục giây cũng là trở ngại với họ, thì làm sao có thể đảm bảo rằng họ có đủ kiên nhẫn để theo đuổi ước mơ mà không bỏ cuộc giữa chừng đây?
Khi bạn không đủ kiên nhẫn chờ đèn 30 giây thì bạn khó có thể đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng dự án tốt đẹp mà bạn ấp ủ. Bạn sẽ có thể bỏ cuộc giữa chừng.
Sự thiếu kiên nhẫn luôn đi kèm với tính vội vàng hấp tấp và nóng vội. Bạn sẽ quay ngoắt sang việc khác khi hơi gặp khó khăn. Sự thành công khó đến với những người thiếu kiên nhẫn.
2. Thiếu tôn trọng người khác
Khi gặp đèn xanh, họ được đi và người khác sẽ chờ họ. Vậy mà khi người khác được lưu thông đúng theo tín hiệu đèn, họ lại phóng ngang qua. Mọi người không muốn đâm họ, vậy nên lại nhường tiếp.
Nhưng rõ ràng, họ không có sự tôn trọng người khác, chỉ nghĩ cho bản thân mình, muốn giành cái lợi về phần mình. Người như thế, liệu có thể có những mối quan hệ tốt đẹp chăng?
3. Sẵn sàng lách luật
Thấy không có cảnh sát giao thông liền vượt đèn đỏ một cách thản nhiên. Vậy phải chăng, khi không có người giám sát, người như vậy sẽ tùy tiện làm theo ý mình, sẵn sàng lách luật, vi phạm các quy định, các quy tắc làm việc?
4. Chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy nguy cơ
Sẽ ra sao nếu họ tiết kiệm được vài giây vượt đèn nhưng lại thương tật khắp người hay thậm chí đánh mất mạng sống vì tai nạn giao thông?
Trong kinh doanh cũng vậy, vội vàng, hấp tấp, ham cái lợi trước mắt có thể dẫn đến những sai lầm vô cùng đáng tiếc.
Giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt chàng thanh niên, trong khi chị trưởng phòng vỗ tay, thốt lên:
– “Anh phân tích hay quá! Em cũng chứng kiến nhiều, thấy không thích những người vượt đèn, nhưng chưa nghĩ đến vấn đề này bao giờ. Hóa ra, chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình, ngay cả khi không bị phạt, anh nhỉ!”.
Chàng ứng viên cũng ngượng nghịu:
– “Đúng là một bài học đắt giá ạ… Cảm ơn anh…Em chào anh chị!”
Nguồn: cafebiz
Thái An biên tập