Bạn có muốn con mình là một ‘bản sao’ hoàn chỉnh?
Đã bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi cho chính bản thân mình, nếu con bạn là một bản photo copy của bạn, thì bạn có cảm thấy hài lòng hay không? Nghĩa là bạn như thế nào, thì con bạn sẽ được sao chép như thế ấy. Hay là bạn muốn tạo ra một phiên bản mới theo những gì bạn muốn con bạn trở thành?
Có nhiều lúc, chúng ta luôn áp đặt con cái phải như thế này như thế kia mà không biết rằng chúng lại vô tình bắt chước những hành động, cử chỉ, lời nói của ngay chính bản thân bạn hoặc những người xung quanh.
1. Vô tình dạy con nói dối
Đến kỳ nộp tiền điện nước, vì chưa đến ngày lĩnh lương, chị Hải đang nấu ăn trong bếp chạy lại dặn đứa con trai 6 tuổi chơi ngoài sân rằng, nếu lát con thấy có cô nào đến hỏi mẹ, thì con trả lời là mẹ đi làm chưa về nhé. Ở một trường hợp khác, anh Hoàng sau khi đón cậu con trai từ trường học về, trong lúc đợi đèn xanh đèn đỏ chỗ ngã tư cách nhà 5 km thì gặp ngay anh bạn hồi cấp 2. Vì lâu ngày không gặp nhau nên cả hai người rủ nhau vào quán uống nước. Biết tính chị vợ hay càu nhàu mỗi khi chồng đi làm về muộn, anh Hoàng dặn ngay cậu con, lát nữa về nhà nếu mẹ có hỏi, con phải nói 2 bố con bị tắc đường nhé.
Cũng như bao ông bố, bà mẹ khác chị Hải, anh Hoàng không biết rằng mình đã vô tình dạy con bài học về nói dối. Chúng ta luôn đòi hỏi con phải “khai thật” với mình và trong thâm tâm ai cũng mong muốn con cái trở thành người trung thực. Thế nhưng, chính họ lại làm cho con “rối loạn” vì “nói một đường, làm một nẻo”.
2. Gieo cho con cách ‘không nhận lỗi’ về mình
Cuối tuần, ông bà nội sang chơi với cu Bin. Ông bà mang theo rất nhiều quà bánh và đồ chơi cho cháu. Cu Bin thích quá chạy ngay lại thì không may va phải cái xe ô tô đồ chơi trên sàn khiến thằng bé ngã trượt xuống nền khóc ing ong. Chị Hà – mẹ cu Bin nghe thấy tiếng con khóc thì quay lại đã thấy bà nội bế lên và bà không ngớt lời “chừa này, chừa này” đánh chừa cái xe hư này, …vừa nói bà vừa giả vờ đánh tay vào cái xe đồ chơi.
Ngay lúc đó, cu Bin nín và chơi đùa trở lại. Sau vài lần chứng kiến khi con mình khóc, bà nội đều nựng cháu và liên tục đổ lỗi cho đồ vật hoặc con vật nào đó, chị Hà nghĩ rằng đó là chuyện bình thường. Câu chuyện tưởng như sẽ dừng lại ở đây cho đến một hôm, sau khi đón con ở lớp, chị Hà cho con chơi trong sân trường. Cu Bin chạy nhanh quá nên trượt chân, ngã sóng soài trên nền sân.
Cú ngã cũng không đau lắm nhưng vì xấu hổ với các bạn ở đó nên cu Bin la toáng lên, rồi vừa khóc vừa chỉ tay vào một cậu bạn cùng lớp đang chơi xích đu cách chỗ cu Bin một khoảng: Tại bạn Khánh làm con ngã, mẹ đánh chừa bạn ấy đi. Lúc đó mẹ bạn Khánh cũng có mặt ở đó. Chị Hà cảm thấy khá xấu hổ khi con mình cư xử như vậy. Chị nghĩ đến việc bà nội hay nựng con khi con khóc quả là không ổn.
Đây cũng là một trong rất nhiều tình huống thường gặp ngoài xã hội, cũng bởi người lớn chúng ta vì quá nuông chiều con trẻ và không biết rằng điều mình đang làm như thế là không đúng. Khi trẻ khóc, trẻ làm sai hoặc trẻ không vừa ý chuyện gì đó, người lớn thường không giúp con nhận biết lỗi là do bản thân con, mà lại tìm cách xoa dịu sự ấm ức của con bằng việc đổ lỗi cho đồ vật nào đó hoặc một ai khác.
Sự giáo dục vô ý này ít nhiều gieo vào tâm trí con khiến con nhận ra không phải là lỗi của con khi con làm sai hoặc bị như thế nào đó, mà là do một ai hoặc đồ vật nào đó. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ hình thành ở trẻ thói quen luôn đổ lỗi cho người khác hoặc do ngoại cảnh tác động. Từ đó trẻ sẽ không biết thừa nhận lỗi và cũng không biết sửa lỗi, khiến trẻ sống ích kỷ.
3. Giáo dục con trẻ bằng hành động
Một anh trưởng phòng kỹ thuật sau một ngày làm việc mệt mỏi, vừa mở cửa vội tháo giày và tất rồi quăng lung tung, mỗi cái một nơi. Vào trong nhà, cái ba lô cũng không được để gọn gàng lên kệ mà vứt luôn xuống sàn nhà. Ngồi nghỉ một lát trên ghế sofa, anh này sai đứa con 5 tuổi đang ngồi xem TV, lấy cho bố lon bia và đĩa lạc trong tủ lạnh. Khi uống bia, anh có sở thích tung từng hạt lạc vào miệng.
Một ngày nọ, sau khi đi công tác về, anh vào nhà, thấy balo và sách vở của con vứt lộn xộn, đồ chơi, điều khiển TV…mỗi cái một nơi, bày bừa trên nền nhà. Con anh thì nằm dài trên ghế sofa, a còn thấy trên bàn có một cái cốc bên trong đựng chút nước coca, và có nhiều hạt lạc vương trên ghế. Anh chợt hiểu ra chuyện gì đã diễn ra trước đó. Thì ra, con anh cũng muốn có hành động giống như bố đã làm.
Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều các trường hợp mà người lớn đã vô tình dạy trẻ làm theo. Có thể ngay lúc đầu, nó chưa nghiêm trọng nhưng theo thời gian, trẻ không được uốn nắn kịp thời để phù hợp và người lớn không nhận ra những lời nói, cử chỉ, hành động của bản thân có tác động tiêu cực đối với trẻ thì những hành vi tưởng như đơn giản này sẽ rất có thể mang đến những kết cục khôn lường sau này.
Trẻ con luôn muốn khám phá thế giới xung quanh thông qua bắt chước và qua các giác quan. Uốn nắn những hành vi không tốt của trẻ không phải chỉ đơn giản là mắng mỏ hoặc đánh con một trận thật đau là xong. Cha mẹ dùng phương thức nào để đối xử với con trẻ và với những người xung quanh, con sẽ trở thành người như thế. Vậy nên, con cái là “bản sao” của bố mẹ, vì thế, nếu bạn muốn con trở thành người thế nào thì trước hết bạn hãy làm người như thế đã. Giống như việc nếu hạt giống bạn gieo là anh túc thì bạn đừng mong chờ có một vườn hồng thơm ngát; nếu bạn quải một nắm hạt hướng dương thì mùa hạ sắp tới khu vườn của bạn sẽ được tô điểm với sắc vàng tươi mát.
Mộc Trà biên tập