Bí ẩn về ngôi miếu Thành Hoàng cứ lũ đến là đi đường vòng tránh xa
Ở Thiểm Tây, Trung Quốc có một ngôi miếu thờ Thần Thành Hoàng nằm giữa lòng sông, ngôi miếu này trải qua vô số trận lũ lớn nhỏ trong hơn 200 năm nhưng vẫn sừng sững đứng vững. Điều kỳ lạ là nước lũ cứ chảy đến đây thì sẽ tránh ra đi đường vòng.
1. Ngôi miếu kỳ bí khiến các chuyên gia khó xử
Vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 18, huyện Ninh Hạ, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc phải hứng chịu trận lụt 100 năm có một. Những nơi lân cận đều bị lũ tàn phá nhưng ngôi miếu Thành Hoàng nằm ở cồn đất có hình con thuyền giữa dòng sông Trường An lại có khả năng kỳ lạ. Lũ chảy đến gần miếu thì rẽ ra hai bên để đi vòng, nên ngôi miếu không một chút tổn hại.
Khi đó, những người xung quanh đều thấy mực nước của trận lũ rõ ràng là cao hơn cả miếu Thành Hoàng, ngay cả bức tường thành kiên cố ở bên ngoài dòng sông Trường An cũng bị lũ cuốn trôi, nhưng tại sao ngôi miếu nằm ở trung tâm dòng sông lại bình an vô sự?
Trong dân gian có truyền thuyết cho rằng phía dưới miếu Thần Thành Hoàng có một con vịt vàng, khi gặp lũ thì nó sẽ nâng miếu lên cao. Theo cuốn ‘Ninh thiểm huyền chí’, miếu Thành Hoàng này được xây dựng vào năm Càn Long thứ 50 (1786), đã có hơn 200 năm lịch sử.
Trong thời gian này, trên sông Trường An đã phát sinh 47 trận lũ lớn nhỏ, vô số làng mạc và thị trấn xung quanh bị phá hủy, duy chỉ có miếu Thành Hoàng này là bình yên vô sự. Người dân không cách nào giải thích được hiện tượng kỳ lạ này nên mới truyền ra câu chuyện “vịt vàng nâng thuyền”. Theo truyền thuyết, vào thời Gia Khánh, một vị lạt ma đến từ huyện Ninh Thiểm khi đi ngang qua bờ sông Trường An, thì vô tình nhìn thấy 2 con vịt vàng đang ở cạnh gò đất giữa sông, nên muốn bắt chúng làm của riêng.
Khi 2 con vịt vàng đang nhắm mắt nghỉ ngơi, vị lạt ma bất ngờ nhảy xuống nước và bơi về phía chúng, 2 con vịt vàng này rất có linh tính, thấy vị lạt ma đến bắt, chúng liền sải cánh bay lên trời. Sau đó, một con vịt bay đến miếu Quan Đế trong thành, còn con còn lại rơi trên bãi đất giữa lòng sông. Dân chúng cho rằng 2 con vịt này là vật linh thiêng, nên nhờ huyện nha ra mặt gây quỹ xây dựng miếu Thành Hoàng để bảo vệ bình an cho bách tính.
Vì muốn phá giải bí ẩn về ngôi miếu có thể né tránh lũ này, đã có nhiều chuyên gia đến đó tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát chi tiết. Sau khi điều tra, các chuyên gia kết luận, ngôi miếu Thành Hoàng này có diện tích khoảng 6000m2, diện tích kiến trúc là 1000m2, phong cách xây dựng rất phổ biến trong các tòa nhà kiểu đền thờ triều Thanh, và không có kết cấu đặc biệt nào.
Địa hình bãi đất giữa sông không hề cao, với hình dạng một chiếc thuyền, đặc điểm này có thể phân nhánh lũ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, miếu Thành Hoàng được xây dựng chỉ cao hơn mặt sông chưa đầy 2m, về mặt logic thì nó không có khả năng chống chọi với lũ lụt. Cuối cùng các chuyên gia cũng không đưa ra được lời giải thích phù hợp cho hiện tượng kỳ lạ này, vì thế những truyền thuyết và bí ẩn về miếu Thành Hoàng vẫn được lưu truyền rộng rãi trong khu vực địa phương.
2. Phá giải bí ẩn
Cho đến năm 2006, cục thủy lợi của huyện Ninh Thiểm đã thành lập một nhóm nghiên cứu, điều tra đặc biệt về miếu Thành Hoàng, do các chuyên gia thủy lợi dẫn đầu. Khi họ đang tiến hành đo đạc ngôi miếu và lòng sông xung quanh, thì 3 người trong số đó phát hiện ra một tảng đá khổng lồ với hình thù kỳ lạ nằm dưới đáy sông, cách bờ đất giữa lòng sông nơi miếu Thành Hoàng tọa lạc hơn 60m về phía thượng lưu. Sau khi đo đạc, phần tảng đá lộ ra có chiều dài khoảng 7m, chiều rộng 5m, nhưng kích thước chính xác của phần bị chôn vùi phía dưới vẫn chưa được biết.
Nhìn từ phía Tây của tảng đá, phần lộ ra phía trên trông giống như một con tê giác bị chôn vùi trong cát, vì vậy nhóm nghiên cứu đã gọi nó là “lưng tê giác”. Ngoài tảng đá này, có hàng chục tảng đá khác phân bố xung quanh, có kích thước khác nhau, chúng đều có đặc điểm chung là phần bị chôn vùi dưới đất rất lớn, cho nên dù có gặp lũ mạnh đến đâu cũng không thể xê dịch những tảng đá này. Vì vậy nhóm nghiên cứu gọi nó là “nhóm đá mọc rễ”.
Chức năng của “nhóm đá mọc rễ” này tương tự như “đê miệng cá phân dòng chảy” trong các công trình thủy lợi cổ đại. Khi lũ thượng nguồn đổ về, “nhóm đá mọc rễ” sẽ chia lũ làm đôi, cộng với hình dáng con thuyền của đồi đất nơi xây miếu Thành Hoàng khiến dòng lũ được phân làm hai và đẩy nhanh quá trình nước chảy.
Đồng thời, vị trí dòng sông nơi có miếu Thành Hoàng, tình cờ là khúc quanh của sông, khi lũ thượng nguồn đổ xuống, do tác dụng của “nhóm đá mọc rễ” phần lớn nước lũ sẽ chảy về phía Tây sông, dưới tác dụng của lực ly tâm tại khúc cua, nước sông sẽ hình thành trạng thái Tây cao Đông thấp, lưu lượng nước càng lớn, sự khác biệt càng rõ ràng.
Đây là lý do tại sao những người đứng trên cao cảm thấy mực nước ở phía Tây cao hơn một chút so với miếu Thành Hoàng, nhưng miếu lại không bị nhấn chìm. Những người thợ thủ công xây dựng miếu cũng đã tận dụng triệt để vai trò của khúc quanh, khi lũ xảy ra, dòng nước chủ yếu cuốn trôi những thứ ở bên ngoài dòng sông, còn bãi đất ở bên trong dòng sông nơi miếu Thành Hoàng tọa lạc, thì nước chảy tương đối thong thả, đồng thời dòng chảy dưới nước sẽ tiếp tục cuốn một số cát, đá vào bờ trong, đóng vai trò gia cố.
Như thế, bí ẩn về miếu Thành Hoàng khiến lũ đi đường vòng cuối cùng đã được giải đáp, nó bắt nguồn từ những người thợ xây dựng cổ đại, họ đã dùng bàn tay của mình để tạo nên một tòa kiến trúc kỳ diệu trong lịch sử. Ngoài ra, sự thật về kỳ tích này cũng là để cho con người ngày này phải nhìn nhận lại trí tuệ vượt bậc của người xưa.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: Tinhhoa.net