Trụ sắt nghìn năm không gỉ, lưu lại công đức của vị vua đắc đạo thăng thiên
Ở Ấn Độ có một trụ sắt, đứng hiên ngang giữa đất trời hàng nghìn năm nhưng không hề bị rỉ sét. Trên thân trụ có lưu lại công đức của vị vua nổi tiếng và quá trình đắc đạo bay lên trời thành Thần tiên của Ngài.
Trụ sắt trường tồn với thời gian
Cây cột sắt này được dựng trong sân của ngôi đền Thanh Chân nằm ở thủ đô Delhi, Ấn Độ. Nó có chiều cao 7,2m và đường kính 40,6cm. Theo giám định từ các nhà khoa học thì niên đại của trụ sắt này lên đến hàng nghìn năm tuổi.
Theo truyền thuyết, nó được cho là có nguồn gốc từ một ngôi Thần miếu. Tới thế kỷ thứ 13, đền Thanh Chân được xây dựng, người ta di dời nó đến để làm vật liệu cho công trình. Tuy nhiên do không có chỗ nào thích hợp để sử dụng, nên nó được lưu lại trong ngôi đền để tự sinh tự diệt. Nào ngờ nhiều năm trôi qua mà cây cột vẫn đứng đó, bất kể trải qua nắng mưa gió bão, nó vẫn không rỉ mục, thậm chí còn sáng bóng như thuở ban đầu. Dần dần, mọi người đều biết đến sự thần kỳ của cây thiết trụ này. Từ đó nó trở thành kỳ quan của ngôi đền.
Đến giờ, đã hơn 700 năm trôi qua, ngôi đền cũng không chịu nổi sự tàn phá của thời gian, nhưng cây cột sắt vẫn đứng sừng sững không tì vết, như thể 700 năm qua đối với nó chỉ là một cơn gió thoảng.
Khoa học hiện đại không thể chế tạo được
Về mặt lý thuyết, nếu muốn sắt không bao giờ bị gỉ, bạn có thể loại bỏ hoàn toàn carbon, tuy nhiên rất khó để gia công được như vậy. Hiện tại, độ tinh khiết của sắt rèn với hàm lượng carbon thấp nhất đã đạt tới 99,98%. Nhưng với quốc gia có khí hậu ẩm ướt như Ấn Độ, thì có thể nó cũng chỉ chịu được hai mùa mưa. Còn thép không gỉ inox thì thực chất vẫn còn carbon, chỉ là nó có một lớp màng bảo vệ, nên thời gian rỉ sét lâu hơn.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết rằng, cây cột sắt New Delhi có thể chứa các thành phần khác ngăn chặn quá trình oxy hóa. Nhưng trên thực tế, không ai có thể phục chế ra một cột sắt có vật chất tương đồng như vậy. Vì vậy, lời giải thích hợp lý duy nhất là do độ tinh khiết của cây gậy cực cao, và nếu thế thì công nghệ làm ra nó vẫn còn là một ẩn số.
Dòng chữ cổ tiết lộ danh tính vị vua được Thần khỉ giúp đỡ
Một số học giả tin rằng cây thiết trụ có thể đến từ nền văn minh tiền sử vì trên thân của nó còn có một dòng chữ cổ. Có tất cả 3 đoạn văn tự khắc trên cột sắt, mô tả công đức của quân vương Chandra vĩ đại, và cảnh tượng cuối cùng khi ông ấy rời khỏi nhân gian.
Dòng văn tự viết: “Ngài tựa hồ đã mỏi mệt với thế giới này, Ngài muốn ly khai khỏi nơi này. Với công đức của mình, nhục thân của Ngài đã đến một thế giới khác trong hình thái thực thể. Dù Ngài đã rời khỏi thế giới trần tục này, nhưng Ngài sẽ được đời đời vinh danh và nhớ ơn”.
Dựa vào bút tích trên cây thiết trụ thì trong lịch sử Ấn Độ chỉ có 2 vị vua có tên trùng khớp đó chính là: vua Chandra Gupta II trị vì ở thế kỷ 5 sau Công nguyên và vua Rama Chandra sống ở thời thượng cổ.
Một số nhà sử học cho rằng, dòng chữ này là viết về vị quân vương Chandra Gupta II kiệt xuất ở thế kỷ thứ 5. Nhưng nếu cây thiết trụ này được làm vào thời đại đó, thì niên đại của nó không quá xa xôi, lịch sử cũng không bị gián đoạn, vậy cứ cho là công nghệ chế tạo bị thất truyền, thì cũng phải còn lưu lại đến ngày nay một lượng lớn những đồ sắt bền bỉ đương thời, ví như các loại xoong nồi, chén bát, bình, chậu… bởi chúng không hoen rỉ. Nhưng thực tế thì không có những đồ như vậy.
Vì vậy, một số học giả Ấn Độ khác lại cho rằng cây thiết trụ này có thể có từ thời kỳ văn minh tiền sử, và vị vua được ca ngợi là vua Rama Chandra.
Vua Rama là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ. Dưới sự dẫn dắt của mình, ông đã được khỉ thần Hanuman và đội quân khỉ trợ giúp để tiêu diệt quỷ vương Robona và lập nên các tiêu chuẩn tôn giáo, đạo đức của nhân thế.
Vị vua tu luyện đắc đạo thăng thiên
Khi vua Rama còn sống, ngài ấy cũng là một người tu luyện. Sử thi Ramayana có viết về Ngài như sau: “Trong hơn một nghìn năm qua, khi khát vọng của ta đối với vật ngoại thân luôn lấn lướt và không thể đè nén xuống, ta chìm đắm trong sự hưởng thụ. Vì vậy bây giờ, ta muốn vứt bỏ tất cả để thành tâm hướng về Đại Phạn…” Chính là nói, vua Rama đã phải từ bỏ dục vọng của bản thân mới có thể hồi quy về Thần giới.
“Thoát khỏi sự vọng tưởng, ngạo mạn, bài xích việc lệ thuộc vào cái ác… không bị liên lụy bởi sự thống khổ và khoái nhạc, chúng chính là cảnh tượng giả dụ dỗ ta trên con đường hướng tới vùng đất vĩnh hằng”. Ý muốn nói, Ngày ấy cần phải giữ được cái tâm bất động, trừ bỏ những vọng niệm từ trong tư tưởng, có như vậy mới có thể đạt đến sự vĩnh hằng của sinh mệnh.
Cuối cùng sử thi “Ramayana” nói rằng, sau khi vua Rama giao trọng trách cho hai con trai của mình về những việc hậu sự, ngài cùng với đội quân khỉ Hanuman và em trai của mình an tâm về trời. Rất nhiều người cùng nhau thăng thiên. Kết hợp những mô tả trong Sử thi, có thể thấy viễn cảnh vua Rama phi thăng rất giống với những người tu luyện đắc Đạo trong văn hóa phương Đông.
“Hôm ấy, Rama dẫn chúng nhân đến thắp hương tế Thiên, đột nhiên Thiên môn mở ra, tiên nhạc phiêu phiêu, hai con thiên mã từ xa giáng hạ. Vua Rama và những người bên ngài ngồi lên phi xa rồi rời đi, biến mất trong những đám mây lành. Thời điểm đó, trời xuất hiện mưa hoa ngũ sắc, khắp nơi ngập tràn trong sắc màu và hương thơm, kéo dài rất lâu không dứt. Những chúng nhân ở lại mắt đẫm lệ, quỳ lạy đưa tiễn vị quân vương vĩ đại đi xa mãi. Cảnh tượng huy hoàng mãi mãi không thể nào quên được”.
Vì vậy, hậu nhân đã đúc lên một cột tưởng niệm, để ghi nhớ công ơn của vị quân vương vĩ đại này, kỳ vọng sẽ khắc ghi sự kiện bất hủ này vào cây thiết trụ thuần khiết, lưu truyền cho hậu thế, cho đến ngàn thu, cho đến vạn đại, cho đến khi địa lão, cho đến lúc thiên hoang, cho đến ngày mạt thế của nhân loại.
Điều này cho thấy cây thiết trụ này được tạo ra trong thời kỳ thượng cổ, là lúc Thần và người cùng chung sống với nhau, văn hóa tu luyện được phổ biến, đạo đức thăng hoa. Và cũng chính trong giai đoạn này có vô số kỳ tích đã xuất hiện được ghi chép trong các sử thi. Cây thiết trụ đứng sừng sững qua trăm nghìn năm chính là minh chứng sống cho thời kỳ huy hoàng này.
Con người ngày nay đã quên đi Thần, quên đi sự mỹ lệ của thế giới khi Thiên Địa mới được khai sinh từ thuở nguyên sơ, hoặc cũng có những người chạm vào cây thiết trụ một chút rồi tự hỏi “Thần tích là có thật ư?”.
Đăng Dũng biên tập
Nguồn: Tinhhoa