Người có thần thái thì làm gì cũng sẽ gặp nhiều may mắn và thành công
Người xưa có câu “Tướng tùy tâm sinh” chính là vậy. Khi nội tâm bạn thật sự được lấp đầy bằng tấm lòng từ bi, sự thuần khiết, bạn hiểu lẽ đời, hiểu rõ quy luật nhân quả, hiểu được chân lý và triết lý nhân sinh thì thần thái cũng theo đó mà xuất hiện.
Bạn luôn vui vẻ đối diện với nghịch cảnh, tin vào sự công bằng của ông Trời, luôn sống thiện lương và làm nhiều việc tốt hơn nữa. Sự thân thiện của bạn sẽ khiến mọi người yêu mến, tôn trọng. Chính điều đó tạo nên thần thái của bạn.
Câu chuyện về người phụ nữ bán đồ nữ trang inox
Trên vỉa hè công viên nọ có một người phụ nữ bán hàng nữ trang Inox, thứ hàng có thể gọi là rẻ tiền cho những cô cậu sinh viên hoặc những ai thích chơi cho vui.
Được biết người phụ nữ kia đã là mẹ của hai con nhỏ, chồng đã ly dị từ lâu nhưng nhìn dáng vẻ bên ngoài không khắc khổ như những người bán hàng rong xung quanh. Ngược lại, gương mặt ấy khiến người ta cảm nhận được một tính cách bền bỉ, hiểu đời và kiểu như ông Trời đã đặt sai vị trí cho người phụ nữ bản lĩnh này vậy.
Một buổi tối nọ, có một cô gái ăn vận sang trọng đang lựa hàng của chị.
Cô gái cao giọng nói: “Cái thứ hàng rẻ tiền này mà đòi tới 35.000 ư?” – Cô vừa nói vừa xốc xốc đám nữ trang mà chị đã xếp lại gọn gàng.
Chị ôn tồn nói: “Giá này cũng không đắt đâu em, em thử hỏi chỗ khác thử đi, có khi còn cao hơn đó”.
Cô gái kia bĩu môi: “Tôi xài mấy thứ này sao mà phải chạy đi hỏi giá, so đo với chị 35.000, tiện thể tôi mua cho con Mina ở nhà thôi”.
Chị cố gắng giữ bình tĩnh: “Ờ vậy thôi em mua chỗ khác đi nhé, chắc ở đây hàng rẻ không hợp với cún nhà em đâu”.
Cô gái tức giận nói: “Bán ế mà bày đặt chảnh là sao?”
Ai đứng gần đó cũng nghĩ rằng chị sẽ đuổi cô gái này đi trong giận dữ, nhưng ngược lại chị vẫn giữ vẻ mặt bình hòa, ôn tồn đáp:
“Em ạ, em có tiền em có quyền lựa những gì hợp với em, còn chị là người bán hàng thì chị có quyền bán cho khách biết quý trọng đồ của mình. Người có tiền có thể giàu sang hơn, nhưng người ít tiền không có nghĩa là nhân cách họ thấp hơn đâu em ạ!”
Cô gái kia ngượng đỏ mặt, chửi tục mấy câu rồi bỏ đi.
Không cần quá nhiều mỹ từ, không cần phải chửi xối xả kiểu chợ búa, với người xung quanh gần đó thì chị đã thắng. Thắng không phải trong cuộc mặc cả với cô gái kia, mà thắng khi chị giữ được bản chất và sự bình tĩnh của chính mình. Chị lúc này như một người phụ nữ chiêm nghiệm nhiều điều trong cuộc sống nên biết làm gì cho phải phép. Một người phụ nữ tuy ít học, nghèo khó nhưng đủ tri thức để biết giá trị đích thực của bản thân mình trong cuộc đời này, đó chính là nhân cách. Một người khiến mọi người phải nể phục. Từ đó trở đi rất nhiều người đã đến mua hàng cho chị.
Còn cô gái kia phải chăng là hình mẫu mà chúng ta vẫn thường thấy trong xã hội hôm nay. Đó là những cô cậu ấm giàu có, đẹp đẽ, học hành đàng hoàng nhưng nhân cách dường như còn nhiều khiếm khuyết.
Câu chuyện về cậu bé bán vé số với nụ cười thiên thần
Tại một góc của con phố nọ, ngày ngày người qua đường đều thấy một cậu bé bán vé số với gương mặt luôn nở nụ cười trên môi. Cậu bé cỡ tầm 8 tuổi, ngồi nguyên một chỗ với xấp vé số đặt trên bàn. Ai qua cậu cũng vui vẻ gửi lời chào thân thiện. Đôi lúc có khách Tây ghé thăm, cậu nhanh nhảu đáp bằng tiếng Tây khiến họ rất thích thú.
Dù trời mưa hay trời nắng, người ta vẫn thấy cậu bé ngồi đó, vẫn luôn nở nụ cười lạc quan, hiền lành, trong trẻo. Đôi mắt sáng lấp lánh mỗi khi cười lại nhắm tít lại trông rất đáng yêu. Ai gặp muộn phiền gì trong cuộc sống chỉ cần lại hỏi thăm cậu bé vài câu để được nhìn nụ cười ấy thì mọi nỗi buồn như chợt nguôi ngoai tan biến.
Nhưng mấy ai ngờ rằng, sau nụ cười thiên thần ấy lại là một hoàn cảnh hết sức bất hạnh.
Em vừa sinh ra đã bị liệt chân bẩm sinh, lên 5 tuổi thì ba em bị tai nạn qua đời; vì cuộc sống quá vất vả, mẹ em phải dắt hai anh em lên thành phố mưu sinh. Anh cậu bé thì bị khuyết tật toàn thân bẩm sinh, chỉ có thể nằm một chỗ như đứa bé 3 tuổi, mẹ em vì sức khỏe yếu không ai nhận việc nên chỉ có thể đi nhặt ve chai sống qua ngày. Căn phòng trọ quá đỗi chật hẹp, thiếu thốn nhưng cũng là một nỗi lo vô bờ đối với mẹ cậu bé.
Thương mẹ, thương anh và dù còn ít tuổi nhưng cậu bé đã xin mẹ ngày ngày chở mình ra góc đường bán vé số. Nhà không có tiền nên cậu không thể đi học được, nhưng từ việc tính tiền cho đến nói chuyện bằng tiếng Anh đều được cậu tiếp thu rất nhanh nhờ học hỏi từ mọi người xung quanh.
Mặc cho cái nắng như thiêu đốt, mặc cho cơn mưa quất vào da thịt, mặc cho cái lạnh buốt của ngày đông, cậu bé như đóa sen thuần khiết hiện lên giữa bùn lầy số phận.
Nếu không hỏi han hoàn cảnh, không nhìn xuống đôi chân tật nguyền bên dưới mà chỉ nhìn gương mặt cậu bé, có lẽ ai cũng nghĩ cậu có một cuộc sống rất ấm no, hạnh phúc. Nụ cười lạc quan đó chính là thần thái giúp cho cậu bé được nhiều người yêu mến, thích trò chuyện và mua giúp nhiều tờ vé số. Và cũng chính thần thái đó đã mang đến may mắn bất ngờ cho cậu. Các nhà hảo tâm đã đến giúp gia đình bé nhỏ của em và tặng cho em học bổng lên tới Đại học để em có thể thỏa ước mơ được đi học, làm kỹ sư điện để sau này giúp đỡ mẹ và anh trai.
Muốn có được thần thái thì phải làm như thế nào?
Thần thái chính là toát ra từ nội tâm của một người. Một người quá chú trọng vẻ bề ngoài nhưng nội lực không có thì làm sao có được thần thái?
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy những người có tài, có tiền, có địa vị, có ngoại hình trong xã hội thì phong thái của họ rất tự tin, họ có thể dễ dàng diễn nhiều vai diễn khác nhau và nói chuyện rất thu hút. Không phải ngẫu nhiên họ có được tài phú như thế, đó cũng chính là quá trình họ làm việc, tích lũy kiến thức, rèn luyện tài năng, trau dồi thể chất mà có được. Công sức ấy có thể giúp họ có được cái gọi là “thần thái” bên ngoài.
Nhưng những người không có may mắn về tiền tài, vẻ bề ngoài hay vật chất thì không hẳn là không thể có thần thái. Chẳng qua, chính bản thân họ ngộ nhận về sự yếu kém của chính mình, khiến họ không thể tự tin; và chính sự không tự tin đó khiến họ không dám đánh thức tiềm năng ẩn giấu bên trong. Kết quả là từ giọng nói, gương mặt, cử chỉ đều mất đi tự tin và thần thái, khiến người tiếp xúc với bạn cảm thấy rất nhàm chán.
Kỳ thực, thần thái thật sự chính là toát ra từ sâu thẳm con người bạn, chứ không phụ thuộc vào giá trị bên ngoài. Tiền tài địa vị chỉ là đòn bẩy để một người tự tin hơn chứ không phải là thần thái thật sự. Thần thái thật sự đến từ chính bên trong con người, đó chính là nhân cách, là tâm hồn.
Khi bạn đủ tự tin, sống bằng tình yêu thương và sống hết mình thì bạn có thể đánh thức tiềm năng bên trong của chính mình, tự tạo nên tài phú và gặp nhiều may mắn.
Nhưng để có được thần thái thì không phải tự dưng mà có. Đó chính là kết quả của nỗ lực tích lũy kiến thức, rèn luyện tu dưỡng, chiêm nghiệm những bài học cuộc sống. Một tâm hồn muốn đẹp thì phải năng đọc sách, am hiểu đạo đời…
“Con người vốn hơn nhau ở thần thái” chính là vậy, bạn hiểu rõ giá trị của bản thân, hiểu rõ con người vốn hơn nhau ở nhân cách, luôn biết tu dưỡng thì bạn đã tạo ra thần thái của chính mình. Người có thần thái thì làm gì cũng sẽ gặp nhiều may mắn và thành công, vì nó như nguồn năng lượng thiện lành thu hút tài vận cho chính bạn.
Quang Minh tổng hợp