Bí quyết thành công thông qua câu chuyện: Triết lý “con rùa” và “con cua”
Tại một quầy hàng trong chợ, có một người bán hàng rong bày biện 2 chiếc giỏ tre. Trong hai chiếc giỏ này, một cái có nắp đậy, một cái thì không, đằng sau sự khác biệt này là cả một câu chuyện rất thú vị.
Triết lý con rùa: “Giúp đỡ người khác làm nên thành tựu, cũng là thành tựu chính mình”
Trong 2 chiếc giỏ tre, có một cái đựng toàn là cua nhưng không có nắp đậy, nhìn vào chỉ thấy những con cua đang tranh nhau bò ra khỏi giỏ, nhưng kết quả là không con nào bò ra ngoài được, bởi vì sẽ bị một con khác kéo xuống.
Còn chiếc giỏ kia thì có nắp đậy. Người bán hàng rong mở nắp ra để những khách hàng hiếu kỳ xem một chút. Bên trong là thứ gì? Nguyên tất cả đều là loại rùa đen với đủ kích cỡ lớn nhỏ.
Người bán hàng rong nói rõ với mọi người vì sao ông lại phải đậy nắp chiếc giỏ tre này: “Bởi vì con rùa đen lớn nhất sẽ kê ở phía dưới cùng, kế đến là con rùa nhỏ hơn sẽ bò lên trên mình con thứ nhất, tiếp nữa là con rùa nhỏ hơn nữa, và trên tầng cao nhất là con rùa đen nhỏ nhất.
Chúng dùng cách thức xếp chồng lên nhau như vậy, đồng tâm hiệp lực, giúp con rùa đen nhỏ nhất có thể ra khỏi giỏ tre, sau đó, những con rùa phía dưới cũng sẽ bò ra được, còn con rùa lớn nhất sẽ dựa vào sức của mình để chui cái đầu ra ngoài”.
Người bán hàng rong đậy kín nắp giỏ lại, sau đó nói tiếp: “Cho nên ta phải đậy nắp lại cho nhanh, bằng không đám rùa đen sẽ bò ra hết. Về phần con rùa đen lớn nhất kia, mặc dù không bò ra ngoài được, nhưng nó cũng không oán hận hay tiếc nuối”.
Trong chiếc giỏ tre này, không gian chật hẹp như vậy, thế mà những con cua lại không ai nhường ai, còn tranh chấp nhau, trèo đầu cưỡi cổ nhau, tranh nhau ra khỏi cái giỏ… Cuối cùng chỉ có thể rơi vào kết cục “kiếm củi ba năm đốt một giờ”.
Trái lại, những con rùa đen thì không như thế, với trí tuệ của mình, con rùa đen lớn nhất sẵn sàng kê lót phía dưới cùng của chiếc giỏ tre, để cho những con rùa khác có thể leo ra khỏi giỏ, dù phải hy sinh thân mình vẫn thản nhiên đối mặt – Đây quả thực là một loại tình cảm thương yêu, một tinh thần cao thượng.
Câu chuyện về sự tương phản giữa 2 loài động vật này, chính là lấy vạn vật để gợi ý cho con người. Chúng ta cần phải hoan nghênh những người không ngại khó khăn, dám hy sinh thân mình, khẳng định những phó xuất và cố gắng của họ.
Đồng thời cũng nên khích lệ người khác, cùng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. “Giúp đỡ người khác làm nên thành tựu, cũng là thành tựu chính mình”, chúng ta lẽ nào lại không sánh bằng những con rùa đen bé nhỏ kia đây?
Triết lý con cua: “Tâm đố kỵ hại mình hại người”
Mỗi chữ Hán chính thống đều là cánh cửa mở ra không gian vô hạn của văn hóa Thần truyền.
Cổ nhân đã mang nội hàm của vũ trụ và vạn vật mà họ quan sát và thể ngộ được để dung nhập vào quá trình tạo ra chữ viết. Trong xã hội hiện đại với nhân tâm, đạo đức ngày càng bại hoại, nhiều vấn đề rối loạn phát sinh, Hán tự có thể giúp chúng ta tìm về suối nguồn trí huệ của cổ nhân, có được chỉ dẫn để đạt đến thân tâm an lạc. Chúng ta hãy cùng khám phá bản chất của tâm đố kỵ thông qua chiết tự chữ Hán của từ “Tật đố” (nghĩa là ghen ghét, đố kỵ).
“Tật đố” (嫉妒) là một từ ghép, trong đó cả hai từ đơn “Tật” (嫉) và “Đố” (妒) đều có ý nghĩa là ghen ghét, đố kỵ. Một điểm đặc biệt dễ nhận thấy là hai chữ này đều có bộ Nữ (女) đứng đầu, khiến một số người cho rằng tâm tật đố thường có ở nữ giới, là đặc trưng của nữ giới. Có thật vậy không? Theo thiển ý của người viết, có lý nhưng không hẳn là như vậy, vì nam giới có tâm tật đố cũng rất nhiều.
Theo truyền thuyết, Thân Công Báo là một vị tiên nam của Xiển Giáo, vô cùng đố kỵ với Khương Tử Nha, vì ông ta cho rằng mình tài giỏi như vậy mà Nguyên Thuỷ Thiên Tôn không chọn mình, lại chọn Tử Nha đi phong Thần. Thân Công Báo vì tật đố không chịu được nên dẫn động rất nhiều đệ tử Triệt giáo đi phò Trụ Vương, phá hoại Khương Tử Nha, cuối cùng bị vùi vực xoáy Bắc Hải.
Vậy bộ Nữ (女) liên tiếp xuất hiện trong từ “tật đố” muốn nói điều gì? Chữ Nữ này ngoài ý nghĩa là đàn bà, con gái ra, còn có nghĩa là non, nhỏ, yếu đuối. Thi Kinh viết: “Ỷ bỉ nữ tang”, nghĩa là “Cây dâu non yếu thì buộc (cho vững khi hái lá)”. Người viết bạo dạn cho rằng người có tâm tật đố kỳ thực là những người yếu đuối, tâm hồn họ còn non nớt, chưa trưởng thành, chưa đủ chính trực. Trước sự mỹ hảo, ưu tú, hay hạnh phúc và vinh dự của người khác, tâm họ không thể giữ vững, cảm thấy khó chịu, bất bình. Đó chính là lòng đố kỵ.
Nhìn kỹ vào từng chữ, thì chữ “Tật” (嫉) gồm bộ Nữ (女) và chữ Tật (疾) chỉ ốm đau bệnh tật hoặc thống khổ ghép thành. Như vậy, cổ nhân nhìn nhận tâm tật đố chính là một loại bệnh, chứng bệnh này khiến người ta ăn không ngon, ngủ không yên, không thể nào ung dung tự tại. Đã là bệnh thì nó quyết không phải là bản tính chân thật của chúng ta, bản tính của con người là khoan dung lương thiện. Vậy cái gốc của bệnh tật đố là ở đâu?
Chữ Tật (疾) cấu thành bởi bộ Nạch (疒) chỉ tật bệnh và bộ Thỉ (矢) nghĩa đen là cung tên, nghĩa bóng là công kích người khác, ăn nói hàm hồ. Phải chăng, điều này muốn nói nguồn gốc sâu xa của tâm tật đố chính là tâm tranh đấu? Một người ôm giữ tâm tranh đấu, hiếu thắng, ganh đua ở trong lòng, thì sẽ luôn nhìn vào người khác, thấy người khác có gì tốt thì lo lắng sinh bệnh. Hoặc hiểu theo nghĩa ngược lại, một kẻ hay ganh ghét thì sẽ nói xỏ nói xiên, đả kích người khác, mục đích là hạ thấp người khác, nâng cao bản thân mình.
Chữ thứ hai là chữ “Đố” (妒), gồm bộ Nữ (女) và bộ Hộ 戶 (nhà cửa, hộ gia đình) hợp thành. Để ý kỹ, ta sẽ thấy người phụ nữ này đang ở bên ngoài ngôi nhà của mình, không ở trong gia đình mình, hoặc là có một người phụ nữ khác ở ngoài gia đình.
Nho gia cho rằng đây là một điều bất thường, là mầm mống sinh loạn. Trong khi đó, chữ An (安) nghĩa là yên ổn, an bình, vẽ một người phụ nữ (bộ Nữ 女) ở dưới mái nhà (bộ Miên 宀), hàm ý rằng người phụ nữ hiền thục giữ trọn bổn phận trong ngôi nhà của mình thì đó mới là “an”. Nếu người nữ xuất hiện ở bên ngoài hộ gia đình thì chính là chữ Đố (妒), tương đương với bất an. Từ cách viết hai từ này mà ta có thể hiểu rằng, đố kỵ với người khác thì chính mình không được an ổn.
Cũng có thể hiểu rằng, tâm tật đố xuất phát từ việc một người không an phận, truy cầu quá phận. “An phận” thực ra không xấu như nhiều người vẫn nghĩ, nó có nghĩa là “luôn tuân thủ bổn phận, không có hành động trái đạo lý”. Người xưa nói: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”, vậy nên nếu mệnh mình không có thứ gì thì không thể cưỡng cầu mà được. Con người nên vui với bổn phận, không ngừng tu dưỡng bản thân mới là cách sống tốt nhất.
Trong xã hội ngày nay, tâm tật đố xuất hiện rất phổ biến. Người ta tuy chẳng nói ra, nhưng so bì tị nạnh nhau từ cái ăn, cái mặc, đến vợ chồng, con cái, rồi nhan sắc, địa vị công danh… Vì tật đố nên người ta không nhìn mặt nhau, nói xấu nhau, khiến thân tâm không phút nào yên ổn. Tranh đua nhau vì những vật chất bên ngoài đó thì vĩnh viễn không có được hạnh phúc thực sự. Đệ Tử Quy có viết:
“Chỉ đức học, chỉ tài nghệ
Không bằng người, phải tự gắng.
Nếu quần áo, hoặc ăn uống
Không bằng người, không nên buồn”.
Nếu muốn so sánh với người khác, thì hãy nên so sánh về đức hạnh, đức hạnh mình còn thua kém thì mau chóng nỗ lực tu thân. Hoàng đế Khang Hy từng giáo huấn các hoàng tử về tâm tật đố rằng:
“Nói chung người ta phải giữ mình mà xử thế, cần phải có khoan dung ở trong tâm. Thấy người gặp việc đắc ý, thì nên sinh tâm vui mừng. Thấy người gặp việc thất ý, thì nên sinh tâm cảm thông. Đây đều là chỗ khiến bản thân được thoải mái thực sự. Nếu như đố kỵ với thành công của người khác, vui mừng trước thất bại của người khác, thì nào có ích chi? Chỉ là khiến tâm của mình xấu đi mà thôi. Cổ ngữ nói: ‘Thấy cái được của người khác, như tự mình đắc được vậy. Thấy cái mất của người khác, như chính mình bị mất vậy’. Nếu như trong tâm được như vậy, thiên thượng nhất định sẽ bảo hộ loại người này”.
Hán tự đúng là suối nguồn trí huệ của cổ nhân, hậu thế chúng ta được đắm mình trong đó quả là muôn phần may mắn.
Lan Hòa TH và biên tập