Bố khắc khổ mà chúng ta vẫn lớn lên. Thật ra, Bố có phép màu
Tâm sự mùa thi
Bố ơi, con viết những dòng này cho bố trong những ngày cả nước đang vào mùa thi. Mùa thi năm nay đặc biệt lắm bố ơi- mùa thi khi cả thế giới đang oằn mình trong nạn dịch covit. Con nhớ lại cái ngày ấy, ngày con đi thi, bố không có tiền cho con làm lộ phí, bố chỉ chạy theo chiếc xe đạp cọc cạch và dúi cho con một nắm cơm trong cái mo cau: Con ăn đi rồi làm bài cho tốt.
Và hôm nay cảnh trường thi khác xa năm ấy: ô tô, xe máy, đủ các phương tiện hiện đại tối tân, nhưng vẫn như ngày xưa, những người bố vẫn như thế, vẫn dõi theo con mình, vẫn đau đáu một niềm không biết con mình làm bài tốt không.
Có bao nhiêu thí sinh là có bấy nhiêu câu chuyện về người cha người mẹ của họ. Thương lắm bố ơi, vẫn có những người bố nghèo như nhà ta ngày xưa, vẫn có những tấm lưng ướt sũng mồ hôi, cũng vẫn có những thí sinh làm bài không tốt và cách duy nhất là trút dận hờn lên bố mẹ. Nhìn những người bố người mẹ lúc đó thật ái ngại vô cùng. Họ run rẩy còn hơn cả con cái của họ khi không làm bài được. Họ rụt mình lại kiểu như cái không may mắn kia của con là do mình. Có những cô nương cậu ấm phụng phịu dỗi hờn, cha mẹ họ lúc đó giống hệt như làm điều gì sai mà bị tòa phán xét.
Đành rằng thi cử là khổ nạn, là áp lực, nhưng tất cả những người con mấy ai hiểu được lòng cha mẹ. Nhà giàu thì còn đỡ, nhà nghèo thì bố mẹ thắt lưng buộc bụng chạy ăn từng bữa vẫn gồng mình lo cho con đến trường để con có tương lại rộng mở, cho con bằng bạn bằng bè. Nỗi niềm ấy con có biết không?
Bố ơi con kể bố nghe vài mẫu chuyện nhỏ xung quanh chuyện thi cử để bố thấy con của bố ngày xưa hiếu thảo đến nhường nào bố nhé.
Ra khỏi phòng thi, bố lẽo đẽo cầm chiếc mũ cối chạy theo cô bé.” Con làm được bài không?, “ có ôn đúng tý nào không? Liệu được mấy điểm?”. Cô bé không nói gì, chỉ quay ngoắt lại nhìn bố, mặt nặng mày nhẹ. Bố bạn ý vẫn im lặng.
Một cậu ấm vì nhà xa, đến trường thi châm, giám thị không cho vào phòng thi, cũng xối xả lên bố mình những lời lẽ chua chát. Bố bạn ấy vẫn chỉ biết gạt nước mắt rồi run rẩy van nài hội đồng thi chiếu cố vì sự cố xe cộ. Thương lắm những người bố!
Nhìn cảnh hàng người dạt bên đường, tưởng chừng như cái nắng tháng 7 đã sấy khô cả ngần ấy con người. Nhớ lại mùa thi năm ấy, nắng cũng oi ả nhưng không gay gắt như bây giờ. Bố thấp thỏm ở nhà trông thấy con về là vội vàng hỏi ngay:” Chắc con bố sẽ làm được bài chứ? Bố tin điều đó mà”. Con cũng chỉ lặng lẽ:” Dạ chắc được bố ạ”. Bố cười, nụ cười thật hạnh phúc làm sao.
Thế là bố lại quên hết tất cả, cả cái nắng gió lào bỏng rát, cả những giọt mồ hôi chưa kịp khô, bố lại ra đồng, lại cuốc cày. Chắc bố đang nghĩ đến mấy nữa con lại cơm gói xa nhà học hành.
Bố ơi! Bố là thế đấy! Là người anh hùng vĩ đại nhất của cuộc đời con.
Bạn ơi, ngồi trong phòng thi áp lực một, thì thời gian trông chờ của bố ở bên ngoài còn đằng đẵng gấp 10 lần. Ai bảo chỉ có chúng ta vất vả ôn luyện, nhiều đêm bố cũng cùng thức với ánh đèn phòng học của con, cũng nằm đọc lại bảng tích phân, bảng logarit rồi những công thức loằng ngoằng dằng dặc. Chỉ có điều, mắt bố đã mờ, trí nhớ cũng chẳng còn tốt đẻ định hình về bao nhiêu thứ ấy.
Bố toàn tâm lo cho con, thế cũng đủ gian nan đoạn trường rồi. Vì thế. Tuyệt nhiên đừng bao giờ nổi cáu với bố. Chúng ta đều chưa làm được gì cho bậc vĩ nhân ấy.
Nếu chúng ta kém cỏi, đó là lỗi của chúng ta. Đừng đổ thừa cho bố đã không dành nhiều tiền của, thời gian cho mình, cũng đừng nói khi xưa bố cũng không tài giỏi. Bố khắc khổ mà chúng ta vẫn lớn lên. Thật ra, bố có phép màu. Phép màu của một vị Phật vì trong tâm bố luôn từ bi.
Nếu chúng ta có tài giỏi, đó là may mắn của chúng ta. Đừng tự cho rằng con hơn cha là nhà có phúc. Bởi, sinh ra và nuôi lớn một nười tài giỏi, bố còn vĩ đại gấp trăm lần.
Bạn đừng quên nhé! Khi chúng ta thành công, hàng trăm người tung hô cho niềm vui ấy. Đừng quên bố cũng đang khóc vì tự hào. Khi chúng ta thất bại trắng tay hay cơ cực, tất cả đã rời bỏ ta, đừng quên, bố vẫn ở phía sau quay mặt khóc vì thương con và mở rộng vòng tay đón ta về
Đừng quên nhé bạn ơi! Người ta nói : Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.”
Nhung Nguyễn biên tập