Căng thẳng trong công việc – dấu hiệu, hậu quả và cách đánh bại
Căng thẳng có thể mang tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ví như: dễ khiến người ta trở nên nóng giận, thậm chí nó có thể khiến cho ai đó nghĩ đến việc muốn kết liễu cuộc đời mình. Ngày nay có một lối suy nghĩ phổ biến: sự bận rộn, khó khăn trong công việc là nguyên nhân chính gây ra sự căng thẳng và mệt mỏi, nhưng bạn biết không đó chỉ là sự đổ lỗi vô căn cứ…
Một nghiên cứu mới đây của Korn Ferry chỉ ra rằng căng thẳng trong công việc đang ngày càng gia tăng, một phần do sự thiếu thông tin và cách phòng ngừa nó.
Các loại căng thẳng
Có thể chia căng thẳng thành hai loại: Căng thẳng có lợi (eustress) – liên quan đến việc bạn được tiếp thêm năng lượng bởi những thử thách như: học hỏi những điều mới lạ và làm những thứ mà bạn thích; Căng thẳng có hại (distress) – liên quan tới việc tiếp xúc những tình huống mà bạn cho là nhàm chán, sợ hãi và không thú vị…
Trong bài viết này chúng ta tìm hiểu loại “căng thẳng có hại” trong công việc. Loại này có thể hủy hoại tinh thần và cảm xúc của bạn, thậm chí giết chết bạn!…
Dấu hiệu và hậu quả
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chi phí y tế tăng hơn 50% cho những nhân viên có mức độ căng thẳng cao. Mức độ căng thẳng này có thể gây rối loạn giấc ngủ, không tập trung, các vấn đề về dạ dày; hoặc đau đầu, giận dữ, cáu bẳn, v.v. cũng như các bệnh mãn tính và các bệnh về tim mạch.
Nghiên cứu của trường Đại học Princeton cũng đã phát hiện ra rằng: trong khoảng thời gian mà căng thẳng kéo dài, các phần trong não bộ thực sự co lại và có thể làm suy yếu khả năng đối phó với các tình huống cũng như khả năng suy nghĩ của con người; Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Khi một người căng thẳng, khả năng gặp các tai nạn sẽ cao hơn, người ta cũng dễ lạm dụng chất gây nghiện, cô lập bản thân và thậm chí thường hay gây bất hòa với những người xung quanh; theo đó các mối quan hệ cũng dần dần tan vỡ, và rồi nghĩ tới tự tử.
Nguyên nhân
Viện nghiên cứu căng thẳng Hoa Kỳ đã báo cáo rằng: Các nguyên nhân hàng đầu gây ra căng thẳng là do khối lượng công việc quá lớn (48%), vấn đề con người (28%), không thể cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân (20%), công việc mất an toàn (6%)…
Tuy nhiên, điều khiến cho căng thẳng thực sự khởi phát lại chính là cách mà chúng ta nhìn nhận đối đãi với nguyên nhân của những sự việc trên.
Tựu chung lại có hai nhóm yếu tố liên quan đến kích phát sự căng thẳng trong công việc:
Nhóm yếu tố về thể chất: các ca làm việc, làm việc một chỗ trong thời gian dài, không có đủ thời gian để thư giãn, công việc lặp lại, những việc đòi hỏi tiến độ nhanh và các yếu tố môi trường như: ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn…tại nơi làm việc của bạn.
Nhóm yếu tố về tâm lý: Các cuộc xung đột chưa được giải quyết, những cáo buộc sai, sự giám sát kém, năng lực không được công nhận, hướng dẫn và giao tiếp không đầy đủ… những đồng nghiệp không thân thiện, xung đột về các vị trí trong văn phòng, bắt nạt, quấy rối, phân biệt đối xử, những quy tắc làm việc vô lý, các yêu cầu, các thời hạn, v.v.
Các yếu tố gây căng thẳng về thể chất có thể dẫn tới những hậu quả về sinh lý. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, các yếu tố này tác động đến cả sinh lý và tâm lý.
Biện pháp
Một số biện pháp phòng ngừa sự căng thẳng liên quan đến hoạt động thể chất: hít thở sâu, nghỉ ngơi thư giãn, ngồi thiền, ngủ đầy đủ và tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống. Nếu những biện pháp này không có tác dụng gì, có thể bạn cần thay đổi công việc và chuyên gia tư vấn hỗ trợ.
Một cách khác phòng ngừa sự căng thẳng đó là kiểm soát suy nghĩ của bản thân mình. Ông Abraham Maslow – một bậc thầy trong ngành tâm lý học – đã làm thí nghiệm kiểm chứng và khuyến cáo rằng: kiểm soát suy nghĩ là điều kiện tiên quyết để tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân.
Gần đây, nhà tâm lý học Susan Farrow gọi đó là: “Biện pháp phòng ngừa tập trung vào suy nghĩ” – nghĩa là suy nghĩ có chủ ý để tạo ra những cảm xúc tích cực; và sử dụng những cảm xúc này để thúc đẩy bản thân vượt qua những yếu tố gây căng thẳng.
Giải pháp của hai nhà khoa học trên là tương đồng và hiện đang được giới tâm lý đánh giá là một công nghệ tiên tiến trong việc quản lý sự căng thẳng. Khi một tác nhân gây căng thẳng xảy ra, bạn hãy không cho phép tác nhân ấy kích hoạt theo thói quen tiêu cực. Thay vào đó, bạn hãy suy nghĩ về những điều tốt đẹp và tích cực hơn.
Chẳng hạn, nếu một đồng nghiệp của bạn nhờ bạn giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp, thì suy nghĩ của bạn theo thói quen có thể là: “Tại sao anh ấy lại nhờ mình giúp đỡ thay vì tự làm chứ? Mình đã quá bận rộn rồi!”; Thay vào đó, tại sao bạn lại không thử suy nghĩ theo chiều hướng tốt hơn, kiểu như: “John đối diện với công việc này khó khăn hơn mình rất nhiều. Thật tuyệt khi mình có khả năng giúp đỡ đồng nghiệp, được bạn bè tin tưởng mà vẫn không ảnh hưởng đến thời lượng của bản thân”.
Tạo ra cảm xúc tích cực
Những cảm xúc hữu ích nhất bao gồm: tình yêu, niềm vui, sự lạc quan, sự phấn khích, sự nhiệt tình, lòng biết ơn, sự can đảm, sự tự tin và hài lòng… Bạn có thể tạo ra những cảm xúc này bằng cách suy nghĩ về chúng một cách có chủ ý trong mọi tình huống, bất kể là tình huống đó có khó khăn tới đâu.
Thay vì chứng kiến bản thân mệt mỏi, tiều tụy mỗi ngày khi chống chọi thụ động với những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống và công việc, bạn hãy chọn kiểm soát những tác nhân ấy bằng cách suy nghĩ chủ động và tích cực hơn về những điều gây căng thẳng đó. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ không tự đẩy chính mình vào các tình huống căng thẳng; Ngược lại, đã tự cứu mình khỏi tất cả các vấn đề rắc rối và phức tạp. Sức khỏe, tinh thần theo đó cũng sẽ thăng hoa.
Nội Nhiên/NTD.com/Dịch
Tác giả: Jeff Garton